Sau khi Washington và Hà Nội nâng quan hệ lên “Đối tác Chiến lược toàn diện”, Thủ tướng (TT) Phạm Minh Chính lập tức có chuyến công du kéo dài nhiều ngày ở Mỹ để mong muốn nhận được nhiều hỗ trợ về các lĩnh vực kinh tế. Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen ở New York, ông Chính đề xuất Mỹ giảm bớt các loại hạn chế, phòng vệ thương mại của Mỹ đối với Việt Nam.

bo tai chinh my pham minh chinh
Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen gặp gỡ TT Phạm Minh Chính tại New York, Mỹ hôm 20/9. (Ảnh: baochinhphu.vn)

Hôm 20/9, tại cuộc  gặp với Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen tại New York, TT Phạm Minh Chính đề xuất giảm bớt các loại hạn chế, phòng vệ thương mại của Mỹ đối với Việt Nam.

Trong đó, ông Chính đề cập đến các ngành hàng chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, đồ gỗ và đặc biệt là nông sản.

Ngoài ra, Thủ tướng Việt Nam còn đề nghị Mỹ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.

Trong bản tuyên bố sau cuộc họp, bà Janet cho biết: “Hai nước đã bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, kể từ đó Việt Nam đã trở thành đối tác kinh tế thân thiết, với thương mại hai chiều của hai nước đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.”

Chính quyền Biden-Harris coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong cách tiếp cận “kết bạn” của Mỹ nhằm tăng cường hội nhập với nhiều đối tác và đồng minh nhằm tạo ra chuỗi cung ứng đa dạng, linh hoạt và bền vững trong các ngành công nghiệp chính.

“Chúng tôi được khuyến khích bởi các khoản đầu tư ngày càng tăng mà các công ty đang thực hiện tại Việt Nam và nhận thấy tiềm năng to lớn của Việt Nam với tư cách là một quốc gia đóng vai trò quan trọng trong ngành bán dẫn”, bà Janet nhận định.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, nhiều năm qua, Mỹ và khối đồng minh (EU, Nhật Bản,…) vẫn luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, do đó giúp cán cân thương mại Việt Nam thặng dư lớn khi giao thương.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc (nguyên vật liệu sản xuất, thiết bị điện tử,…) để phục vụ các doanh nghiệp FDI nên luôn trong tình trạng nhập siêu.

Trong 8 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị xuất – nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 435 tỷ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 10%; nhập khẩu giảm 16,2%.

Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với giá trị ước đạt 62,3 tỷ USD. Còn Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với giá trị ước đạt 68,1 tỷ USD .

Cụ thể, cán cân thương mại với Mỹ thặng dư ước đạt 53 tỷ USD; xuất siêu sang EU ước đạt 19,6 tỷ USD; xuất siêu sang Nhật Bản 1,5 tỷ USD.

Ngược lại, nhập siêu từ Trung Quốc lên tới 32,3 tỷ USD; nhập siêu từ Hàn Quốc 17,3 tỷ USD (chủ yếu nhập xăng dầu thành phẩm giá trị cao); nhập siêu từ ASEAN 5,2 tỷ USD.

Đức Minh