Bé gái 9 tuổi ở Hà Tĩnh bị hôn mê sâu, nhiễm toan ceton đái tháo đường hiếm gặp. Bé đã được các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cứu sống thành công.

ha tinh cuu song be gai 9 tuoi hon me sau do nhiem dai thao duong hiem gap
Sau khi điều trị tích cực được 2 ngày bệnh nhân N.T.K.N đã tỉnh táo, tự ngồi dậy và đi lại được. Hiện, các bác sỹ sẽ tiếp tục chuyển sang Insulin liều tiêm 4 mũi/ngày cho bệnh nhân. (Ảnh: soyte.hatinh.gov.vn)

Ngày 19/9, các bác sĩ Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết vừa cứu sống cháu gái 9 tuổi bị hôn mê sâu, nhiễm toan ceton đái tháo đường/nhiễm khuẩn nặng, theo dõi nhiễm khuẩn huyết.

Trước đó, em N.T.K.N. (SN 2014, trú thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) nhập viện với các triệu chứng hôn mê, khó thở, thở nhanh nông.

Người nhà em N. cho biết cách đó khoảng 3 tuần, tự nhiên bé N. giảm cân rất nhanh, từ 37kg xuống 32kg. Gần đây N. xuất hiện nôn, mệt mỏi nên gia đình đã đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Khê, sau đó được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Khi tiếp nhận, bệnh nhi N. đã trong tình trạng lơ mơ, hôn mê và nhịp thở nhanh nông…

Các bác sĩ Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đã xử trí bằng cách bóp bóng tiếp oxy cho bệnh nhân, đặt nội khí quản, thở máy… đặt HA động mạch xâm lấn đo HA liên tục, đặt Catheter TM trung tâm, SA có chủ điểm TM chủ dưới, phổi và tim cấp cứu tại giường để đánh giá bù dịch, điện giải và rối loạn toan kiềm, dùng kháng sinh đường tĩnh mạch phổ rộng liều cao.

Xét nghiệm máu cấp cứu cho thấy đường máu mao mạch không đo được (HI), khí máu pH 6.8, chỉ số đường máu TM là 59 mmol/l (bình thường là 3,4 – 6,2 mmol/l)… nên tiến hành truyền Insulin liên tục.

Các bác sĩ đã kích hoạt báo động đỏ hội chẩn toàn viện, thống nhất chẩn đoán bệnh nhân N. hôn mê sâu – nhiễm toan ceton đái tháo đường/nhiễm khuẩn nặng – theo dõi nhiễm khuẩn huyết.

Cùng với đó, các bác sĩ Khoa Nhi cũng đã hội chẩn với các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Nhi Trung ương để đưa ra phương án tối ưu nhất điều trị cho bệnh nhi.

Sau 1 ngày thở máy và điều trị tích cực, chỉ số đường máu về còn 17 mmol/l và chỉ số toan ceton nặng đã trở về bình thường (pH 7.36). Bệnh nhi đã tỉnh táo, được rút nội khí quản.

Bệnh nhi tiếp tục được tiến hành hội chẩn với Khoa Nội tiết cũng như Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục điều trị theo phác đồ.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã thống nhất chuyển sang Insulin liều tiêm 4 mũi/ngày.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, bệnh tiểu đường ở trẻ em tuy hiếm gặp nhưng biến chứng hôn mê nhiễm toan ceton có thể diễn tiến nặng, dễ dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Trường hợp phát hiện trẻ mắc các triệu chứng như ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, sụt cân thì gia đình cần đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa để khám và chẩn đoán, điều trị kịp thời tránh xảy ra các biến chứng đáng tiếc.

Để phòng, chống tiểu đường ở trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh cần có chế độ ăn lành mạnh, khoa học, giàu chất xơ và tăng cường vận động cho trẻ.

Ngọc Mai