Bà Angela Merkel, nữ Thủ tướng đầu tiên của nước Đức sắp giải nhiệm sau 16 năm cầm quyền. Nếu cho đến cuối năm nay mà chính phủ tiếp theo chưa ra mắt thì bà Merkel sẽ phá vỡ một kỷ lục khác: trở thành Thủ tướng lâu nhất của Đức.

shutterstock 1616183872
Nữ Thủ tướng đầu tiên của Đức, bà Merkel sắp giải nhiệm sau 16 năm cầm quyền (Ảnh: Alexandros Michailidis / Shutterstock)

Từ bỏ “cha đỡ đầu chính trị” và nhậm chức Thủ tướng

Bà Merkel sinh ngày 17/7/1954 tại Hamburg thuộc Tây Đức. Vài tháng sau khi chào đời, bà và mẹ chuyển đến miền bắc Đông Đức với người cha là một mục sư Tin lành. Bà lớn lên ở Templin, một thị trấn nhỏ tại Brandenburg phía bắc Berlin, thời niên thiếu tham gia Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Đức.

Sau khi hoàn thành bằng Thạc sĩ vật lý tại Đại học Leipzig, vào năm 1978, bà Merkel theo người chồng đầu tiên chuyển đến Đông Berlin và bắt đầu tham gia nghiên cứu khoa học tại Viện Hóa lý Trung ương thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Đông Đức. Năm 1986, bà nhận bằng tiến sĩ tại đây. Năm 1998, bà kết hôn với người chồng hiện nay là Joachim Sauer – giáo sư hóa học và vật lý tại Đại học Humboldt, nhưng bà vẫn giữ họ của người chồng đầu tiên là Merkel.

Mùa thu năm 1989, khi Bức tường Berlin sụp đổ và Đông Đức tan rã, Thủ tướng Tây Đức khi đó là Helmut Kohl đã nỗ lực thúc đẩy việc thống nhất hai nước Đức. Vào thời điểm quan trọng trong lịch sử này, Merkel rời phòng thí nghiệm và bắt đầu hoạt động chính trị. Dưới sự ủng hộ của “Thủ tướng thống nhất” Kohl (Helmut Kohl), bà Merkel liên tục được thăng chức, ông Helmut Kohl gọi bà là “bé gái của tôi”, trở thành cha đỡ đầu chính trị của bà.

Nhưng “bé gái” do Kohl một tay nâng đỡ đã quay lưng với ông trong giai đoạn khó khăn nhất sự nghiệp chính trị của Kohl. Cuối những năm 1990, Kohl vướng vào một vụ bê bối quyên góp chính trị, ông từ chối tiết lộ tên của những người quyên góp. Tại các cuộc thảo luận trong đảng, bà Merkel cho rằng việc rời bỏ cây đại thụ của Kohl sẽ giúp đảng CDU do ông kiểm soát có thể phát triển độc lập.

Tháng 12/1999, Merkel đăng một bài báo cho biết bà đã từ bỏ quan hệ với Kohl, giáng một đòn chí mạng vào Kohl. Ông buộc phải từ chức Chủ tịch danh dự của CDU và không còn hoạt động chính trị nữa. Năm sau đó, bà Merkel nhậm chức thành công, được bầu làm Chủ tịch CDU và lên ngôi Thủ tướng năm 2005. Tính đến nay bà đã bắt kịp kỷ lục cầm quyền của Kohl – 16 năm làm Thủ tướng Đức.

Một số nhà phân tích cho rằng mối quan hệ giữa Merkel và Kohl vẫn chưa được xoa dịu. Nhiều năm sau giới truyền thông Đức vẫn còn quan điểm cho rằng bà Merkel chính là người phụ nữ đã đâm Kohl từ phía sau trong thời khắc ông gặp bê bối đen tối.

Nữ Thủ tướng “cố định” trong dòng chảy các chính khách

Trên chính trường quốc tế, tổng thống Mỹ đã thay đổi từ Bush đến Obama, từ Trump đến Biden, nhưng Thủ tướng Đức vẫn luôn là Merkel.

Bà Merkel đã lập nhiều kỷ lục trong chính trường Đức: bà là nữ Thủ tướng đầu tiên và đến từ Đông Đức cũ. Bà cũng là Thủ tướng đầu tiên có thể tự quyết định tại nhiệm hay mãn nhiệm, không như các Thủ tướng tiền nhiệm đều giải nhiệm vì thất bại trong cuộc bầu cử.

