Việc phổ biến sử dụng thuốc kháng sinh của y học hiện đại đã dẫn đến tình trạng virus kháng thuốc (drug resistance) cũng ngày càng mạnh, theo đó cộng thêm một số yếu tố thay đổi về hành vi và chế độ ăn uống của loài người, tỷ lệ tiêm chủng giảm ở trẻ em, phương thức tương tác mới của con người và biến đổi khí hậu…, khiến một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tưởng đã trở thành lịch sử thì hiện nay có thể bùng phát trở lại, đặc biệt là tại phương Tây.

bệnh truyền nhiễm
Ảnh chụp lưng một đứa trẻ bị sởi. (Ảnh: Aleksandr Finch/ Shutterstock)

Nhiều nhận định từ chuyên gia y tế công bố trên những trang như Tin tức chính trị tổng hợp Politico.eu, trang web của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và trang web của Liên hợp quốc (UN)… cho thấy, mặc dù thông qua tiêm chủng, phổ cập thông tin y tế công cộng và phương pháp y học hiện đại, các nước phát triển phương Tây đã loại bỏ nhiều dịch bệnh từng là loại bệnh nguy hiểm trong các thế kỷ trước, thế nhưng trong thế kỷ 21 lại có những thay đổi lớn. Tác động của đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu đã dẫn đến sự chuyển đổi từ “Kỷ nguyên nóng lên toàn cầu” sang “Kỷ nguyên sôi sục toàn cầu” (Era of global boiling), theo đó hệ thống y tế công cộng của thế giới đang dường như bất lực trước một số loại bệnh có từ xa xưa trong lịch sử.

Năm 2023 đã chứng kiến những biến động nghiêm trọng đối với một số đại dịch thời Victoria thế kỷ 19 ở phương Tây. Ví dụ, London nước Anh đang đối mặt với mối đe dọa của bệnh sởi (Measles), số người nhiễm bệnh giang mai (Syphilis) đã tăng hơn 50% ở Ireland và Bồ Đào Nha, bệnh phong (Leprosy) biến thể đã xuất hiện ở Florida – Mỹ…

Bệnh sởi

Trong quá khứ từng là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất ở người, cứ khoảng 2 – 3 năm lại có đợt bùng phát truyền nhiễm giết chết hàng triệu người. Cha đẻ của vắc-xin hiện đại là nhà khoa học John Franklin Enders đã phát triển thành công vắc-xin sởi cứu giúp cuộc sống của nhiều người. Tuy vậy, dù đã có vắc-xin an toàn và hiệu quả, bệnh sởi vẫn là nguyên nhân gây tử vong đáng kể ở trẻ nhỏ trên toàn thế giới.

Những năm gần đây, bệnh nhân mắc bệnh sởi đã được xác nhận ở Anh, Hy Lạp, Cộng hòa Séc và Albania. Chỉ trong hai tháng vào năm 2023, ở châu Âu xác nhận 900 trường hợp mắc sởi, nhiều hơn tổng số ca cả năm 2022. Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, vào năm 2022 có 21,9 triệu trẻ em trên toàn thế giới bỏ lỡ việc tiêm phòng sởi định kỳ trong năm đầu đời.

Hồi tháng 7, Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA) cho biết, do nhiều năm qua tỷ lệ tiêm phòng sởi thấp và dịch COVID-19, hàng chục nghìn bệnh nhân sởi dự kiến ​​sẽ xuất hiện ở London. Chính phủ Hà Lan cũng đã đưa ra cảnh báo rằng, tỷ lệ tiêm phòng sởi ở nước này giảm đồng nghĩa với khả năng bùng phát trở lại của bệnh sởi.

Bệnh giang mai

Giang mai là bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể điều trị khỏi bằng thuốc kháng sinh penicillin ​​nếu được phát hiện kịp thời. Nếu không kịp thời phát hiện, bệnh sẽ phát triển qua các giai đoạn với các triệu chứng khác nhau, các triệu chứng ở giai đoạn cuối có thể xuất hiện hàng chục năm sau lần lây nhiễm giang mai đầu tiên, thậm chí gây tổn thương các nội tạng và gây tử vong.

Vào cuối thế kỷ 18, người ta ước tính rằng hơn 20% người dân London mắc bệnh giang mai khi họ ở độ tuổi 30. Thống kê của Cơ quan An toàn và Sức khỏe Anh cho thấy, hiện nay số ca mắc bệnh giang mai đã tăng mạnh trở lại, theo đó vào năm 2022 tăng lên 8692 trường hợp bệnh giang mai, đây là kỷ lục cao nhất trong một năm ở Anh kể từ năm 1948.

Theo báo cáo điều tra dịch tễ hàng năm mới nhất của Trung tâm phòng chống và kiểm soát dịch bệnh châu Âu, số bệnh nhân mắc bệnh giang mai ở châu Âu đang có xu hướng gia tăng, theo đó nước có tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh giang mai cao nhất năm 2019 là Malta, tiếp theo là Ireland.

Một trong những lý do là sự phổ biến của các ứng dụng hẹn hò giúp vấn đề quan hệ tình dục trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Bệnh gout

Bệnh gout là một dạng viêm khớp gây đau đớn, thường được mô tả là những cơn viêm khớp kích thích định kỳ khiến các khớp đỏ, mềm, nóng và sưng. Cơn đau dữ dội thường xảy ra trong vòng 12 giờ. Khoảng 50% trường hợp người bệnh ảnh hưởng khớp bàn ngón chân. Bệnh gout có thể dẫn đến u nhỏ ở dưới da (tophi), sỏi thận hoặc bệnh thận cấp tính do axit uric.

Trong lịch sử, bệnh gout thường ví là “bệnh của vua chúa” hay “bệnh của người giàu”. Nguyên nhân gây bệnh gout có liên quan đến chế độ ăn uống hàng ngày và di truyền, bệnh thường dễ xảy ra ở những người ăn nhiều thịt và thực phẩm có hàm lượng đường fructoza cao, uống nhiều rượu bia, mắc bệnh cao huyết áp và tiểu đường, thừa cân.

Số ca mắc bệnh gout trên toàn thế giới vẫn đang gia tăng. Về khu vực và thời gian, tỷ lệ mắc bệnh gout tăng cao nhất là ở Mỹ và Canada vào giai đoạn năm 1990 – 2017​​​​; tại châu Âu, trong bối cảnh tỷ lệ người béo phì không có dấu hiệu thuyên giảm thì “bệnh nhà giàu” này sẽ không dễ biến mất.

Bệnh phong

Bệnh phong rất hiếm ở các nước phát triển phương Tây. Khuẩn mycobacterium leprae gây bệnh phong chủ yếu xâm nhập vào cơ thể người qua vùng da bị tổn thương và đường hô hấp, mà nguồn lây nhiễm duy nhất là người bệnh. Bệnh truyền nhiễm mãn tính này là một bệnh ngoài da nghiêm trọng nhưng gây tổn thương thần kinh, da, mắt và mất khứu giác.

Tính mẫn cảm của từng người với khuẩn mycobacterium leprae cũng có khác biệt, thông thường trẻ em dễ mắc bệnh phong hơn người lớn, bệnh nhân nam nhiều hơn bệnh nhân nữ.

Riêng tại Mỹ, thập niên qua số trường hợp mắc bệnh phong được báo cáo ở các bang miền đông nam đã tăng hơn 2 lần. Dù lối sống không lành mạnh là nguyên nhân chính, các nhà nghiên cứu y học tin rằng việc quản lý kém tình trạng bệnh phong cũng là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng số người mắc bệnh truyền nhiễm này.

Bệnh sốt rét (malaria)

Thông thường, bệnh sốt rét phổ biến hơn ở các vùng nhiệt đới của châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latin. Sau Thế chiến II, châu Âu đã thành công giải quyết triệt để được bệnh sốt rét qua các chương trình như phun thuốc hàng loạt, thoát nước đầm lầy và điều trị bằng thuốc.

Giờ đây, trong bối cảnh biến đổi khí hậu dẫn đến sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, ở châu Âu sự gia tăng các bệnh truyền nhiễm khác do muỗi như sốt xuất huyết và virus West Nile nên được coi là dấu hiệu cảnh báo cho sự bùng phát trở lại của bệnh sốt rét. Người đứng đầu Quỹ Toàn cầu Phòng chống AIDS là ông Peter Sands cảnh báo khả năng châu Âu hứng chịu bùng phát trở lại của bệnh sốt rét.

Còn đối với bên kia Đại Tây Dương, mới đây vào tháng 6 Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ đã đưa ra cảnh báo trên toàn quốc về khả năng dịch bệnh sốt rét.