Người dân Nhật Bản vốn ít tập thể dục nhưng lại có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới, thân thể khỏe mạnh và vóc dáng cân đối, bí quyết của họ là gì?

giữ dáng
Người Nhật ít tập thể thao mà vẫn sống lâu và giữ dáng, bí quyết là gì? (Ảnh: Metamorworks/Shutterstock)

Theo thống kê tuổi thọ trung bình toàn cầu mới nhất do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản công bố, Nhật Bản đã trở thành quốc gia có tuổi thọ cao nhất thế giới, với tuổi thọ trung bình của nữ là 87,26 tuổi và 81,09 tuổi đối với nam. 

Theo nhận định của nhiều người, để sống lâu, cần phụ thuộc vào 2 yếu tố là chế độ ăn uống và tập luyện. Nhưng thực tế là người Nhật lại không thích thể thao và thường không có thói quen này. Theo Tạp chí y khoa The Lancet khảo sát các quốc gia ít chơi thể thao nhất thế giới, Nhật Bản đứng thứ 11 với hơn 60% người dân nước này hoạt động thể dục thể thao dưới mức trung bình. 

Vậy tại sao người Nhật không thích thể thao nhưng lại không những sống lâu hơn mà còn giữ được vóc dáng? Trên thực tế, bí quyết của họ rất đơn giản, một trong số đó nằm ở: Thói quen hàng ngày độc đáo của Nhật Bản – ăn uống. Hãy cùng xem những cách ăn uống của người Nhật nhé.

1. Lượng calo thấp và ít chất béo

Thức ăn mà người Nhật ăn chủ yếu là thức ăn nhẹ và ít calo, ít sử dụng gia vị và hạn chế tối đa lượng dầu mỡ. Cách chế biến tương đối đơn giản, chủ yếu là hấp, luộc hoặc ăn sống, không những giữ lại nhiều nhất hàm lượng chất dinh dưỡng mà còn cả mùi vị của món ăn. Cơ thể cũng sẽ hấp thụ lượng dầu mỡ rất ít.

Shijo Takahiko, hậu duệ đời thứ tư của Shijo-ryu Nhật Bản, đã nói trong “Thực hành ẩm thực Nhật Bản”: “Ẩm thực Nhật Bản có một nguyên tắc là độ ngon của nó không thể che lấp được hương vị nguyên bản của các nguyên liệu.”

Mặc dù người Nhật cũng thích ăn đồ chiên, chẳng hạn như món “tempura” quen thuộc, (Tempura là một món ăn gồm các loại hải sản, rau, củ tẩm bột mì rán ngập trong dầu), nhưng lớp vỏ bột áo không quá dầy và bề mặt không có nhiều dầu. Họ dùng giấy thấm chuyên dụng để thấm hết lượng dầu có trên món ăn. Phương pháp chiên này khác rất nhiều so với các món chiên tại Việt Nam.

Ở Việt Nam các món chiên và món ăn đường phố đa phần khi chiên sẽ được tẩm một lớp bột áo dày,  thả ngập trong chảo dầu nóng, trông chúng rất hấp dẫn và bắt mắt nhưng thực tế lượng dầu trên đó là vô cùng nhiều. 

giữ dáng
Bữa ăn Nhật với đa dạng thành phần, ít calo và chia trong bát nhỏ để kiểm soát chặt chẽ lượng thức ăn đưa vào cơ thể. (Ảnh: Taa22/ shutterstock)

2. Bữa ăn với đa dạng thành phần

Người Nhật rất coi trọng 3 bữa ăn trong ngày, thực phẩm chủ đạo là cá và rau củ, họ chú trọng vào sự đa dạng và tươi ngon của nguyên liệu. Phụ nữ Nhật thường thích mua nhiều cá, rau, củ quả,… Đối với thịt đỏ, kẹo, bánh quy và các loại thực phẩm chế biến có hàm lượng calo cao khác, họ thường mua ít hơn.

“Ăn 30 loại nguyên liệu mỗi ngày” là lời khuyến cáo của Bộ Y tế Nhật Bản đưa ra trong bản “Hướng dẫn về chế độ ăn uống lành mạnh” năm 1985. Kể từ đó, khái niệm “30 loại nguyên liệu” đã được phổ biến rộng rãi ở Nhật Bản. Thực đơn thiết yếu trong mỗi bữa ăn ở Nhật bao gồm: Cá hấp, sashimi hoặc cá nướng ăn kèm với đậu phụ lạnh, rau luộc, v.v., nước tương cũng được dùng thường xuyên, ngoài ra họ còn ăn kết hợp giữa cơm và súp miso, dưa chua cùng các món ăn kèm. 

Bên cạnh đó Nhật Bản là quốc gia có vị trí bao quanh là một loạt các biển thông nhau, phía Đông và phía Nam là Thái Bình Dương, phía Tây Bắc là biển Nhật Bản, phía Tây là biển Đông, cho nên tảo biển là nguyên liệu vô cùng dồi dào và phong phú, ngoài ra còn có tía tô và nori (hay còn gọi là rong biển khô). Những thực phẩm này rất giàu chất dinh dưỡng, nhiều đạm nhưng rất ít chất béo.

3. Bát đĩa nhỏ, chỉ ăn no đến 8 phần

Mặc dù người Nhật ăn nhiều loại thức ăn nhưng số lượng mỗi món rất ít. Một bữa tối truyền thống (Kaiseki) gồm nhiều món được trình bày trên các loại đĩa nhỏ. Ngay cả dưa chua hoặc nước sốt cũng chia thành nhiều phần, mỗi người một bát nhỏ.

Họ kiểm soát chặt chẽ lượng thức ăn đưa vào cơ thể, nhai chậm khi ăn và chú ý hạn chế “chỉ ăn no đến 8 phần”, điều này không chỉ có lợi cho quá trình tiêu hóa và hấp thụ của dạ dày mà còn tạo cảm giác no lâu. Nó sẽ không gây quá nhiều áp lực cho dạ dày, nhưng vẫn đảm bảo đủ dinh dưỡng và năng lượng cần thiết cho cơ thể mỗi ngày.

4. Rất chú trọng bữa sáng và ít ăn hàng quán

giữ dáng
Trong văn hóa Nhật Bản, bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Có thể ví von bữa sáng không chỉ đơn giản là một bữa ăn mà nó như là tác phẩm nghệ thuật tinh tế của phụ nữ Nhật Bản. (Ảnh: Nishihama/ Shutterstock)

Trong văn hóa Nhật Bản, bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, cũng là bữa ăn ít tăng cân nhất, vì vậy người Nhật luôn chuẩn bị bữa sáng vô cùng phong phú và tỉ mỉ. Có thể ví von bữa sáng không chỉ đơn giản là một bữa ăn mà nó như là tác phẩm nghệ thuật tinh tế của phụ nữ Nhật Bản. Dù con cái của họ đi chơi hay đi học, họ vẫn muốn các con dùng xong bữa sáng tại nhà. Nhiều người mang cơm hộp vào buổi trưa và hạn chế ăn đồ ăn bên ngoài.

Sinh viên và nhân viên văn phòng lựa chọn bữa trưa bổ dưỡng công cộng do chính phủ Nhật Bản cung cấp, những bữa trưa này được các chuyên gia dinh dưỡng chuyên nghiệp xây dựng thực đơn kĩ càng, chất lượng vô cùng đảm bảo.

5. Thói quen đi bộ và đi xe đạp

giữ dáng
Học sinh tự đi bộ tới trường và trở về nhà cũng là thói quen sinh hoạt ngay từ nhỏ tốt cho sức khỏe ở Nhật. (Ảnh: Tayawee Supan/ Shutterstock)

Ở một đất nước có mật độ dân số cao nhất thế giới, các cửa hàng, trường học… của Nhật Bản phủ khắp các khu vực. Chỉ cần đạp xe trong vòng 5 đến 10 phút, sẽ tìm thấy siêu thị, nhà trẻ, trường học… phục vụ nhu cầu của gia đình.

Xe đạp và đi bộ là 2 loại hình thức giao thông phổ biến tại Nhật, họ xem đó là phương tiện tiết kiệm và tiện lợi, ngay cả khi mất nhiều thời gian hơn. Một phần khác là do chi phí phải trả cho taxi là rất cao nên một số người e ngại sử dụng. Ví dụ, nếu mất 8 phút đi ô tô và nửa giờ để đi bộ đến một địa điểm, nhiều người Nhật sẽ chọn đi bộ. Trẻ em ở Nhật Bản về cơ bản cũng đều đi bộ đến trường.

Nhân viên văn phòng Nhật Bản dành nhiều thời gian đi bộ mỗi ngày, và với sự phát triển của phương tiện giao thông công cộng, họ dành trung bình 1 hoặc 2 giờ để đi bộ, xe điện và xe đạp mỗi ngày. Một cuộc khảo sát đã phát hiện ra rằng thời gian đi làm trung bình ở Nhật càng dài thì khả năng người mắc các bệnh về đĩa đệm càng thấp, nguyên nhân là do để giữ thăng bằng trên chiếc xe điện lắc lư, cơ thể cũng rèn luyện cơ thể và đẩy nhanh quá trình tiêu lượng calo. Hoặc là khi đạp xe, dây chằng trở nên linh hoạt hơn, cơ xương mềm mại, từ đó hạn chế tình trạng lắng đọng canxi, đồng thời vôi hóa ít hơn. Nhờ vậy rễ thần kinh không bị chèn ép, cơn đau từ đó giảm đáng kể. Ngoài ra việc đạp xe còn giúp đẩy nhanh quá trình tiêu hao lượng calo trong cơ thể.  

Ngoài ra Nhật Bản có nhiều đồi núi và một số con đường có địa hình dốc. Vì vậy, đối với người Nhật, đi làm không chỉ đơn giản là đi bộ mà là leo lên leo xuống, đây còn là một loại bài tập thể dục vô cùng tốt.

Còn tại Việt Nam loại hình thức giao thông này chưa được mọi người chú trọng, đa phần lưu thông trên đường là xe máy, xe bus và ô tô con. Theo nghiên cứu từ Viện Dinh Dưỡng thế giới, trung bình mỗi người Việt Nam chỉ đi bộ 3.600 bước/ngày, giới văn phòng còn chỉ khoảng 600 bước/ngày. Có thể thấy, việc lười đi bộ của một đại bộ phận người dân sẽ gây ra những khó khăn trong việc xây dựng văn hóa đi bộ trên cả nước và ảnh hưởng đến việc duy trì một cơ thế khỏe mạnh.

Như vậy, thói quen ăn uống hàng ngày độc đáo của Nhật Bản, sử dụng ít calo, nguyên liệu tươi ngon và đa dạng, chỉ ăn no đến 8 phần, cộng với việc đi bộ mà không cần phụ thuộc vào xe hơi, là những bí quyết trường thọ đơn giản và kỳ diệu của người Nhật.

Theo Vision Times

Trúc Nhi biên tập