Bà có nhiều đối thủ cạnh tranh trong đảng CDU, nhưng không ai trong số họ có thể hạ bệ được bà, Merkel gần như lặng lẽ chiến thắng từng đối thủ một. Không chỉ vậy, dù những thân tín hay những quan chức do bà đề bạt đều thất bại hoặc từ chức vì nhiều lý do khác nhau, nhưng không ai có thể dính líu khiến bà Merkel rời nhiệm.

Năm 2012, tổng thống mà bà tiến cử là Christian Wulff đã bị buộc phải từ chức chưa đầy 2 năm sau khi nhậm chức vì tội nhận hối lộ. Đã có quá nhiều chuyện như vậy xảy ra, nhưng trên người Merkel cứ như có một lớp keo bảo vệ Teflon khiến mọi vụ bê bối đều không thể ảnh hưởng, thậm chí bà có khả năng biến các vụ bê bối thành có lợi cho mình, do đó truyền thông Đức ví bà là “Thủ tướng họa bất nhập”.

Nhiệm kỳ Thủ tướng của bà Merkel đã bước sang năm thứ 16, vượt qua 14 năm của Konrad Adenauer và tương đương Helmut Kohl. Sau cuộc bầu cử ở Đức ngày 26/9 năm nay, nếu chính phủ mới không thể được thành lập trước ngày 17/12 và bà Merkel tiếp tục nắm quyền, thì bà sẽ vượt qua Kohl và trở thành Thủ tướng nắm quyền lâu nhất của Đức.

Nhớ lại cuộc tổng tuyển cử ở Đức vào tháng 9/2017, việc thành lập nội các chỉ được hoàn thành vào 2 năm sau đó. Nhưng tình hình chính trị hiện nay còn phức tạp hơn nên quá trình thành lập chính phủ có thể còn khó khăn hơn. Điều này cho thấy khả năng có thể bà Merkel sẽ mở ra kỷ lục mới về thời gian cầm quyền.

Không chủ động tấn công mà khiến đối phương tự chuốc thất bại

Bà Merkel luôn cho mọi người cảm giác về phong cách ăn mặc giản dị, có cuộc sống cá nhân ổn định, bình tĩnh và lý trí, đầy kiên nhẫn. Khi diễn thuyết không bao giờ thấy bà tỏ vẻ quá khích, và ngay cả tuyên bố kế hoạch cuộc sống của bà sau khi kết thúc nhiệm kỳ cũng nhẹ tựa lông hồng. Bà từng nói: “Tôi muốn ngủ một giấc thật ngon rồi tính tiếp”.

Phong cách của bà Merkel là phòng thủ, không chủ động tấn công. Có nhà phân tích lý giải, vì là một tiến sĩ vật lý nên suy nghĩ của bà đủ bao quát, bình tĩnh phân tích, không bốc đồng. Nhưng chính vì luôn đắn đo kỹ lưỡng nên bà thường trong trạng thái án binh bất động, không tỏ ra phát huy tinh thần lãnh đạo, nên bị chỉ trích lề mề, làm công việc đình trệ. Kết quả của chiến thuật trì hoãn này là: khi thì khiến đối thủ của bà tự chuốc thất bại vì để lộ khuyết điểm, khi thì vì sự trì hoãn kéo dài khiến kết quả tự nhiên hình thành mà không cần phải hành động gì.

Đài truyền hình quốc gia Đức (ARD) từng tiết lộ một sự cố khi bà Merkel còn là sinh viên, phần nào phản ánh rõ tính cách của bà. Trong một lần vào giờ học thể dục, Merkel đứng trên một cái bàn ba mét mà chần chừ không dám nhảy xuống, cho đến một giây trước khi tiếng chuông báo hết giờ mới dám nhảy xuống, hoàn thành nhiệm vụ vào khắc cuối cùng.

Quyết định mở cửa biên giới gây ảnh hưởng đến ngày nay

Bà Merkel đã cầm quyền được 16 năm và trải qua nhiều sự kiện lịch sử lớn. Trong những quyết định của bà có một số điều đã ảnh hưởng sâu sắc đến nước Đức, bao gồm khủng hoảng tài chính, khủng hoảng đồng euro và khủng hoảng người tị nạn.

