Tối hôm 28/11, hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) đã thực hiện chuyến bay VN98 chở hành khách từ Tp.HCM bay thẳng đến San Francisco (Mỹ). Trao đổi với báo Tuổi trẻ, Ông Lê Hồng Hà – Tổng giám đốc VNA, cho biết về quá trình chuẩn bị, kế hoạch khai thác và tiềm năng của đường bay thẳng Việt Nam – Mỹ.

viet nam airline
Hãng Vietnam Airlines. (Ảnh: VNA)

Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cấp chứng chỉ khai thác cho VNA

Theo ông Hà, để được cấp chứng chỉ khai thác thường lệ của FAA, VNA đã làm việc với 9 cơ quan của Mỹ nhằm đáp ứng đầy đủ thủ tục mà phía FAA quy định. Thông qua các giai đoạn làm việc giữa hai bên trong vòng 15 tháng liên tục, hãng đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của FAA. Qua đó, từ ngày 04/11/2021, hãng đã được FAA cấp chứng chỉ đủ điều kiện bay thẳng. Với chứng chỉ này, VNA có thể thực hiện các chuyến bay thường lệ đến Mỹ vận chuyển người và hàng hóa.

Từ ngày 28/11, VNA khai thác chuyến bay thường lệ đầu tiên giữa Tp.HCM – San Francisco với tần suất 2 chuyến/tuần. Thời gian bay chiều đi khoảng 13 tiếng 50 phút, chiều về là khoảng 16 tiếng 40 phút. Trong tương lai có thể tăng lên 7 chuyến/tuần dựa vào nhu cầu thực tế khi dịch bệnh đã giảm nhẹ sự tác động đến nhu cầu đi lại của người dân. Ngoài ra, VNA có khả năng sẽ mở điểm đến thứ 2 tại Mỹ là Los Angeles. Trong tình hình khó khăn về kinh doanh, việc mở đường bay thẳng đáp ứng nhu cầu của hành khách cũng giúp VNA tăng thêm doanh thu.

Cơ hội mới đi kèm thách thức

Ông Hà cho biết, mở đường bay tới Mỹ là mong muốn của mọi hãng hàng không. Việc này cho thấy mức độ phát triển của hãng. Quyết định khai thác chặng bay này không mang tính thời điểm mà là quá trình. Trước dịch COVID-19, thị trường bay Mỹ – Việt đạt 1,4 triệu hành khách (tăng trung bình 8%/năm). Giao thương Việt – Mỹ cũng liên tục tăng trong những năm qua. Ngoài ra, số lượng du học sinh Việt Nam tại Mỹ nhiều thứ 6 (gần 24.000 sinh viên năm 2020) và số Việt kiều đông nhất cũng tập trung tại Mỹ (khoảng 2,2 triệu người). Do đó, về mặt thị trường, VNA đánh giá nhu cầu đi lại sẽ nhanh chóng phục hồi sau khi dịch bệnh được kiểm soát và các chính sách nhập cảnh được nới lỏng.

Tuy nhiên, trong khi khai thác chuyến bay thường lệ, VNA cũng đối mặt với việc cân đối thu-chi khi hãng không thể khai thác hết công suất. Theo ông Hà đánh giá, phải khai thác 5 năm trở lên mới có những tín hiệu tích cực.

Trước đó, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021 của Vietnam Airlines, hãng này lỗ sau thuế 3.531 tỷ đồng. Tính lũy kế 9 tháng, Vietnam Airlines lỗ sau thuế 12.153 tỷ đồng. Nguyên nhân được cho là do dịch COVID-19 bùng phát đợt 4 đúng vào thời gian cao điểm hè đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động hàng không. 

Vietnam Airlines vẫn đối mặt với nguy cơ bị hủy niêm yết nếu báo cáo kiểm toán năm 2021 của doanh nghiệp ghi nhận vốn chủ sở hữu ở mức âm. Trường hợp này xảy ra nếu mức lỗ quý IV của hãng vượt quá vốn chủ sở hữu còn lại tại thời điểm cuối quý III. Bên cạnh đó, nếu báo cáo kiểm toán năm 2022 của Vietnam Airlines không ghi nhận lợi nhuận, hãng vẫn sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định do đã có 3 năm liên tiếp không có lợi nhuận. Bộ KH-ĐT Việt Nam nhận định Vietnam Airlines đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản khi tiếp tục thua lỗ nặng nề.

Quang Minh (t/h)

Xem thêm: