Apple, Google, Nike và Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia (NBA) vốn đều là những công ty lớn ở Hoa Kỳ lớn tiếng yêu cầu “công bằng xã hội” (social justice). Tuy nhiên, trước sự kiện nhà cầm quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mạnh tay trấn áp tờ báo Apple Daily của Hồng Kông, bắt giữ phóng viên tòa báo và khiến báo này sụp đổ chỉ trong một đêm, họ vẫn im lặng.

Người dân Hồng Kông xếp hàng mua Apple Daily trong đêm (Ảnh: Epoch Times HK)

Ngày 29/6, tờ Washington Free Beacon đưa tin, cuộc đàn áp gần đây của chính quyền ĐCSTQ đối với các nhà báo Hồng Kông đã vấp phải sự im lặng của các công ty lớn của Mỹ có quan hệ sâu rộng với chế độ Cộng sản Trung Quốc.

Kể từ ngày 17/6, ít nhất 7 nhà báo Hồng Kông đã bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bắt giữ, nhưng các công ty lớn của Mỹ như Apple, Google, Nike và NBA đã im lặng và cũng không phản ứng.

Các nhà báo bị bắt đều là cựu nhân viên của tờ Apple Daily, một tờ báo ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông, hiện đã đóng cửa. ĐCSTQ đã bắt giữ các nhà báo này theo “Luật An ninh Quốc gia” vốn gây tranh cãi được ban hành năm 2020 sau khi nhà chức trách dập tắt thành công các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông.

Hôm Chủ nhật (ngày 27/6), ĐCSTQ cũng đã bắt giữ ông Phùng Vĩ Quang (Fung Wai-kong), cựu phụ trách chuyên mục của Apple Daily và là biên tập viên điều hành ấn bản tiếng Anh của Apple Daily. Cảnh sát Hồng Kông cho biết ông Phùng bị bắt tại sân bay quốc tế Hồng Kông khi đang chuẩn bị rời khỏi đất nước với tội danh “âm mưu cấu kết với nước ngoài hoặc lực lượng nước ngoài gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”.

Tờ Washington Free Beacon cho rằng ông Phùng Vĩ Quang là cựu phóng viên Apple Daily thứ 7 bị bắt vì khả năng dính líu đến Luật An ninh Quốc gia kể từ ngày 17/6, khi tờ báo buộc phải ngừng hoạt động sau một cuộc truy quét của cảnh sát. Truyền thông Hoa ngữ lo ngại về Hồng Kông cho biết, 13 người có liên quan đến Next Digital, công ty mẹ của Apple Daily, đã bị bắt.

Ngày 18/6, cảnh sát Hồng Kông đã đột kích vào tòa nhà Apple Daily và bắt giữ 5 lãnh đạo cấp cao của công ty, bao gồm CEO Next Digital là Trương Kiếm Hồng (Zhang Jianhong), Tổng giám sát Next Digital Chu Đạt Quyền (Zhou Daquan), và tổng biên tập của Apple Daily La Vĩ Quang (Luo Weiguang), Phó Chủ tịch của Apple Daily là Trần Bái Mẫn (Chen Peimin), và Tổng giám sát nền tảng tin tức di động của Apple Daily là Trương Chí Vĩ (Zhang Zhiwei).

Ngoài cáo buộc Apple Daily sử dụng báo chí như một “công cụ gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”, ĐCSTQ còn phong tỏa tài sản và tài khoản ngân hàng của báo, dẫn đến việc tờ báo này bị buộc ngừng hoạt động.

Apple, Google, Nike và NBA đều bị chỉ trích vì mối quan hệ sâu sắc của họ với ĐCSTQ, bao gồm thị trường và lợi nhuận khổng lồ, cũng như việc họ sẵn sàng bỏ qua các vi phạm nhân quyền và tuân theo các yêu cầu của chính quyền ĐCSTQ. Trong khi đó, đây lại là những tập đoàn lớn tiếng và thẳng thắn nhất về vấn đề “công bằng xã hội” ở Hoa Kỳ .

Vào năm 2019, Giám đốc điều hành Apple Tim Cook đã quảng cáo cam kết của công ty là “duy trì tự do báo chí và nền dân chủ thịnh vượng”, nhưng chỉ giới hạn ở các thị trường phương Tây nơi những lời hùng biện như vậy được hoan nghênh. Ở Trung Quốc, Apple hoàn toàn phớt lờ các giá trị của chính họ, bởi vì việc ủng hộ dân chủ và tự do báo chí ở Trung Quốc bị ĐCSTQ coi là một hành vi phạm tội.

Tờ Free Beacon đã trích dẫn một báo cáo từ The New York Times vào đầu năm nay rằng các cam kết về quyền tự do dân sự và quyền riêng tư của Apple không áp dụng cho Trung Quốc. Apple cho phép Chính phủ Trung Quốc kiểm soát các trung tâm dữ liệu lưu trữ dữ liệu cá nhân của khách hàng Trung Quốc. Theo yêu cầu của chính phủ, Apple đã loại bỏ công nghệ mã hóa mà họ sử dụng ở các quốc gia khác để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng và thậm chí còn gỡ khẩu hiệu “Được thiết kế bởi Apple ở California” khỏi mặt sau của những chiếc iPhone được bán ở Trung Quốc.

Một ‘gã khổng lồ’ công nghệ khác, Google, từng tự hào về phương châm “Đừng làm điều xấu xa” (Don’t be evil) của mình, nhưng phương châm nổi tiếng này đã bị xóa khỏi quy tắc ứng xử của Google vào năm 2018, khi Google đang tìm cách đạt được thỏa thuận với ĐCSTQ để ra mắt công cụ tìm kiếm trong Trung Quốc đáp ứng các yêu cầu kiểm duyệt nghiêm ngặt của chính phủ. Sau khi điều này bị lộ, cuối cùng dự án đã bị Google bỏ rơi.

Google và công ty con của nó là YouTube bị cấm ở Trung Quốc, nhưng Google và YouTube lại đang giúp ĐCSTQ chặn nội dung chỉ trích đảng.

Tại phiên điều trần của Quốc hội năm 2020, CEO Tim Cook của Apple và CEO Sundar Pichai của Google thậm chí còn từ chối thừa nhận lịch sử được ghi chép đầy đủ của ĐCSTQ về việc đánh cắp tài sản trí tuệ từ các công ty Mỹ.

Nike là “một thương hiệu của Trung Quốc và dành cho Trung Quốc.” Đó là cách Giám đốc điều hành John Donahoe mô tả về công ty trong hội nghị báo cáo thu nhập quý IV vào tuần trước, khi Nike báo cáo thu nhập ròng 1,5 tỷ USD, trước sự vui mừng của các cổ đông. Nike và Apple nằm trong những tập đoàn Mỹ đang vận động Quốc hội làm suy yếu luật cấm nhập khẩu hàng hóa được làm bằng lao động nô lệ ở Tân Cương.

Giống như Nike, NBA đã phải đấu tranh với chính mình. Mặc dù họ đã thẳng thắn chỉ trích Hoa Kỳ về chủ đề “công bằng xã hội”, nhưng họ lại miễn cưỡng chỉ trích ĐCSTQ vì những vi phạm nhân quyền do mối quan hệ kinh doanh thân thiết của họ với Chính quyền ĐCSTQ. Một cuộc điều tra của ESPN được công bố vào năm 2020 cho thấy các học viện đào tạo NBA ở Tân Cương đầy rẫy những lời phàn nàn về lạm dụng thể chất.

Vào năm 2019, khi cựu tổng giám đốc Houston Rockets, Daryl Morey đăng dòng tweet ủng hộ những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông, NBA thậm chí còn xin lỗi ĐCSTQ vì những nhận xét “đáng tiếc” của Morey đã “xúc phạm sâu sắc” đến người hâm mộ Trung Quốc.

Trình Văn, Vision Times

Xem thêm: