Chính quyền Biden hôm thứ Năm (4/8) đã tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng sức khỏe cộng đồng khẩn cấp toàn quốc. Động thái này được đưa ra nhằm giải phóng nguồn tiền và tăng thêm các nguồn lực ứng phó với loại virus thuộc nhóm gây bệnh đậu mùa.

Embed from Getty Images

Bộ trưởng Y tế và Dân sinh Xavier Becerra đã ban hành tuyên bố khẩn cấp sức khỏe nêu trên. Ông nói trong một cuộc họp qua điện thoại với báo giới rằng động thái này sẽ cho phép phân phối vắc-xin ngừa bệnh đậu mùa khỉ nhanh hơn.

Tôi sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp sức khỏe cộng đồng đối với bệnh đậu mùa khỉ… Chúng tôi sẽ thực hiện phản ứng tới cấp độ tiếp theo”, ông Becerra nói và tuyên bố rằng người dân Mỹ nên nhìn nhận nghiêm túc về bệnh đậu mùa khỉ.

Ông Becerra ban bố tình trạng khẩn cấp sức khỏe sau khi trong chỉ trên dưới một tuần qua số ca mắc mới loại virus này trên khắp nước Mỹ đã tăng thêm khoảng 1.500 ca.

Theo số liệu của CDC Mỹ, trên toàn quốc cho đến nay đã có 6.600 người nhiễm virus gây bệnh đậu mùa khỉ, dù vậy số liệu cho thấy chưa có ca tử vong.

Giám đốc CDC Mỹ Rochelle Walensky, người cũng tham gia cuộc họp qua điện thoại với báo giới cùng ông Becerra, cho biết tại Mỹ hiện có từ “1,6 triệu đến 1,7 triệu người” có “rủi ro cao” nhiễm bệnh đậu mùa khỉ. Bà tái khẳng định rằng những người đồng tính nam, cụ thể là những người nhiễm virus HIV, dường như là nhóm có nguy cơ nhiễm bệnh đậu mùa khỉ cao nhất.

Đầu tuần này, các quận Los Angeles và San Diego, cũng như Thành phố New York là những đô thị đầu tiên tại Mỹ tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp sức khỏe cộng đồng địa phương.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 24/7 cũng đã tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng sức khỏe khẩn cấp. Lãnh đạo WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus xác nhận rằng virus gây bệnh đậu mùa khỉ đã lây lan ra khoảng 70 nước bên ngoài châu Phi.

Đầu tuần này, chính quyền Biden cũng đã bổ nhiệm ông Robert J. Fenton Jr, quan chức của Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liêng bang, làm người điều phối ứng phó với bệnh đầu mùa khỉ. Chức danh này là tương tự với vai trò Phó Tổng thống Mike Pence đảm nhiệm hồi đầu năm 2020 khi nước Mỹ đối mặt với sự bùng phát đại dịch COVID-19.

Hải Đăng (Theo Reuters và The Epoch Times)