Amazon đóng cửa 50.000 người bán Trung Quốc vì lý do “vi phạm quy tắc nền tảng” khiến Thâm Quyến – “Thủ đô thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc Đại Lục” – chịu thiệt hại nặng nề. Cách đây vài ngày, Thâm Quyến đã khẩn trương tổ chức hội nghị chuyên đề để tìm hiểu tình hình và ra phương án hỗ trợ.

shutterstock 1083512990
(Nguồn: Shutterstock)

Gần đây, Amazon đã “dọn dẹp” nền tảng các seller (người bán) toàn cầu để đối phó với các vấn đề vi phạm bản quyền và hàng nhái trong năm nay, số lượng lớn các cửa hàng Trung Quốc nằm trong mục tiêu bị đóng cửa. Ngoại giới truyền tin, có khoảng 200.000 tài khoản đã được đưa vào danh sách đen của Amazon. Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Thương mại Điện tử Xuyên biên giới Thâm Quyến, trong 2 tháng qua, hơn 50.000 seller Trung Quốc đã phải đóng cửa, thiệt hại ước tính ban đầu của ngành là hơn 100 tỷ Nhân dân tệ.

Trong số cửa hàng bị đóng cửa bao gồm cả các công ty nằm trong top “Năm hổ lớn xuyên biên giới của Thâm Quyến” như Zebao, Patosun, Aoji, Youkeshu, Tongtuo, Apeman. Theo bà Vương Hinh (Wang Xin), chủ tịch điều hành Hiệp hội Thương mại điện tử xuyên biên giới Thâm Quyến, đây là đợt phong tỏa lớn nhất của Amazon trong 5 năm qua, và seller Trung Quốc có thể nói là chiếm đa số.

Trang Jiemian News đưa tin, ngày 13/8, Cục Thương mại thành phố Thâm Quyến đã tổ chức hội nghị chuyên đề doanh nghiệp thương mại điện tử xuyên biên giới tại quận Phúc Điền để nghe báo cáo từ các công ty liên quan về sự cố “đóng cửa shop (cửa hàng)” của người bán Amazon ở Thâm Quyến gần đây, và hiểu chi tiết về tác động của sự cố này, đồng thời sẽ nghiên cứu và đưa ra các giải pháp phù hợp.

Theo tài liệu thông báo mà giới truyền thông có được, hội nghị chuyên đề này là dựa trên yêu cầu của lãnh đạo cấp cao tỉnh Quảng Đông, nhóm điều tra của Sở Thương mại tỉnh Quảng Đông đã đến Thâm Quyến để tìm hiểu.

Theo một người am hiểu vấn đề, có khoảng 20 đến 30 shop tham gia, bao gồm các seller lớn như Saiwei, Tongtuo, Youkeshu, Aoji, … Đồng thời, cũng có một số seller vừa và nhỏ không được mời.

Mục đích chính của cuộc họp này là thu thập thông tin công ty và hiểu rõ về tình hình, bao gồm: những tổn thất cụ thể nào xảy ra sau khi cửa hàng bị đóng cửa, chẳng hạn như số tiền bị đóng băng bởi nền tảng Amazon, số lượng sản phẩm, số lượng giao dịch liên quan bị ảnh hưởng, số lượng nhân viên bị sa thải, v.v.. Khó khăn hiện tại mà công ty đang gặp phải là gì và liệu kết quả hoạt động năm nay có thể duy trì được không? Những biện pháp “tự cứu” nào đã được thực hiện, chẳng hạn như kiện tụng tư pháp, khiếu nại nền tảng và thanh toán bù trừ cổ phiếu ở nước ngoài…, hay cần sự giúp đỡ gì từ chính phủ?

Theo truyền thông Đại Lục, trên Amazon, 70% seller đến từ Trung Quốc; trong số thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc, seller ở Quảng Đông có thể chiếm 70%, trong đó 50% đến từ Thâm Quyến.

Theo Caixin.com, ngày 21/7, một người thân cận với Amazon cho biết hầu hết các shop bị phong tỏa lần này đều là những doanh nghiệp liên tục vi phạm và “cố ý vi phạm”.

Theo các báo cáo, việc quản lý không tuân thủ quy định nghiêm ngặt của Amazon, chủ yếu liên quan đến các “đánh giá giả”, chính là cái mà nền tảng thương mại điện tử Đại Lục gọi là “quẹt đơn xào tín”: đề cập đến hành vi nâng cao mức độ tín dụng của bản thân dưới hình thức giao dịch hư cấu, đánh giá giả, cũng như xóa các đánh giá không thuận lợi trong lĩnh vực thương mại điện tử, nhằm mục đích nâng lực cạnh tranh bản thân, từ đó phá vỡ trật tự bình thường của thị trường cạnh.

Bà Vương Hinh, chủ tịch Hiệp hội cho biết, đây là lần thứ năm Amazon đóng cửa các shop để chống lại seller Trung Quốc.

Tuy nhiên, lần này tình hình đã khác, theo các người bán, lý do shop bị đóng cửa hầu hết là do “vi phạm quy tắc nền tảng”, điển hình nhất là việc seller gửi kèm một tấm thiệp nhỏ theo mỗi sản phẩm để yêu cầu khách hàng đánh giá tốt cho shop.

Kể từ đầu tháng Năm năm nay, một số lượng lớn seller trên Amazon đã bị đóng cửa. Một số seller nói rằng một nửa số shop của Thâm Quyến trên Amazon có thể bị đóng.

Vào ngày 20/5, Amazon từng chính thức phát hành “Thư gửi tất cả seller trên Amazon”, được cho là phản ứng về vụ việc đóng cửa shop. Vào thời điểm đó, chính sách nền tảng của Amazon rõ ràng yêu cầu seller không lạm dụng các đánh giá, và vì lý do này, một số quyền của seller đã bị đình chỉ; Amazon nhấn mạnh rằng các quy tắc và chính sách của nền tảng đối xử với tất cả seller là như nhau, bất kể quy mô hoạt động kinh doanh của seller hay ở bất kỳ đâu. 

Amazon cũng đã phát hành một bức thư ngỏ yêu cầu seller không được gian lận hệ thống đánh giá. Một lần nữa nhấn mạnh, nền tảng đã đầu tư rất nhiều tài nguyên để ngăn chặn các đánh giá giả hoặc khen ngợi giả.

Một thủ thuật gian lận khác trong ngành thương mại điện tử của Trung Quốc là seller trả tiền thuê người đóng giả là khách hàng, nhằm tăng thứ hạng và doanh số bán hàng của shop, cũng như những hành vi gian lận về đánh giá tốt. Trả tiền cho người khác đóng giả làm khách hàng thường kết hợp với việc gửi những kiện hàng rỗng theo xe hàng hoặc chuyển phát nhanh đến cho họ.

Trên các diễn đàn Internet Đại Lục, cư dân mạng đang bàn tán xôn xao về chủ đề này. Nhiều cư dân mạng chỉ ra rằng Thâm Quyến đã gấp rút tổ chức hội nghị chuyên đề để giải quyết việc đóng cửa các shop trên Amazon, cho thấy tác động của làn sóng này là ngoài sức tưởng tượng. Có cư dân mạng chế nhạo cuộc họp khẩn cấp ở Thâm Quyến có ý nghĩa: “Đây là sự chuẩn bị của chính phủ để can thiệp và giải thích làm thế nào để thuê người đóng giả làm khách hàng mà không bị phạt!”; “Một nơi mà doanh nhân quyền lực tập hợp lại, vì tiền, mọi thủ đoạn đều được sử dụng.”

Phương Hiểu, the Epoch Times

Xem thêm: