Sau khi Tổng thống Mỹ Biden tuyên bố cấm đầu tư vào Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ nhạy cảm, Chính phủ Anh và Liên minh châu Âu (EU) đang phân tích chính sách này để cân nhắc khả năng có thể đưa ra các biện pháp tương tự.

GettyImages 1470009787
Thủ tướng Anh Rishi Sunak (trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen bắt tay tại cuộc họp báo tại Tòa thị chính Windsor vào ngày 27/2/2023 (Nguồn ảnh: Dan Kitwood/Getty).

Vào thứ Tư (9/8), Tổng thống Mỹ Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp cho phép Bộ trưởng Tài chính Mỹ cấm hoặc hạn chế đầu tư của Mỹ vào các thực thể Trung Quốc trong ba lĩnh vực: chất bán dẫn và vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử và một số hệ thống trí tuệ nhân tạo.

Chính phủ Mỹ cho biết các biện pháp này nhằm giải quyết các rủi ro an ninh quốc gia. Ngay lập tức, hôm 10/8 Trung Quốc bày tỏ phẫn nộ, gọi đó là “ép buộc kinh tế và bá đạo công nghệ một cách thô thiển”.

Theo Thời báo Tài chính (FT), Thủ tướng Anh Sunak đang cân nhắc noi theo Tổng thống Mỹ Biden để hạn chế đầu tư vào Trung Quốc, đồng thời đang thảo luận vấn đề này với giới doanh nghiệp.

Một phát ngôn viên của Chính phủ Anh cho biết hôm 10/8 rằng sắc lệnh hành pháp của ông Biden rất rõ ràng, “Trong khi tiếp tục đánh giá các rủi ro tiềm ẩn về an ninh quốc gia từ một số khoản đầu tư, Chính phủ Anh sẽ xem xét cẩn thận các biện pháp mới này”.

Trước đó vào tháng 6, hai nhà lãnh đạo Sunak và Biden đã ký một thỏa thuận mới để củng cố liên minh an ninh Mỹ – Anh đã có, cam kết tăng cường quan hệ kinh tế trong các lĩnh vực bao gồm công nghệ tiên tiến, năng lượng sạch và khoáng sản quan trọng.

Theo dữ liệu chính thức, Trung Quốc không phải là điểm đến quan trọng đối với đầu tư nước ngoài của Anh, đến cuối năm 2021 đầu tư của Anh vào Đại Lục là 10,7 tỷ bảng (nhưng đầu tư của Anh vào Hồng Kông đạt 77,6 tỷ bảng), trong khi đầu tư của Mỹ ở Trung Quốc là 461,4 tỷ bảng Anh.

Quan hệ giữa Anh và Trung Quốc đang ngày càng căng thẳng do các vấn đề như biểu tình ở Hồng Kông, vi phạm nhân quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở Tân Cương, 5G của Huawei và hoạt động gián điệp của ĐCSTQ…, theo đó là đầu tư của Anh vào Trung Quốc cũng giảm. Bloomberg trích dẫn dữ liệu mới nhất cho năm 2021 chỉ ra khoản thoái vốn ròng của Anh khỏi Trung Quốc (không bao gồm Hồng Kông) là 1,35 tỷ bảng Anh.

Ngoài việc Anh cân nhắc thêm về cách đối phó với ĐCSTQ, Ủy ban châu Âu cũng tuyên bố rằng họ sẽ phân tích quan điểm của Tổng thống Mỹ Biden để bắt đầu xem xét các phương thức đầu tư nước ngoài của EU, đồng thời sẽ duy trì liên lạc chặt chẽ với Mỹ về vấn đề này, theo đó dự kiến ​​đề xuất phương án riêng trước cuối năm nay.

Trước đó trong một bài phát biểu vào tháng 3 năm nay, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã nói rằng Ủy ban châu Âu cần xem xét lại thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc do “tình trạng kết hợp giữa quân sự và dân sự” của ĐCSTQ.

Reuters dẫn tuyên bố của người phát ngôn Ủy ban châu Âu ngày 10/8 cho biết: “Chúng tôi đã chú ý sắc lệnh hành pháp do Mỹ ban hành hôm 9/8 về đầu tư nước ngoài. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ sắc lệnh này… Chúng tôi đang liên lạc chặt chẽ với Chính phủ Mỹ và mong muốn tiếp tục cộng tác về vấn đề này”.

Bloomberg đưa tin, EU cho biết “Chúng tôi hy vọng nhận rõ rủi ro, qua đó có các phản ứng phù hợp và chính xác để không có bất kỳ tác động lan tỏa tiêu cực ngoài ý muốn nào đối với nền kinh tế châu Âu và toàn cầu”.

Nhưng có những quan điểm khác nhau trong EU. Cho đến nay Chính phủ Pháp vẫn chống lại áp lực của Mỹ để cứng rắn hơn đối với ĐCSTQ.

Nhưng nội các của Ý đã bỏ phiếu trong tuần này trao cho chính phủ quyền hạn đặc biệt, theo đó nhằm ngăn chặn chuyển giao công nghệ ra nước ngoài liên quan các lĩnh vực chiến lược như trí tuệ nhân tạo, sản xuất chất bán dẫn, an ninh mạng, hàng không vũ trụ và năng lượng – biện pháp được coi là có khả năng ảnh hưởng đến quan hệ thương mại giữa Ý và Bắc Kinh.

Dù vậy, tờ The Guardian có chỉ ra dự kiến cả Anh và EU ​​​​sẽ không ngay lập tức có hành động như Mỹ.