3 sự cố ngoại giao làm bẽ mặt ĐCSTQ trong nửa đầu tháng 5
- Vương Hữu Quần
- •
Trong bối cảnh ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế, năm 2023 Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang cố gắng thực hiện nhiều biện pháp nhằm phá vỡ thế ngoại giao này. Tuy nhiên, tình hình cho thấy không có gì thay đổi, tiêu biểu như 3 sự cố ngoại giao quan trọng gần đây liên tục làm bẽ mặt ĐCSTQ.
Thứ nhất, loại ĐCSTQ khỏi Hội nghị thượng đỉnh G7
Từ ngày 19-21/5, lãnh đạo 7 nước phát triển (G7) gồm Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Canada, Italy và Nhật Bản tổ chức Hội nghị thượng đỉnh tại Hiroshima. Nước chủ nhà Nhật Bản rất coi trọng hội nghị thượng đỉnh lần này, từ thủ tướng đến ngoại trưởng dù công du khắp thế giới hay tiếp khách trong nước đều huy động toàn lực tập trung cho hội nghị này.
Ngoài sự tham dự không thể thiếu của lãnh đạo các nước G7, Nhật Bản còn đặc biệt mời lãnh đạo của 8 nước khác tham dự gồm: Hàn Quốc, Việt Nam, Úc, Brazil (nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latin), Ấn Độ (nước chủ tịch luân phiên của G20), Indonesia (nước chủ tịch luân phiên của ASEAN), Comoros (nước chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Phi), và Quần đảo Cook (chủ tịch của Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương).
Nhật Bản cũng đặc biệt mời Tổng thống Zelensky của Ukraine tham gia qua video.
Thế nhưng lại không có nền kinh tế thứ 2 thế giới: Trung Quốc.
Thứ hai, loại ĐCSTQ khỏi Hội nghị Bộ trưởng EU về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Từ ngày 8 – 12/5, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương đã lần lượt thăm Đức, Pháp, Na Uy và hội đàm với ngoại trưởng các nước này. Nhưng ngay sau đó đã xuất hiện cảnh tượng làm bẽ mặt ĐCSTQ: Hội nghị Bộ trưởng EU về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được tổ chức đã không mời đại diện ĐCSTQ.
Ngày 13/5, Hội nghị Bộ trưởng EU về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương lần thứ hai đã được tổ chức tại thủ đô Stockholm của Thụy Điển. Hội nghị đã mời tổng số 60 nước tham gia, gồm các nước thành viên EU, Nhật Bản, Pakistan, Ấn Độ, Việt Nam, Hàn Quốc, Indonesia và các nước khác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tương tự hội nghị lần đầu, EU đã không mời đại diện ĐCSTQ.
Cuộc xâm lược Ukraine của Nga một lần nữa trở thành một trong những chủ đề chính của Hội nghị, vì vậy Ngoại trưởng Kuleba của Ukraine đã tham dự với tư cách khách mời đặc biệt. Ông Kuleba bày tỏ tại hội nghị rằng hy vọng sẽ đẩy nhanh việc cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine để đảm bảo thành công cho cuộc phản công đã được công bố trước đó.
Ông Dương Miễn (Yang Mian) của Viện Quan hệ Quốc tế – Đại học Truyền thông Trung Quốc cho biết: “Về bản chất, cái gọi là Hội nghị Bộ trưởng EU về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là nhằm vào Trung Quốc, vì vậy đương nhiên họ không muốn mời Trung Quốc tham gia. Nói cách khác, đây là một phần trong chiến lược của phương Tây cô lập Trung Quốc”.
Về cơ bản đó là tuyên bố đúng, chỉ có vấn đề cụm từ “nhắm vào Trung Quốc” nên đổi là “nhắm vào ĐCSTQ”.
Đáng chú ý là hội nghị lần đầu đã triển khai “Chiến lược cửa ngõ toàn cầu” ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, chiến lược này là phần mở rộng của Chiến lược kết nối Á-Âu năm 2018, theo đó trong 7 năm tới sẽ đầu tư 300 tỷ euro tăng cường vào cơ sở hạ tầng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đây được coi là đối trọng trực tiếp với sáng kiến toàn cầu “Vành đai và Con đường” của ĐCSTQ.
Thứ ba, không bên nào chấp nhận ĐCSTQ vào vai “hòa giải”
Ngày 16/5, đại diện đặc biệt về các vấn đề Á-Âu của ĐCSTQ là ông Lý Huy đã đến thăm Ukraine. Ông Lý Huy là đặc phái viên cấp cao đầu tiên của ĐCSTQ đến thăm Kiev kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, mục đích của chuyến đi này là làm trung gian hòa giải cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine.
Ngày 17/5, Bộ Ngoại giao Ukraine đã đưa ra một tuyên bố cho biết ông Lý Huy đã hội đàm với Ngoại trưởng Kuleba của Ukraine. Ông Kuleba đã giới thiệu chi tiết các nguyên tắc của Ukraine với ông Lý Huy: Chỉ trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine mới có thể khôi phục nền hòa bình bền vững và công chính; bất kỳ đề xuất ngừng bắn nào nếu khiến Ukraine mất lãnh thổ, hoặc biến thành “đóng băng xung đột” thì Ukraine sẽ không chấp nhận.
Ngày 13/5 khi Tổng thống Zelensky của Ukraine đến thăm Vatican đã nói rõ: “Chúng tôi không cần tìm người hòa giải giữa Ukraine và nước xâm lược chiếm đóng lãnh thổ của chúng tôi”.
Điều này cũng có nghĩa tổng thống Ukraine rất rõ ràng về lập trường của ĐCSTQ trong cuộc chiến Nga-Ukraine, ông không ôm bất cứ ảo tưởng nào về việc ĐCSTQ làm trung gian hòa giải cho cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine.
Ông Lý Huy từng là Đại sứ của ĐCSTQ tại Nga từ năm 2009 – 2019, có mối quan hệ thân thiết với Nga và được Tổng thống Nga Putin trao tặng Huân chương Hữu nghị.
Cho đến nay, ĐCSTQ chưa bao giờ lên án việc Nga xâm lược Ukraine, cũng chưa bao giờ lên án việc Nga sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine là Lugansk, Donetsk, Zaporizhia và Kherson; ngược lại vẫn đang tăng cường trao đổi kinh tế và thương mại với Nga, qua đó “tiếp máu” cho nước này.
Trước đó, ĐCSTQ đã nhiều lần bày tỏ ý định làm trung gian hòa giải xung đột giữa Nga và Ukraine. Ngày 24/2, ĐCSTQ đưa ra một tuyên bố gồm 12 điểm về “Lập trường của Trung Quốc (ĐCSTQ) về một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine”. Nhưng bản tuyên bố 12 điểm đó không cho thấy bất kỳ sự chân thành nào, toàn những lời sáo rỗng ngoại trừ tuyên bố “công nhận luật pháp quốc tế, bao gồm nên tuân thủ nghiêm ngặt mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc; cần đảm bảo triệt để chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của các nước”.
Còn phía Nga cũng chưa bao giờ coi trọng vai trò hòa giải của ĐCSTQ.
Ngày 6/4, người phát ngôn của Tổng thống Nga Putin là ông Peskov đã nói với các phóng viên: “Tình hình ở Ukraine rất phức tạp và không có triển vọng về một giải pháp chính trị. Hơn nữa, hiện nay, ngoài việc tiếp tục thực hiện ‘các hoạt động quân sự đặc biệt’ thì không có giải pháp nào khác”.
Ngoài ra, trong bối cảnh đặc phái viên Lý Huy đang thúc đẩy ĐCSTQ làm trung gian hòa giải thì Nga vẫn đang không ngừng bắn tên lửa vào Ukraine. Ngày 18/5, quân đội Ukraine tuyên bố rằng ngày hôm đó quân đội Nga đã tiến hành nhiều đợt không kích bằng tên lửa từ các hướng khác nhau, phóng tổng cộng 30 tên lửa hành trình trên biển, trên không và trên đất liền; hệ thống phòng thủ Ukraine đã phá hủy 29 tên lửa hành trình. Trong tháng này, đây là cuộc tấn công thứ 9 của Nga vào thủ đô Kyiv của Ukraine.
Tại sao ĐCSTQ gặp 3 tình huống ngoại giao bẽ mặt trên?
Một trong những lý do là thế giới đã bị chia thành hai phe chính vì khác biệt về giá trị: phe dân chủ tự do và phe độc tài. Nhà cầm quyền ĐCSTQ không chỉ độc tài mà còn toàn trị cực đoan, đi ngược lại ý Trời, đi ngược lại xu thế thời đại và xu thế chung của thế giới.
Lý do thứ hai là liên quan đến việc Nga xâm lược Ukraine, chính sách “trung lập thân Nga” của ĐCSTQ đã đặt nhà cầm quyền này vào thế đối lập với hầu hết các nước trên thế giới.
Lý do thứ ba là sau khi ĐCSTQ trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhờ lợi dụng “chính sách nhân nhượng” của các nước phương Tây trong thời gian dài, nhà cầm quyền này thường xuyên “cưỡng chế kinh tế” để buộc các nước khác “phục tùng” mình trong các vấn đề như nhân quyền, Đài Loan và Hồng Kông.
Lý do thứ tư là “ngoại giao chiến lang” của ĐCSTQ ngày càng trở nên khó chịu trên trường quốc tế. Các nhà ngoại giao của ĐCSTQ không có trí tuệ để “biến thù thành bạn”, họ luôn hung hăng và chửi thề mọi lúc mọi nơi.
Lý do thứ năm là hàng loạt vấn đề khác như: cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, đàn áp của ĐCSTQ đối với phong trào chống dẫn độ ở Hồng Kông, áp lực cực độ của ĐCSTQ đối với Đài Loan, việc ĐCSTQ áp dụng chính sách ‘Zero COVID’ cực đoan và rồi sau đó bất ngờ ngờ chấm dứt mà không báo trước… ngày càng khiến cộng đồng quốc tế thấy rõ bản chất “giả dối, ác độc và hiếu chiến” (GIẢ-ÁC-ĐẤU) của ĐCSTQ.
Không tin vào ĐCSTQ đã trở thành sự đồng thuận của ngày càng nhiều nước và người dân trên thế giới.
Từ khóa ngoại giao Ấn Độ Dương Hội nghị thượng đỉnh G7 Vương Hữu Quần