Thuộc vùng đỏ đậm nhất trên bản đồ đột quỵ thế giới, Việt Nam nằm trong nhóm những quốc gia có nguy cơ đột quỵ cao nhất thế giới, tỷ lệ đột quỵ ước tính vượt 218/100.000 dân.

ban do dot quy the gioi
Trên bản đồ tỷ lệ đột quỵ ước tính trên 100.000 dân của các quốc gia trên thế giới từ 1990-2013, Việt Nam nằm trong số những nước có màu đỏ đậm nhất. (Hình ảnh: Theo nghiên cứu của nhóm tác giả GS Valery L Feigin)

Ngày 1/8, PGS Nguyễn Huy Thắng – Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM kiêm Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) cho hay Việt Nam “thuộc nhóm màu đỏ đậm nhất trên bản đồ đột quỵ thế giới”. Với dân số 100 triệu, số ca đột quỵ tại Việt Nam khoảng trên 200.000 mỗi năm.

Hiện nay, tử vong do nguyên nhân bệnh tim mạch đứng thứ nhất toàn cầu. Tuy nhiên, ở khoảng 40% quốc gia, nguyên nhân tử vong do đột quỵ vượt lên đứng đầu, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc.

Theo chuyên gia y tế, hầu hết bệnh nhân đột quỵ đều mang ít nhất một hoặc thậm chí nhiều yếu tố nguy cơ. Với một người béo phì, hút thuốc lá, cao huyết áp, đôi khi kèm tiểu đường, nếu không kiểm soát hiệu quả các vấn đề thì biến cố đột quỵ xảy ra gần như chắc chắn.

Mặc dù nằm trong nhóm nước có tỷ lệ đột quỵ cao nhất trên thế giới, số lượng đơn vị điều trị đột quỵ ở Việt Nam hiện ít tới đáng báo động.

Theo bác sĩ Thắng, đơn vị đột quỵ đầu tiên được lập tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) vào năm 2005. Với sự hỗ trợ của Hội Đột quỵ và Angels team, đến nay, sau 18 năm, cả nước đã có 110 đơn vị đột quỵ (hoặc trung tâm đột quỵ) được thành lập.

Theo khuyến cáo, trong điều kiện lý tưởng là 500 bệnh nhân/1 đơn vị đột quỵ. Với hơn 200.000 mỗi năm, con số 110 đơn vị đột quỵ/trung tâm đột quỵ khiêm tốn so với nhu cầu cần trên 400 đơn vị đột quỵ/trung tâm đột quỵ.

Tính bình quân, tại Việt Nam, cứ mỗi đơn vị đột quỵ phải phụ trách cho trên 2.000 bệnh nhân/năm, so với Mỹ chỉ 300 bệnh nhân.

Bác sĩ Thắng hy vọng trong 8 năm tới, Việt Nam sẽ đạt được ít nhất mục tiêu 200 đơn vị đột quỵ, cao gần gấp đôi hiện tại song mới đạt một nửa so với quy mô điều trị lý tưởng của thế giới. Với con số mục tiêu 200 đơn vị đột quỵ, số bệnh nhân do mỗi đơn vị phải phụ trách dự kiến sẽ được giảm xuống một nửa so với hiện tại, còn khoảng 1.000 bệnh nhân/năm/đơn vị đột quỵ.

Ngoài tình trạng quá tải, trung tâm điều trị còn phân bổ mất cân đối khi phần lớn tập trung tại những thành phố lớn như TP.HCM hoặc Hà Nội, còn khá nhiều tỉnh thành lớn trên cả nước vẫn chưa có đơn vị đột quỵ. Hậu quả là nhiều bệnh nhân từ các tỉnh phải mất vài tiếng mới có thể tiếp cận được trung tâm đột quỵ gần nhất, lỡ mất “thời gian vàng” điều trị.

Tại hội nghị đột quỵ quốc tế năm 2022, PGS. TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho hay tỷ lệ người bị đột quỵ được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong 6 giờ đầu vẫn còn thấp, mới có 33% số người được nghiên cứu (2.310 người tại 10 trung tâm đột quỵ).

Đáng lưu ý, ở các nước phát triển, tỷ lệ đột quỵ chảy máu não khoảng 15%, nhồi máu não chiếm 85%. Tại Việt Nam, tỷ lệ chảy máu não khi bị đột quỵ cao hơn, ở mức 24%, tỷ lệ nhồi máu não thấp hơn, ở mức 76% (đột quỵ chảy máu não có tỷ lệ tử vong cao hơn so với đột quỵ nhồi máu não).

Vĩnh Long