Tóc bạc là dấu hiệu của lão hóa, khiến cho con người cảm giác già nua. Nhiều người cách một khoảng thời gian sẽ đi nhuộm tóc để che đi mái tóc bạc, nhưng nhuộm tóc thường xuyên có thể gây tổn hại cho cơ thể. Tại sao có người tóc bạc nhiều, nhưng cũng có người tóc bạc ít? Có thể biến tóc bạc đen trở lại được không?

tóc bạc
Điều hòa lục phủ ngũ tạng, bổ sung chất dinh dưỡng, loại bỏ các gốc tự do và các chất thải khác là rất quan trọng trong việc khiến tóc bạc đen trở lại. (Ảnh: metamorworks/ Shutterstock)

Tóc bạc có thể chuyển sang màu đen được không?

Tại sao tóc dần dần bạc đi khi chúng ta già? Đầu tiên hãy nhìn vào cấu trúc của tóc:

Cấu trúc của tóc được chia làm 3 lớp. Lớp ngoài cùng là lớp biểu bì, có chức năng chính là bảo vệ cấu trúc bên trong của tóc. Lớp giữa là lớp bì, có nhiệm vụ kiểm soát độ dẻo dai và đàn hồi của tóc, đồng thời, còn chứa melanin, chất có thể quyết định màu sắc của tóc. Lớp trong cùng là lớp tủy, nhưng không phải sợi tóc nào cũng có lớp tủy. 

Trong nang tóc có các tế bào hắc tố chịu trách nhiệm sản xuất melanin, khi tuổi tác tăng lên và cơ thể già đi, hoạt động của tế bào hắc tố giảm đi, lượng melanin tiết ra ngày càng ít khiến tóc chuyển sang màu trắng. 

Bác sĩ Trần Tuấn Như làm việc tại Phòng khám Trung y Kinh Hòa, Đài Loan, cho biết, nguyên nhân gây ra tóc bạc có thể là do di truyền, tuổi tác, căng thẳng hoặc có quá nhiều gốc tự do tấn công tế bào hắc tố, phần lớn là do cơ thể không đủ năng lượng. Nếu bạn muốn đẩy lùi nguy cơ tóc bạc thì việc điều hòa lục phủ ngũ tạng, bổ sung chất dinh dưỡng, loại bỏ các gốc tự do và các chất thải khác là rất quan trọng. 

Nói cách khác, muốn tóc bạc đen trở lại, bạn cần cung cấp đủ dinh dưỡng cho toàn bộ cơ thể để nuôi dưỡng cho tóc. Nếu năng lượng cần thiết được bổ sung đủ, các dưỡng chất dư thừa sẽ tự nhiên quay trở lại tóc, tạo cơ hội cho tóc chuyển từ trắng sang đen. Bác sĩ Trần Tuấn Như cho biết, cô đã gặp một số bệnh nhân trong thực hành lâm sàng mọc tóc đen trở lại sau khi tình trạng thể chất của họ được cải thiện. 

3 bước để biến tóc bạc thành đen và ngăn ngừa rụng tóc:

Bước một: Điều hòa gan, thận, lá lách và dạ dày

Lão hóa là một quá trình tự nhiên của sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể, khiến cơ thể dần dần yếu đi. Bác sĩ Trần Tuấn Như chia sẻ, đây vốn dĩ là một quá trình không thể đảo ngược được, trong điều dưỡng của Trung y, việc nuôi dưỡng thận có thể làm chậm tốc độ lão hóa. Các bài thuốc bổ thận trong Trung y bao gồm bài thuốc Bát vị địa hoàng hoàn, Kim quỹ thận khí hoàn, Tả quy hoàn, Hữu quy hoàn, Quy lộc nhị tiên giao,v.v.

Đối với tóc bạc do căng thẳng hoặc dùng não quá mức, Trung y tập trung vào việc làm dịu gan, điều hòa khí và giảm ứ đọng khí gan. Điều này cũng sẽ khiến bạn cảm thấy vui vẻ, giảm căng thẳng và cải thiện chất lượng giấc ngủ, cơ thể con người sẽ được phục hồi trong khi ngủ, các chất xấu trong cơ thể có thể được chuyển hóa và đào thải. 

Theo Trung y, tóc bạc có liên quan mật thiết đến tình trạng sức khỏe của các cơ quan nội tạng. Quan niệm Trung y cho rằng, “can tàng huyết, nhi phát vi huyết chi dư”, có nghĩa là tạng can tàng trữ máu, máu trước tiên sẽ cung cấp cho các cơ quan khác của cơ thể, cuối cùng mới cung cấp chất dinh dưỡng cho tóc.

Lá lách và dạ dày khỏe mạnh cũng rất quan trọng đối với việc hấp thụ chất dinh dưỡng. Nếu lá lách và dạ dày mất cân bằng thì các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể sẽ không được bổ sung và cung cấp kịp thời. Duy trì thói quen ăn uống và sinh hoạt điều độ có thể giúp cải thiện chức năng lá lách và dạ dày, như vậy sẽ có lợi hơn cho sức khỏe của tóc.

Làm thế nào để biết cơ quan nào của bạn cần chăm sóc? Ông Thư Vinh Diệc, một bác sĩ Trung y có thâm niên, từng chia sẻ rằng, vị trí của tóc bạc có thể phản ánh tình trạng sức khỏe của các cơ quan khác nhau. Ví dụ, tóc trắng trên trán phản ánh sự mất cân bằng của lá lách, dạ dày và do suy nghĩ quá mức. Tóc trắng ở thái dương phản ánh rối loạn chức năng gan và túi mật. Tóc trắng ở phía sau đầu có thể là do thận khí không đủ hoặc có thể do các bệnh mãn tính gây ra. 

Bác sĩ Trần Tuấn Như nhắc nhở rằng, việc điều chỉnh phục hồi cơ thể cần có thời gian và sẽ khó có hiệu quả ngay lập tức, nhưng với việc duy trì chăm sóc thì tốc độ lão hóa chắc chắn sẽ chậm lại. 

quả mọng, cẩu kỷ tử, goji
Dùng quả kỷ tử để pha trà, nấu cháo, hoặc khi nấu canh cho một ít quả kỷ tử vào, có thể bổ khí dưỡng huyết, dưỡng gan, giải độc, sáng mắt và bổ khí. (Ảnh: Shutterstock)

Bước 2: Bổ sung dinh dưỡng 

Bác sĩ Trần Tuấn Như chia sẻ về việc chăm sóc tóc, theo quan điểm dưỡng huyết và bổ huyết của Trung y, bạn có thể sử dụng các dược liệu Trung y như kê huyết đằng, hạn liên thảo, a giao, hắc chi ma (vừng đen), hà thủ ô,v.v. Bạn cũng có thể bổ sung một số chất dinh dưỡng mà tóc cần, chẳng hạn như vitamin B, axit folic, protein, sắt, kẽm, coban, v.v., hoặc một số cách tiếp cận khác nhau, đều sẽ giúp ích. 

Ngoài ra, kén ăn và suy dinh dưỡng có thể gây rụng tóc. Trong phòng khám, bác sĩ Trần Tuấn Như thường xuyên gặp những phụ nữ bị mất máu nhiều trong kỳ kinh nguyệt, nhưng không bổ sung dinh dưỡng kịp thời dẫn đến rụng tóc nhiều. Cô khuyên mọi người nên dùng cháo dưỡng tóc và trà đen tóc để có mái tóc đẹp: 

Canh dâu tằm, kỷ tử

Nguyên liệu: Dâu tằm, kỷ tử.

Cách làm: Hai nguyên liệu rửa sạch, thêm nước ấm làm thành nước trái cây, hoặc thêm nước nấu thành canh dùng để uống.

Công dụng: Dâu tằm có tác dụng bổ gan thận, có nhiều chất sắt, giúp tóc dễ dàng hấp thụ các chất dinh dưỡng, có tác dụng ngăn ngừa tóc bạc và rụng tóc. Kỷ tử rất giàu chất chống oxy hóa, vitamin B, kẽm, sắt, v.v… giúp duy trì sức khỏe da đầu và thúc đẩy sự phát triển của tóc.

Cháo bổ thận dưỡng tóc

Nguyên liệu: Hoàng tinh 5 thuổng (khoảng 20g), hạn liên thảo 5 thuổng (khoảng 20g), táo đỏ 5 thuổng (khoảng 20g), mạch đông (bỏ tim) 5 thuổng (khoảng 20g), gạo trắng 4 lạng (160g), sườn ngắn ½ kg (600g). 

Cách làm:

  1. Rửa sạch gạo trắng và các loại dược liệu, loại bỏ hạt của táo đỏ và thái mỏng, cắt hoàng tinh thành từng miếng nhỏ. 
  2. Cho tất cả nguyên liệu vào nồi, thêm nước (vừa đủ nước ngập nguyên liệu), đun sôi trên lửa lớn rồi vặn lửa nhỏ để nấu cháo. 

Công dụng: Hoàng tinh đưa về lá lách, phổi, thận, có tác dụng làm đen tóc, khi kết hợp với các dược liệu khác có tác dụng dưỡng tóc rất tốt.

Bước ba: Bồi dưỡng khả năng tự thanh lọc

Ngoài năng lượng và chất dinh dưỡng, khả năng tự thanh lọc của cơ thể để loại bỏ các gốc tự do có hại cũng rất quan trọng đối với việc duy trì mái tóc đen. 

Bác sĩ Trần Tuấn Như chỉ ra rằng, tất cả các nguồn bệnh trong cơ thể đều liên quan đến hệ tuần hoàn của chính cơ thể chúng ta. Áp lực trong cuộc sống, cảm xúc khó chịu, môi trường sống sẽ làm tăng thêm các gốc tự do và gây hại cho cơ thể. Nếu bạn muốn tăng tốc độ lưu thông máu và tăng cường khả năng tự thanh lọc của chính mình, bạn có thể bắt đầu từ những điều dưới đây:

Rèn luyện thân thể ở mức vừa phải 

Rèn luyện thân thể ở mức vừa phải có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ và tăng cường khả năng phục hồi của cơ thể. 

tóc bạc
Thiền định giúp lưu thông khí huyết, đem lại lợi ích lớn cho tim mạch và não bộ, phù hợp với người lớn tuổi. (Ảnh: Akarawut/ Shutterstock)
Đăng ký học thiền, rèn luyện cả tâm lẫn thân tại đây.

Massage da đầu

Massage da đầu có thể cải thiện lưu thông máu ở đầu và giảm chứng rụng tóc từng vùng và rụng tóc do căng thẳng. Trên da đầu có rất nhiều huyệt mọc tóc, xoa bóp các huyệt Thần Đình, Bách Hội, Phong Trì, Thiên Trụ, Giác Tôn có thể giúp ngăn ngừa rụng tóc và nuôi dưỡng tóc.

Ngoài việc tự mình xoa bóp các huyệt này, massage da đầu bằng lược massage cũng có thể mang lại hiệu quả. Phương pháp sử dụng lược massage (video) là bắt đầu từ các vị trí trên đầu và chải từ mép tóc đến huyệt Bách Hội trên đỉnh đầu. Sau đó, bạn có thể lần lượt bắt đầu từ tai trái và tai phải rồi chải theo chiều ngang để kích thích các huyệt vị quanh tai và phía trên cổ.  

Massage da đầu theo cách này có hiệu quả trong việc thúc đẩy lưu thông máu ở da đầu, giảm chứng đau nửa đầu và thậm chí loại bỏ chứng phù nề ở mặt.