Ấn Độ đang tích cực mua lượng than của Úc đã đang bị kẹt ở Trung Quốc trong nhiều tháng trời. Động thái này diễn ra trong khi Bắc Kinh đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nguồn cung năng lượng lớn, khiến nhiều khu vực bị mất điện trong những ngày qua.

Embed from Getty Images

Các nguồn tin nói với tờ SCMP cho hay giá than bán cho Ấn Độ đang ở mức rẻ hơn 12-15 USD/tấn so với vận chuyển trực tiếp từ Úc và là một trong những mặt hàng than nhiệt có giá rẻ nhất so với chất lượng của nó trên thị trường. 

Hiện tại, Ấn Độ cũng đang thiếu hụt nguồn nguyên liệu này, đặc biệt đối với các nhà sản xuất xi măng và nhà máy sắt. 

Dự trữ nhiên liệu tại các nhà máy điện than của Ấn Độ, nơi sản xuất gần 70% sản lượng điện năng của đất nước, đang ở gần mức thấp nhất trong bốn năm.

Trung Quốc đã dừng mua than của Úc khi Bắc Kinh muốn trừng phạt Canberra liên quan đến đề nghị điều tra nguồn gốc đại dịch Virus Vũ Hán. Hiện tại, tuy đang vật lộn với tình trạng bất ổn về năng lượng, Trung Quốc cũng không động đến than từ Úc.

Mối bất hoà giữa Trung Quốc, nước tiêu thụ và nhập khẩu than lớn nhất thế giới, và Úc đã làm mắc kẹt gần 70 tàu và 1.400 thuỷ thủ chờ bốc dỡ hàng bên ngoài các cảnh của Trung Quốc hồi tháng 1. Phần lớn các tàu đó đã dỡ hàng hoặc đi chuyển hướng sang các địa điểm khác.

Trước tình hình trên, các công ty Ấn Độ đã mua gần 2 triệu tấn than nhiệt Úc đang nằm trong kho tại các cảng của Trung Quốc, nguồn tin cho biết.

 

Trung Quốc thiếu hụt than nghiêm trọng

Trong những năm trước, khi bắt đầu sang tháng 9, các tập đoàn sản xuất điện Trung Quốc bắt đầu bổ sung kho dự trữ than của họ trước những tháng mùa đông giá lạnh. 

Năm nay, than khan hiếm đến mức họ phải vật lộn chỉ để giữ cho đèn sáng. Một số nơi còn không làm được điều này.

Tính đến ngày 21/9, tổng số than nhiệt  dự trữ – được sử dụng để sản xuất điện – do sáu tập đoàn sản xuất điện lớn của đất nước nắm giữ chỉ khoảng 11.31 triệu tấn. Khối lượng này chỉ có khả năng đáp ứng nhu cầu trong khoảng 15 ngày, theo Công ty dịch vụ tài chính Sinolink.

Công ty Sinolink ước tính từ tháng 9 tới tháng 2, Trung Quốc sẽ cần 1,85 tỷ tấn than nhiệt, nhưng dự báo cho thấy họ thiếu hụt từ 222 triệu tới 344 triệu tấn.

Phân tích được đưa ra khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chịu đựng tình trạng cắt điện tồi tệ nhất trong một thập kỷ. Truyền thông nhà nước đưa tin hôm thứ Ba tuần trước, ít nhất từ 20 đến 31 khu vực cấp tỉnh – từ các nhà máy sản xuất điện ở miền nam như Quảng Đông tới vành đai bận rộn vùng Đông Bắc – đã phải cắt điện luân phiên trong những tuần gần đây, gây ra tình trạng hoảng hốt lan rộng trong cư dân và đẩy ngành kinh doanh này của đất nước vào hỗn loạn.

Từ tháng 4, khoảng cách giữa lượng than dự trữ của các tập đoàn điện lực chủ yếu của đất nước và lượng than tiêu thụ hàng ngày bắt đầu nới rộng. Và từ tháng 1, giá than nhiệt đã tăng vọt từ 670 nhân dân tệ (104 USD) mỗi tấn lên khoảng 1.100 nhân dân tệ (170 USD) trong bối cảnh nhu cầu cao và nguồn cung bị hạn chế.

Giá cả tăng vọt đã khến các công ty sản xuất điện không muốn sản xuất đủ điện để đáp ứng nhu cầu, vì doanh thu không đủ bù đắp cho chi phí, theo công ty dịch vụ tài chính.

Trung Quốc tiêu thụ hơn 3 tỷ tấn than nhiệt hàng năm, chỉ khoảng 7% số đó được nhập khẩu. Trước khi Bắc Kinh cấm không chính thức tất cả than Úc vào tháng 10, gần 2% tổng lượng tiêu thụ than nhiệt đến từ Úc vì giá cả hợp lý và chất lượng cao. 

Con số này tương đương khoảng 50 triệu tấn một năm, theo con số chính thức của Úc. Tuy nhiên, kể từ lệnh cấm, Trung Quốc đã tăng cường mua than từ nhiều nước như Mông Cổ và Indonesia để đáp ứng nhu cầu nội địa đang tăng mạnh.

Loại than nhiệt chính mà Trung Quốc thường mua từ Úc có giá trị nhiệt lượng 5.500 kcal/kg. Nhưng các nhà phân tích lưu ý rằng than từ các nguồn thay thế có thể có chất lượng kém hơn, và có khả năng kém hiệu quả trong việc sản xuất điện, làm căng thẳng thêm tình trạng cung ứng điện.

“Kể từ lệnh cấm than Úc, có sự thiết hụt khoảng 35 triệu tấn than chất lượng cao. Gần đây, 70% than nhập khẩu [của Trung Quốc] là từ Indonesia, có giá trị năng lượng 3.800 kcal/kg, và rất khó để nhập khẩu đủ than nhiệt chất lượng,” Nanhua Futures cho biết hôm thứ 3.

Sản xuất than tại Nội Mông, nơi chiếm một phần ba sản lượng than của Trung Quốc, cũng bị gián đoạn. Các cuộc điều tra tham nhũng khởi động vào năm trước nhằm vào việc sản xuất tại các mỏ trong hai thập kỷ qua đã làm ảnh hưởng tới sản lượng tại khu vực tự trị, nơi có 523 mỏ với tổng công suất ước tính 1,3 tỷ tấn một năm.

Xuân Lan (t/h)

Xem thêm: