Vốn Trung Quốc vào Việt Nam phần lớn qua tổng thầu EPC
- Nguyễn Quân
- •
Nguồn vốn Trung Quốc vào Việt Nam chủ yếu tập trung ở các hợp đồng tổng thầu EPC, chứ không phải chỉ qua vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và ODA, với nhiều điều cần lưu tâm về hiệu quả kinh tế và chất lượng công nghệ từ hình thức lựa chọn nhà thầu này.
Nhận định trên từ kết quả nghiên cứu “Một số nhận định về vốn đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam”, do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp với Trung tâm Doanh nghiệp Tư nhân quốc tế (CIPE), Hoa Kỳ thực hiện, VEPR công bố chiều ngày 22/7. Một số khuyến nghị về tiếp nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài và các loại vốn khác từ Trung Quốc tại Việt Nam cũng đã được đưa ra tại hội thảo.
Vốn FDI của Trung Quốc vào Việt Nam đang tăng liên tục, quy mô tăng không nhiều
Viện trưởng VEPR, TS Nguyễn Đức Thành cho biết theo kết quả nghiên cứu, vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam “rất đặc biệt” khi chủ yếu đi qua hình thức làm tổng thầu Hợp đồng thiết kế – cung ứng vật tư, thiết bị – xây dựng (EPC), chứ không chỉ qua FDI hay ODA. Mặc dù vốn FDI vào Việt Nam tăng liên tục từ năm 2012 nhưng quy mô vốn của Trung Quốc tăng không nhiều, năm 2012 chiếm 8% tổng vốn FDI, tăng lên 10% năm 2019.
Theo số liệu thống kê, năm 2017, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đạt khoảng 160 tỷ USD, riêng châu Á chiếm 69,5%.
Trung Quốc đầu tư lớn tại Châu Á khi khu vực này luôn chiếm tỷ trọng từ 66-74% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài. Tại châu Á, vốn đầu tư của Trung Quốc lại chảy nhiều nhất vào Hong Kong, tiếp theo là Singapore, Indonesia, Hàn Quốc… Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong dòng vốn này.
Trong khu vực ASEAN, vốn Trung Quốc lại ưu tiên hướng tới các nước như Malaysia (2016 đạt hơn 4,8 tỷ USD, 2017 đạt hơn 3,3 tỷ USD), Indonesia (2016 đạt khoảng 2 tỷ USD, năm 2017 đạt khoảng 2,5 tỷ USD), Thái Lan (năm 2016 đạt khoảng 2,4 tỷ USD) rồi mới đến Việt Nam (2016 đạt 1,8 tỷ USD, 2017 đạt 1,3 tỷ USD).
Tại Việt Nam, vốn FDI của Trung Quốc phân bổ chủ yếu ở khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng…
“Trung Quốc chưa phải là tay chơi lớn. Nhật đầu tư vào năng lượng, dầu; Đài Loan đầu tư vào sản xuất nhựa; Hàn Quốc vào điện tử… Mỗi nước có chiến lược đi riêng. Trung Quốc chưa nhiều lắm, ngoài dệt may, hóa chất, cung cấp điện, nước… Trong đó, bất động sản mới bắt đầu hình thành”, ông Thành cho hay.
Theo ông Thành, đầu tư FDI mang tính chất tư nhân, kinh doanh, nên các nhà đầu tư Trung Quốc tính toán rất kỹ, xem đầu tư vào Việt Nam có lợi hay không.
“Trong bức tranh đó, Trung Quốc chưa có sự khác biệt lớn về công nghệ, mật độ vốn. Chỉ dòng đầu tư vốn đầu tư nước ngoài thì dòng FDI chưa phải quá lớn. Sự hiện diện của Trung Quốc ở Việt Nam là rõ ràng, nhưng nếu mổ xẻ kỹ thì FDI không phải là vấn đề chính”, ông Thành cho biết thêm.
Theo nghiên cứu của VEPR và CIPE, đầu tư của Trung Quốc là một khái niệm rộng, không chỉ gồm các hoạt động do Trung Quốc đầu tư mà cần gồm cả các dự án EPC do Việt Nam vay vốn.
TS Trần Toàn Thắng, Trưởng ban kinh tế thế giới, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế – xã hội (Bộ Kế hoạch và đầu tư), cho rằng để hiểu đúng bản chất về vốn đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam là một thách thức, bởi EPC không phải là hình thức đầu tư mà là hợp đồng xây dựng đơn thuần. EPC thực chất là một phần vốn ODA.
Cũng theo ông Thắng, dù có đánh giá con số FDI vốn Trung Quốc vào Việt Nam ít, nhưng nếu cộng cả Hong Kong, Macau… sẽ là con số “khủng”. Do đó, để đánh giá kỹ lưỡng tác động của FDI đến nền kinh tế cần phải phân ngành, có cái nhìn và nghiên cứu kỹ mới có được kết luận xác đáng về FDI của Trung Quốc vào Việt Nam và những tác động. “Nếu dữ liệu tiếp cận ở dạng bộ hồ sơ doanh nghiệp thì sẽ có kết luận dễ dàng hơn”, ông Thắng nêu ý kiến.
Tổng thầu EPC của Trung Quốc tại Việt Nam
Làm rõ về khái niệm, nhóm nghiên cứu phân biệt EPC là hình thức chọn lựa nhà thầu còn BOT, BT, PPP là hình thức đầu tư. The quy trình, cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt dự án, nhà đầu tư trong nước, nước ngoài và Chính phủ góp vốn. Tùy hình thức đầu tư để quyết định theo mô hình BOT, BT hay các hình thức PPP khác. Chủ đầu tư mời thầu các gói thầu như EPC, EC, EP… với nhà thầu chính và các nhà thầu phụ.
Theo kết luận nghiên cứu, các vấn đề chính liên quan tới nhà thầu Trung Quốc gồm chậm tiến độ, vấn đề kỹ thuật và tác động môi trường. Các ngành chính chịu tác động như ngành sản xuất điện (chủ yếu là nhiệt điện), ngành xây dựng cơ sở hạ tầng (tuyến metro, cao tốc).
Về dự án chậm tiến độ, nhóm nghiên cứu dẫn so sánh giữa hai nhà máy nhiệt điện Hải Dương (EPC Trung Quốc) và Mông Dương 1 (EPC Hàn Quốc) được khởi công vào cuối năm 2011, đầu năm 2012. Sau 4 lần xin gia hạn tài chính, lùi tiến độ, đến tháng 7/2018, tổng thầu nhà máy Hải Dương mới hoàn thành 30% tiến độ; nhà máy Mông Dương 1 đến tháng 3/2015 đã hoàn thành cả 2 tổ máy, tính đến tháng 6/2018 đã sản xuất tổng cộng 12,86 tỷ kWh.
Về kỹ thuật, so sánh giữa nhà máy nhiệt điện Na Dương (EPC Nhật Bản) và Cẩm Pha (EPC Trung Quốc), nghiên cứu cho biết từ khi vận hành vào năm 2011, nhà máy Cẩm Phả do Trung Quốc phụ trách nhiều lần xảy ra sự cố với hậu quả nghiêm trọng, dừng hoạt động 4 tháng do cánh quạt tổ phát điện bị hỏng, tiếp tục dừng hoạt động 6 tháng do cánh quạt tổ phát điện hỏng, cháy nổ ở phòng ắc quy.
Về ô nhiễm môi trường, theo VEPR, 19/30 nhà máy nhiệt điện EPC Trung Quốc đang vận hành có các phản ánh về vấn đề môi trường, trong đó đặc biệt nổi cộm là tại Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân với tình trạng quá tải tro, xỉ (phát sinh theo thiết kế là khoảng 3,8 triệu tấn/năm); nhiệt điện Vĩnh Tân 1 xả thải trước khi được cấp phép, một số chỉ số khí thải vượt ngưỡng…; nhiệt điện Vĩnh Tân 2 thiếu các ghi chép về quy trình bảo vệ môi trường, xử lý chất thải, nhà máy xây dựng gần khu dân cư…, chậm thanh toán tiền phạt (62.000 USD Tổng cục môi trường phạt năm 2014)…
Đối với lĩnh vực hạ tầng, VEPR nêu ví dụ về tình trạng đội vốn 315 triệu USD của đường sắt Cát Linh – Hà Đông, hiện vẫn chưa được đưa vào khai thác thương mại, ngoài ra là tình trạng vi phạm luật lao động, vi phạm quy định về an toàn trong quá trình vận hành thử.
TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES), cho hay vốn Trung Quốc dù với lãi suất thấp cũng không rẻ hơn so với các nước như EU, Nhật Bản. Bởi tổng thầu Trung Quốc thường tính thêm các chi phí liên quan đến hợp đồng. Khi cộng lãi, mức lãi suất thực tế của nước này xấp xỉ các nước có công nghệ tiên tiến.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành lưu ý khi nhìn vào dòng vốn đầu tư Trung Quốc cần nhìn bằng lý trí, bằng thống kê rõ ràng, chứ không dựa vào cảm tính. Ông cũng kể lại về phát biểu của một nhà khoa học người Thái Lan tại hội thảo mới đây, “Bà này có đặt vấn đề người ta hay nói về vốn Trung Quốc không xanh, không sạch lại đắt nhưng sao vẫn rất nhiều nơi chấp nhận dòng vốn này?”.
Đồng quan điểm, ông Trương Đình Tuyển – nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) cho hay bất kỳ nước nào cũng muốn đẩy công nghệ cũ ra nước ngoài, không riêng các doanh nghiệp Trung Quốc. Tuy nhiên quyền chọn dự án, quyền chọn đối tác nhà thầu là ở chúng ta. “Dòng vốn Trung Quốc có thể sẽ càng ngày càng nhiều hơn. Không còn cách nào khác chúng ta phải nâng cao trách nhiệm của mình lên”, ông Tuyển khuyến nghị.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), dòng vốn FDI của Trung Quốc chảy vào Việt Nam tăng qua từng năm, song còn chiếm tỷ trọng tương đối nhỏ so với các nhà đầu tư tới từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Năm 2012, tỷ trọng vốn FDI vào Việt Nam của Trung Quốc tính cả Hồng Kông, Trung Quốc đại lục chỉ chiếm 8%, rất khó phân biệt giữa Trung Quốc đại lục và Hồng Kông. Sang năm 2019, lượng vốn này đã chiếm 10% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm 2019, lượng vốn FDI từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam tăng đột biến. Cụ thể, Hồng Kông dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,3 tỷ USD và Trung Quốc đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,29 tỷ USD, chiếm 12,4% tổng vốn đầu tư. |
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Từ khóa EPC Trung Quốc hậu quả nhiệt điện than vốn Trung Quốc