Năm 2009 nổ ra khủng hoảng tài chính gây chấn động thế giới, kéo theo cuộc khủng hoảng đồng euro ở châu Âu. Các nước Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp lâm cảnh khốn đốn về tài chính. Bà Merkel nỗ lực cứu đồng euro vì cho rằng không còn lưa chọn nào khác, không cứu được đồng euro là thảm họa đối với châu Âu.

Quan điểm này của bà khiến nhiều người Đức bất bình, vì cho rằng còn có những lựa chọn khác, do đó họ đã thành lập một đảng mới gọi là Đảng lựa chọn khác (AfD). Ngày nay đảng này đã trở thành một trong những đảng đối lập quyền lực nhất ở Đức, và tỷ lệ ủng hộ của đảng ở một số bang liên bang thậm chí còn cao hơn tỷ lệ ủng hộ của CDU.

Thái độ cứng rắn của bà Merkel trong việc buộc các nước đang gặp khủng hoảng khác phải cải cách trong cuộc khủng hoảng đồng euro đã cho thấy khía cạnh “bà đầm sắt” của Merkel, khiến thậm chí người Hy Lạp còn chỉ trích bà là phát-xít.

Một biến cố khác là sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima vào tháng 3/2011 do động đất và sóng thần đã làm chấn động thế giới. Trong sự kiện này Thủ tướng Merkel có hành động nhanh chóng hiếm thấy ở bà: thay đổi chính sách năng lượng. Bà đã lật ngược chính sách phát triển các nhà máy điện hạt nhân vừa được thông qua vào tháng 10/2010 và ngay lập tức quyết định rút khỏi lĩnh vực điện hạt nhân. Nửa năm sau thì Đức đã đóng cửa nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của họ, tốc độ phi hạt nhân hóa còn nhanh hơn Đảng Xanh chủ trương bảo vệ môi trường.

Bà Merkel thúc đẩy năng lượng tái tạo, nhưng đến nay ngành công nghiệp năng lượng xanh mà bà hình dung đã không phát triển mạnh ở Đức. Chính phủ Đức đã trả hàng trăm triệu đồng tiền bồi thường cho các công ty điện hạt nhân, trong khi ngành năng lượng tái tạo đình trệ gây thiếu nguồn cung điện ổn định. Hóa đơn tiền điện của Đức vẫn ở mức cao và thậm chí trong hai năm tới có thể xảy ra tình trạng thiếu điện.

Một điều quan trọng khác gây tác động sâu sắc đến nước Đức là chính sách tị nạn của Thủ tướng Merkel. Tháng 9/2015, bà tự ý chủ động mở cửa biên giới cho người tị nạn vào, dẫn đến trong một thời gian vô số người tị nạn Syria tràn qua Đức. Thủ tướng Merkel cũng đã chụp ảnh chung với những người tị nạn, phát đi tín hiệu chào đón, khiến ngày càng có nhiều người tị nạn đến định cư ở Đức.

Nhưng đêm giao thừa năm đó đã xảy ra nhiều vụ quấy rối tình dục và tấn công tình dục trong sự kiện chào đón năm mới khiến thái độ của công chúng Đức thay đổi, kéo theo xu thế chỉ trích chính sách mở cửa biên giới cho người tị nạn tràn vào của bà Merkel. Tháng 10/2016, một nữ sinh viên đại học 19 tuổi ở Freiburg đã bị cưỡng bức và giết bởi những người tị nạn. Tháng 12/2016, một người tị nạn Tunisia đã tấn công khủng bố tại chợ Giáng sinh Berlin làm 11 người thiệt mạng tại chỗ và ít nhất 55 người bị thương, trong đó có một số người bị thương nặng.

Những tội ác do người tị nạn này đã khiến đông đảo người dân Đức hết sức bất bình, hiện nay vấn đề xử lý người tị nạn Afghanistan cũng đã làm dấy lên làn sóng phản đối. Họ cho rằng Chính phủ Đức do bà Merkel đứng đầu không đặt lợi ích của người dân trong nước lên trên hết, thay vào đó là dành cho người nước khác. Họ lên án bà Merkel không phải Thủ tướng của người Đức mà là Thủ tướng của người tị nạn. Có một lỗ hổng lớn trong vấn đề dưỡng lão của người Đức, nạn nhân lũ lụt mùa hè này không được hỗ trợ kịp thời, trong khi người Afghanistan lại nhanh chóng nhận được trợ cấp.

Mời xem tiếp Phần 2 tại đây