Ăn kim chi ở mức độ hợp lý có thể giúp làm giảm tỷ lệ béo phì ở nam giới. Nếu ăn quá nhiều, bạn sẽ nhận được kết quả ngược lại.

an kim chi 1
Theo một nghiên cứu được công bố trên BMJ Open, ăn kim chi có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh béo phì. (Ảnh: Nungning20/ Shutterstock)

Theo một nghiên cứu được công bố trên BMJ Open, ăn kim chi có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh béo phì. 

Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Chung-Ang, Trung tâm Ung thư Quốc gia Hàn Quốc và Viện Kim chi Thế giới đã phát hiện ra rằng nam giới ăn một đến ba phần kim chi mỗi ngày có tỷ lệ béo phì thấp hơn những người ăn ít hơn một phần. Nam giới ăn kim chi cải thảo nhiều nhất có tỷ lệ béo phì và béo bụng thấp hơn 10%. Nếu ăn kim chi củ cải nhiều hơn mức trung bình, nam giới có thể giảm 8% nguy cơ béo bụng, con số này ở nữ giới là 11%.

Để thu được các kết quả nói trên, các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu của 115.726 cá nhân (nữ giới gần gấp đôi số lượng nam giới) tham gia vào nghiên cứu về Giám định Sức khỏe tại Hàn Quốc. Những người tham gia có độ tuổi từ 40 đến 69, với độ tuổi trung bình của nam giới là 52 và nữ giới trung bình là 51. Không ai mắc các bệnh lý tiềm ẩn như tăng huyết áp, tiểu đường, tăng lipid máu, bệnh tim mạch, bệnh mạch máu não hoặc ung thư.

Tỷ lệ béo phì trung bình là 28,2%, trong đó nam giới béo phì thường có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hơn.

Trong nghiên cứu, những người tham gia được yêu cầu ăn nhiều loại kim chi khác nhau, bao gồm kim chi cải thảo, củ cải, hành lá, rau diếp hoặc rau mù tạt. Nhóm nghiên cứu đã phân loại khẩu phần theo tần suất tiêu thụ, bao gồm:

– Không bao giờ hoặc hiếm khi ăn

– Mỗi tháng một lần

– Hai đến ba lần một tháng

– Một đến hai lần một tuần

– Ba đến bốn lần một tuần

– Năm đến sáu lần một tuần

– Hai lần một ngày

– Ba lần một ngày

Một khẩu phần được định nghĩa là 50 gam.

Axit lactic có thể hỗ trợ giảm béo

Kim chi chứa ít calo và nhiều chất xơ, vi khuẩn axit lactic, vitamin và polyphenol. Kim chi cũng góp phần bổ sung thêm natri vào chế độ ăn uống. Trên thực tế, theo Khảo sát kiểm tra sức khỏe và dinh dưỡng quốc gia Hàn Quốc, kim chi đóng góp 15% lượng natri trung bình mà người trưởng thành Hàn Quốc tiêu thụ. Natri thường liên quan đến tỷ lệ béo phì và tăng huyết áp cao.

Nhóm nghiên cứu tin rằng vi khuẩn axit lactic trong kim chi (được tạo ra trong quá trình lên men) chính là chất xúc tác giúp người ăn giảm cân. Theo một nghiên cứu trên chuột, vi khuẩn axit lactic có khả năng làm giảm sự tích tụ mô mỡ ở chuột. Một nghiên cứu khác kéo dài 12 tuần cho thấy axit lactic trong kim chi lên men có liên quan đến việc giảm khối lượng mỡ trong cơ thể và vòng eo ở người trưởng thành.

an kim chi 2
Nhóm nghiên cứu tin rằng vi khuẩn axit lactic trong kim chi (được tạo ra trong quá trình lên men) chính là chất xúc tác giúp người ăn giảm cân. (Ảnh: PattyPhoto/ Shutterstock)

Sự đa dạng của kim chi

Kim chi là món ăn truyền thống của Hàn Quốc được làm từ rau củ muối và lên men. Kim chi Baechu là loại nổi tiếng nhất, được làm bằng cải thảo, muối, tỏi, gừng, hành lá, nước mắm và ớt Hàn Quốc. Kim chi thường có vị chua, cay và mặn, nhưng hương vị của nó có thể thay đổi tùy vào loại rau và nguyên liệu được sử dụng, cũng như thời gian ủ hoặc lên men. Muối, quá trình lên men và cách ướp sẽ quyết định hương vị của kim chi.

Cải thảo không phải là loại rau duy nhất được dùng làm kim chi, nhưng nó là nguyên liệu phổ biến nhất. Các loại kim chi khác bao gồm kkakdugi (làm từ củ cải), oi sobagi (làm từ dưa chuột), kkaennip (làm từ lá tía tô).

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng lưu ý rằng ăn quá nhiều kim chi có thể gây tác dụng ngược. Những người tham gia ăn nhiều hơn 5 phần kim chi mỗi ngày có nhiều nguy cơ bị béo phì hơn. Nguyên nhân có thể là do hàm lượng natri cao trong kim chi.