Các loại thực phẩm siêu chế biến như bánh mì đóng gói, xúc xích, nước tăng lực không chỉ gây ra các căn bệnh về thể chất mà còn khiến sức khỏe tinh thần của bạn bị bào mòn nghiêm trọng. 

Thực phẩm siêu chế biến
(Ảnh: Ground Picture/ Shutterstock)

https://www.shutterstock.com/vi/image-photo/tin-cans-processed-food-conserve-saury-1744934501

(Ảnh: Ilia Nesolenyi/ Shutterstock)

Theo một bài báo mới được công bố của các nhà nghiên cứu Úc, việc tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn như nước ngọt, thức ăn nhanh, bữa ăn đông lạnh có liên quan đến việc tăng nguy cơ trầm cảm.

Các chuyên gia đến từ Đại học Deakin ở Victoria đã phát hiện ra rằng sự gia tăng nhanh chóng của thực phẩm chế biến sẵn giá rẻ, tiện lợi, được bán rộng rãi trên thị trường có thể gây ảnh hưởng xấu đến não, cơ thể và hành tinh của chúng ta.

Trong bài báo “Good Food is Vital for Brain Health, So We Must Change the Food Industry” (Tạm dịch: Thực phẩm tốt rất quan trọng cho sức khỏe não bộ, vì vậy chúng ta phải thay đổi ngành công nghiệp thực phẩm), các nhà nghiên cứu lập luận rằng thực phẩm chế biến sẵn có liên quan đến nguy cơ mắc nhiều bệnh nghiêm trọng như bệnh tim, tiểu đường và các vấn đề sức khỏe tâm thần (như lo lắng và trầm cảm).

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng thực phẩm siêu chế biến có thể làm tăng nguy cơ viêm nhiễm, mất cân bằng oxi hóa, giảm khả năng thích ứng của não và làm gián đoạn trục hệ vi sinh vật ruột não.

“Đó là lý do tại sao hệ vi sinh vật đường ruột ngày càng được công nhận là yếu tố then chốt trong việc kết nối sức khỏe con người và môi trường. Sự mất đa dạng trong hệ vi sinh vật đường ruột của con người do chế độ ăn uống có thể gây ra ảnh hưởng xấu với các tình trạng như bệnh ung thư hay khả năng miễn dịch và chuyển hóa. Nó cũng có tác động tiêu cực với sức khỏe cảm xúc ở trẻ em, trầm cảm và khả năng nhận thức khi lão hóa”, bài báo lưu ý.

Tác giả chính Melissa Lane (đến từ Trung tâm Thực phẩm và Tâm trạng của Deakin) cho biết: “Nguy cơ trầm cảm tăng lên rõ rệt ở những người thực hiện chế độ ăn chứa 30% thực phẩm chế biến sẵn”.

Ngay cả khi bạn ăn trái cây và rau củ để bù đắp lại thì những nguy cơ do thực phẩm chế biến sẵn gây ra vẫn nguyên vẹn.

Thực phẩm siêu chế biến là gì?

Theo hệ thống phân loại thực phẩm NOVA, thực phẩm siêu chế biến được làm chủ yếu từ các công thức công nghiệp không được sử dụng rộng rãi trong căn bếp gia đình, ví dụ như chất làm ngọt nhân tạo, chất nhũ hóa, dầu hydro hóa, chất béo. Chúng gần như không chứa các thành phần tự nhiên mà chỉ có các hóa chất giúp tái tạo lại đặc tính của thực phẩm thật. Ví dụ như bánh mì và bánh bao đóng gói sản xuất hàng loạt, đồ ăn nhẹ đóng gói, súp ăn liền đóng gói, bánh nướng và pizza làm sẵn, bánh mì kẹp thịt, xúc xích, bánh quy, nước tăng lực, “ngũ cốc” ăn sáng, sữa pha sẵn cho trẻ sơ sinh.

Thực phẩm chế biến sẵn chiếm từ 17% đến 56% tổng năng lượng tiêu thụ hàng ngày ở 28 quốc gia. Chúng thường có bao bì hấp dẫn và được quảng bá bằng những lời “có cánh” tới người tiêu dùng.

Thực phẩm chế biến sẵn thường chứa hai hoặc ba thành phần, ví dụ như trái cây và rau quả bảo quản, bánh mì tươi, cá đóng hộp và phô mai.

Các chuyên gia của Deakin lập luận rằng ngành công nghiệp thực phẩm-công nghiệp thống trị các hệ thống thực phẩm toàn cầu ngày nay là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ của thực phẩm chế biến, gây ra tình trạng mất an ninh lương thực và làm suy yếu “vốn trí tuệ”.

Vốn trí tuệ được hiểu là trí tuệ tập thể, tài năng và chuyên môn của con người được sử dụng để giải quyết vấn đề, đổi mới và học tập. Nó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục, xây dựng kỹ năng, sức khỏe tinh thần và năng lực đối với con người nếu muốn đạt được tiến bộ và thành công.

Kêu gọi cải cách chính sách công

Giáo sư Deakin Michael Berk, đồng tác giả của bài báo, đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia thay đổi chính sách công để cải thiện sức khỏe tinh thần, não và đường ruột.

“Hệ thống thực phẩm toàn cầu cần phải được thay đổi thông qua các chính sách công, những cải cách chăm sóc lâm sàng và những phương pháp loại bỏ những thông tin sai lệch do ngành công nghiệp thực phẩm gây ra”, Đại học Deakin nhận xét.

shutterstock 573417244
(Ảnh: Ekaterina Markelova/ Shutterstock)

Bài báo đã đưa ra rất nhiều khuyến nghị, ví dụ như hướng dẫn cho người tiêu dùng hiểu về các lợi ích, tác hại của đồ chế biến sẵn khi thêm vào chế độ ăn uống, hạn chế quảng cáo đồ ăn vặt (đặc biệt là cho trẻ em), đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ sản xuất thực phẩm tự nhiên hoặc được chế biến rất ít, đề xuất các cơ quan chức năng yêu cầu các công ty dán nhãn cảnh báo trên bao bì để mọi người hiểu được hiện tại ngành công nghiệp thực phẩm đang vận hành như thế nào. 

“Ngành công nghiệp thực phẩm-công nghiệp toàn cầu cho phép người tiêu dùng tiếp cận được với nhiều sản phẩm đa dạng, bổ dưỡng, giá cả hợp lý hơn. Nó cũng giúp các nhà sản xuất tạo ra lượng thực phẩm lớn, theo kịp tốc độ tăng trưởng dân số nhanh chóng và giảm nạn đói. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này cũng phải chịu trách nhiệm với 1/3 lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, 70% tổng lượng nước sử dụng, chất độc hóa học nông nghiệp và quá trình sản xuất cùng tình trạng ô nhiễm của nhựa sử dụng một lần. Nó cũng là nguyên nhân chính gây ra nạn phá rừng và mất đa dạng sinh học toàn cầu. Một mô hình gần đây đã ước tính chi phí của hệ thống thực phẩm toàn cầu hiện tại là 20 nghìn tỷ USD mỗi năm, trong đó 11 nghìn tỷ phát sinh từ các tác động hạ nguồn đối với sức khỏe con người và 7 nghìn tỷ phát sinh từ các tác động môi trường”, bài báo nhận xét.

Phó giáo sư Harris Eyre, Nghiên cứu sinh về Sức khỏe Não bộ tại Viện Baker và Phó Giáo sư phụ trợ, cho biết cộng đồng nên đưa ra các thông điệp sức khỏe nhấn mạnh đến tác động của hệ thống thực phẩm và lượng thức ăn ăn vào đối với sức khỏe não bộ để người tiêu dùng hiểu rõ hơn. Thay vì nói về vấn đề giảm cân, chúng ta có thể hướng người nghe vào khía cạnh nếu như chất lượng thực phẩm trong bữa ăn được cải thiện thì sức khỏe tinh thần, não bộ, đường ruột của họ cũng sẽ tăng lên. Đồng thời, họ còn tiết kiệm được nhiều chi phí. 

“Các thông điệp như vậy đã được chứng minh là có thể tác động đến thói quen ăn uống của mọi người, kể cả ở những nhóm người khó tính như nam thanh niên”, Phó giáo sư Eyre cho biết.