Truyền thông trong nước đưa tin, người dân nếu bị phát hiện có hành động “mua chuộc, hối lộ Kiểm toán Nhà nước sẽ bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng”. Ông Vương Đình Huệ – Chủ tịch Quốc hội cho rằng chính sách liên quan đến xử phạt “không phải dễ” và cho đến nay Việt Nam chưa có văn bản nào quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.

quoc hoi kiem toan nha nuoc ong ngo van tuan scaled
Ông Ngô Văn Tuấn, Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam. (Ảnh: quochoi.vn)

Sáng 13/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam có phiên họp thảo luận về  dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước. Ông Ngô Văn Tuấn, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán có xu hướng gia tăng, theo báo Dân Trí.

Tại phiên họp, ông Vương Đình Huệ – Chủ tịch Quốc hội Việt Nam cho biết: “Cho đến nay chưa có văn bản nào quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kiểm toán. Chính sách này đặc thù và khó chứ không phải dễ, dễ thì đã làm lâu rồi.”, báo Dân Trí dẫn lời.

Trong Điều 12 dự thảo quy định, hành vi mua chuộc, hối lộ Trưởng đoàn kiểm toán, Phó trưởng đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, thành viên đoàn kiểm toán; cản trở công việc của Kiểm toán nhà nước. Cụ thể, phạt từ 10 – 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Mua chuộc, hối lộ tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá dưới 2 triệu đồng cho trưởng đoàn kiểm toán, phó trưởng đoàn kiểm toán, tổ trưởng tổ kiểm toán, thành viên đoàn kiểm toán; cản trở công việc của Kiểm toán nhà nước và Kiểm toán viên nhà nước.

Bên cạnh đó, quy định còn có biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số tiền tương ứng với số tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác đã đưa hoặc sẽ đưa để mua chuộc, hối lộ.

Ngoài ra, phạt từ 20 – 30 triệu đồng đối với hành vi che giấu hành vi vi phạm pháp luật về tài chính công, tài sản công; phạt từ 30 – 50 triệu đồng đối với hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm toán, kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán, thành viên đoàn kiểm toán.

Theo báo cáo của Chính phủ Việt Nam, năm 2022, cả nước có hơn 540.000 người kê khai tài sản thu nhập.

Có 7 trường hợp nộp lại quà tặng cho đơn vị, với số tiền 135,3 triệu đồng. Trong đó, Đà Nẵng 5 trường hợp, 131,1 triệu đồng; Trà Vinh 2 trường hợp, 4,2 triệu đồng.

Về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, báo cáo cho hay có 7.662 người được xác minh tài sản, thu nhập; 4.934 số cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được kiểm tra việc thực hiện các quy định về kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập.

Năm 2022, có 19 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; trong đó 10 người bị xử lý hình sự; cách chức 1 người; cảnh cáo 5 người; khiển trách 3 người.

Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 56.725,3 tỷ đồng; chuyển 9 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua kiểm toán sang cơ quan cảnh sát điều tra.

Đức Minh