Khi người cha phát hiện đưa lên bờ, 2 cánh tay của bé đã bầm đen, chi chít vết đốt. Bé ngất lịm.

tam bien hon chong nha trang be gai bi sua dot ngat lim
Cánh tay bé gái bầm tím do nọc độc từ xúc tu của sứa. (Ảnh: Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa)

Chiều 25/6, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận bé gái bị sứa đốt khi tắm biển. Bệnh nhi là bé H.T.L (7 tuổi, phường Vĩnh Hoà, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà), nhập viện trong tình trạng mất ý thức, hai cánh tay tím tái, chằng chịt vết đốt.

Người nhà bé gái cho biết chiều 23/6, bé L. đi tắm biển với cha tại khu vực biển Hòn Chồng (TP. Nha Trang, Khánh Hòa) thì bị sứa đốt. Khi người cha phát hiện đưa lên bờ, bé mê man, ngất đi, 2 cánh tay đã bầm đen. Gia đình vội đưa bé vào bệnh viện để cấp cứu.

Sau khi được cấp cứu, bệnh nhi đã tỉnh, mạch rõ nhưng vẫn còn sốt nhẹ, vết thương ở cánh tay sưng nề.

Mẹ bé L. cho hay hai cha con đều bị sứa đốt nhưng bé còn nhỏ nên bị nặng hơn. Hiện tại, bé đã có thể trò chuyện, sức khỏe ổn định.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Huy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa khuyến cáo khi trẻ bị sứa cắn nên đưa trẻ ra khỏi vùng nước có sứa, trấn an để trẻ bớt hoảng sợ. Người lớn nên nhanh chóng rửa vết thương bằng nước biển hoặc giấm để làm sạch độc tố, không rửa bằng nước ngọt vì làm tổn thương nặng hơn.

Trong trường hợp trẻ bị sốc phản vệ sau khi bị sứa đốt với các biểu hiện như ớn lạnh, nóng bừng, lo sợ, hoảng hốt, nổi ban đỏ ngứa trên da, phù mắt, phù môi, ngạt mũi, cảm thấy khó thở, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, đau đầu, chóng mặt… cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện do việc sốc phản vệ có thể dẫn đến tử vong nếu không xử trí kịp thời.

Để phòng tránh bị sứa đốt, người tắm biển nên hỏi trước người địa phương về vùng biển, nên mặc quần áo bơi dài thân để che chắn cơ thể khi xuống nước, chú ý quan sát khi bơi để tránh va chạm với sứa biển.

Nếu bị sứa đốt:

– Đưa ngay người bị sứa đốt ra khỏi vùng nguy hiểm có sứa.

– Nhổ các xúc tu bám vào da bằng dụng cụ sạch.

– Hạn chế sờ, gãi, chạm tay vào vết đốt tránh lan rộng vết thương.

– Rửa vết đốt bằng giấm, banking soda hay nước biển để làm sạch các chất độc. Chườm mát các vị trí tổn thương. Không dùng nước ngọt để rửa do sẽ làm tăng hoạt tính độc của sứa.

– Nếu bị tổn thương da trên diện rộng, ngứa khó chịu nhiều nên đi khám tại các cơ sở chuyên khoa da liễu

– Theo dõi người bị đốt, nếu có những biểu hiện nặng như đau đầu, tức ngực, tím tái, vã mồ hôi, phù mặt, nôn ói, đau bụng và tiêu lỏng nhiều lần, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp tụt… thì phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu và điều trị.

Nguyễn Sơn