Theo thống kê, hiện có hơn 1 tỷ thanh niên trên khắp thế giới thường sử dụng tai nghe để nghe nhạc hoặc đến các tụ điểm giải trí ồn ào. Tuy nhiên, qua một nghiên cứu phân tích quy mô lớn mới được công bố cho biết những người này có nguy cơ mất thính lực không thể phục hồi.

mat thinh luc 1
Một báo cáo phân tích quy mô lớn mới được công bố cho thấy hơn 1 tỷ thanh niên trên thế giới có thể đang phải đối mặt với nguy cơ bị tổn thương thính giác không thể phục hồi do thường xuyên sử dụng tai nghe để nghe nhạc hoặc vào những địa điểm giải trí ồn ào. (Ảnh: New Africa/ Shutterstock)

Báo cáo nghiên cứu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn đầu đã kiểm tra dữ liệu từ 33 nghiên cứu được công bố bằng tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp và tiếng Nga trong hai thập kỷ qua, bao gồm gần 20.000 người ở các độ tuổi khác nhau từ 12 đến 34 tuổi. Sau khi phân tích, người ta thấy rằng 24% giới trẻ có thói quen xấu khi sử dụng tai nghe kết nối với các thiết bị như điện thoại thông minh và 48% đối tượng thường xuyên ở trong môi trường tiếng ồn không an toàn như hòa nhạc hoặc hộp đêm.

Sau khi hợp nhất các nghiên cứu liên quan, báo cáo ước tính rằng những người trẻ tuổi trên toàn thế giới có nguy cơ bị mất thính lực từ 670 triệu đến 1,35 tỷ người trẻ tuổi.

Theo khuyến cáo của trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, giới hạn mức độ tiếng ồn an toàn cho con người sẽ ở khoảng 85 decibel trong 40 giờ một tuần.

Nhưng nghiên cứu cũng lưu ý rằng âm thanh (dù là giọng nói hay âm nhạc) mà bạn tiếp xúc càng lớn thì thời lượng nghe cần rút ngắn lại. Ví dụ, nếu âm lượng của điện thoại di động khi nghe nhạc là 92 decibel, bạn chỉ có thể sử dụng tai nghe để nghe trong 2,5 giờ trong một tuần. 

Trên thực tế khi mọi người sử dụng điện thoại thông minh để nghe các tệp âm thanh MP3 đã tải xuống, thì thường chọn âm lượng ở mức cao lên tới 105 decibel. Trong khi đó, độ ồn của các địa điểm giải trí thường từ 104 đến 112 decibel.

Tác giả chính của nghiên cứu, cô Lauren Dillard, cố vấn của Tổ chức Y tế Thế giới và là nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Y khoa Nam Carolina nói rằng, việc tiếp xúc với âm thanh ở mức âm lượng quá cao có thể làm mệt mỏi các tế bào cảm nhận âm thanh và cấu trúc trong tai. Nếu điều này diễn ra trong thời gian quá lâu, thì những cơ quan này có thể bị tổn thương vĩnh viễn, dẫn đến mất thính lực, ù tai hoặc bị cả hai.

Cô Dillard nói cách tốt nhất để giảm nguy cơ tổn thương thính giác từ tai nghe là giảm âm lượng và đeo chúng trong thời gian ngắn hơn, nhưng cô cũng thừa nhận: “Thật không may là mọi người đều thích nghe nhạc rất to”.

Cô cũng gợi ý rằng người dùng tai nghe nên cài đặt trên thiết bị hoặc ứng dụng điện thoại di động để kiểm soát mức âm lượng và đeo nút tai để giữ âm lượng mức thấp nhất ở những nơi ồn ào như buổi hòa nhạc hoặc câu lạc bộ đêm. Cô nói: “Ngồi ở nơi âm nhạc có sức hấp dẫn sẽ dễ bị nghiện, nhưng đối với sức khỏe lâu dài mà nói thì lại vô cùng ảnh hưởng.”

De Wet Swanepoel, giáo sư thính học tại Đại học Pretoria ở Nam Phi và là tổng biên tập của Tạp chí Thính học Quốc tế cho biết, phân tích của nghiên cứu này rất nghiêm ngặt, chặt chẽ và bằng chứng đưa ra vô cùng thuyết phục, nó cho thấy vấn đề thính lực nên là ưu tiên hàng đầu trong sức khỏe cộng đồng.

Swanepoel cũng cho biết: “Âm nhạc là một món quà quý giá mà bạn có thể thưởng thức cả đời. Nhưng luôn nhớ rằng hãy thưởng thức âm nhạc một cách an toàn”.

Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi giới trẻ chú ý hơn về những thói quen xấu liên quan đến thính giác, đồng thời kêu gọi các chính phủ và nhà sản xuất thực hiện nhiều biện pháp hơn để bảo vệ thính giác cho thế hệ sau.

Những phát hiện này đã được công bố vào thứ Ba ngày 15 tháng 11 trên tạp chí BMJ Global Health của Anh.

Theo Hàn Ngọc, Epoch Times

Trúc Nhi biên dịch