Theo báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu” mới nhất do Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố vào thứ Ba (9/1), năm 2024 nền kinh tế toàn cầu sẽ hứng chịu năm thứ 3 liên tiếp chậm lại, sẽ bước vào kỳ 5 năm tăng trưởng kinh tế yếu nhất trong 30 năm.

Maersk
Ngày 2/1/2024, Maersk, hãng vận tải tàu container lớn thứ 2 thế giới, tuyên bố tạm dừng vận chuyển hàng hóa trên Biển Đỏ. (Ảnh: MagioreStock, Shutterstock)

Ngân hàng Thế giới cho rằng cho dù năm 2023 kinh tế toàn cầu cho thấy khả năng phục hồi trước rủi ro suy thoái, nhưng căng thẳng địa chính trị gia tăng sẽ đặt ra những thách thức mới trong ngắn hạn, khiến năm 2024 và 2025 hầu hết các nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ chậm hơn 10 năm trước.

Phản hồi về báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu” công bố hôm thứ Ba, Ngân hàng Thế giới cho biết trong một thông cáo báo chí rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ chậm lại trong năm thứ 3 liên tiếp vào năm 2024, từ 2,6% vào năm 2023 xuống còn 2,4%, so với tăng trưởng bình quân trong những năm 2010 thì thấp hơn gần 0,75 điểm phần trăm.

Tốc độ tăng trưởng vào năm 2024 dự kiến sẽ chậm lại ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương (chủ yếu do tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại); các khu vực châu Âu, Trung Á và Nam Á sẽ phục hồi ở các mức độ khác nhau. Nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 4,5% vào năm 2024, giảm so với ước tính trước đó là 5,2%.

Các nước đang phát triển bị ảnh hưởng nặng nhất

Theo một thước đo, nền kinh tế toàn cầu đang ở trạng thái tốt hơn so với một năm trước: Nhờ sự mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ giúp giảm thiểu nhiều nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhưng căng thẳng địa chính trị gia tăng có thể gây những rủi ro ngắn hạn mới cho nền kinh tế thế giới. Đồng thời, trong bối cảnh tăng trưởng chậm lại ở hầu hết các nền kinh tế lớn, thương mại toàn cầu trì trệ và một số điều kiện tài chính thắt chặt nhất trong nhiều thập kỷ, triển vọng trung hạn của nhiều nền kinh tế đang phát triển đã mờ mịt hơn.

“Nếu không có những điều chỉnh lớn, những năm thập niên 2020 sẽ là một thập niên của những cơ hội bị bỏ lỡ. Tăng trưởng trong ngắn hạn sẽ vẫn yếu, khiến nhiều nước đang phát triển – đặc biệt là những nước nghèo nhất – rơi vào tình thế khó khăn nghiêm trọng: gánh nặng nợ nần ngày càng tăng, gần 1/3 dân số sinh kế bấp bênh, khiến nhiều mục tiêu ưu tiên toàn cầu bị trì hoãn”, Indermit Gill – chuyên gia kinh tế trưởng kiêm phó chủ tịch cấp cao của Nhóm Ngân hàng Thế giới cảnh báo.

Gill nhấn mạnh vẫn có cơ hội đảo ngược tình trạng suy giảm này. Báo cáo “Triển vọng Kinh tế Toàn cầu” đưa ra một lộ trình rõ ràng về tiến triển: Có thể đạt được những thay đổi lớn nếu các chính phủ bắt đầu ngay lập tức đẩy nhanh đầu tư và củng cố các khuôn khổ chính sách tài khóa.

Báo cáo cho thấy các nền kinh tế đang phát triển dự kiến sẽ chỉ tăng trưởng 3,9% vào năm 2024, thấp hơn 1 điểm phần trăm so với mức trung bình của thập niên trước. Biểu hiện của các nước thu nhập thấp vào năm 2023 cho thấy đáng thất vọng, tốc độ tăng trưởng vào năm 2024 dự kiến sẽ là 5,5%, yếu hơn so với dự kiến trước đây. Đến cuối năm 2024, khoảng 25% dân số ở các nước đang phát triển và khoảng 40% người dân ở các nước thu nhập thấp thậm chí còn nghèo hơn so với trước đại dịch COVID-19. Tăng trưởng ở các nền kinh tế phát triển dự kiến năm 2024 sẽ giảm còn 1,2% từ mức năm 2023 là 1,5%.

Tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2024 dự kiến chỉ bằng một nửa mức trung bình trong 10 năm trước đại dịch COVID-19. Còn chi phí đi vay đối với các nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt là những nước có xếp hạng tín dụng kém, có thể sẽ tiếp tục tăng do lãi suất toàn cầu đã điều chỉnh theo lạm phát vẫn ở mức cao nhất trong 4 thập niên.

Gill cho biết: “Tăng trưởng ngắn hạn sẽ vẫn yếu, khiến nhiều nước đang phát triển – đặc biệt là những nước nghèo nhất – rơi vào tình trạng khó khăn nghiêm trọng: mức nợ cao đến mức tê liệt và gần 1/3 dân số khó khăn lương thực”.

Nhiều rủi ro khác nhau vẫn có thể khiến điều kiện kinh tế tồi tệ hơn dự kiến

Các nhà kinh tế của Ngân hàng Thế giới cảnh báo, năm 2024 có nhiều khả năng gây thất vọng hơn là mang đến những bất ngờ tích cực. Chiến tranh có thể cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Xung đột leo thang ở Trung Đông có thể đẩy giá dầu lên cao hơn mức hiện tại là 75 USD/thùng, kìm hãm tăng trưởng kinh tế và đẩy lạm phát lên cao.

“Đông Âu xảy ra chiến tranh, Nga đã xâm lược Ukraine. Có những xung đột nghiêm trọng ở Trung Đông.  Tình hình leo thang của những xung đột này có thể tác động đáng kể đến giá năng lượng, từ đó gây ra lạm phát và tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế”, Ayhan Kose – phó giám đốc Ngân hàng Thế giới và giám đốc Tập đoàn Prospects – nói với CNBC.

Các cuộc tấn công của Houthi nhằm vào hoạt động vận chuyển trên Biển Đỏ đã khiến các tàu chở hàng phải đi vòng qua mũi phía nam châu Phi, dẫn đến các tuyến đường hàng hải dài hơn và tốn kém hơn. Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, trong 10 ngày tính đến ngày 2/1 cho thấy thương mại qua Kênh đào Suez nối Biển Đỏ với Địa Trung Hải đã giảm 28%. Nếu thực trạng gián đoạn vận chuyển trên tuyến đường thủy quan trọng này vẫn tiếp diễn có thể gây áp lực tăng giá ở Mỹ và các nơi khác.