Đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và đối thủ chính của ông, bà Marine Le Pen đã thắng dễ vòng 1 được tổ chức hôm Chủ Nhật (10/4). Hai ứng viên sẽ tiếp tục tranh cử ghế tổng thống Pháp tại vòng 2 vào ngày 24/4.

Embed from Getty Images

Theo Reuters, với 88% phiếu bầu trong vòng bầu cử thứ nhất diễn ra hôm 10/4 đã được kiểm, ông Macron đã nhận được 27,41% phiếu ủng hộ và bà Le Pen được 24,9%. 10 ứng cử viên khác đã chấp nhận thua cuộc.

Các ứng viên Valerie Pecresse, Anne Hidalgo, Yannick Jadot và Fabien Roussel giành tổng cộng 14% phiếu bầu tuyên bố rằng họ sẽ ủng hộ ông Macron để ngăn chặn “cực hữu” thắng ghế tổng tổng. Trong khi, chỉ có duy nhất ứng viên Zemmour nói sẽ ủng hộ bà Le Pen.

Hệ thống bầu cử Pháp đòi hỏi một ứng viên phải thắng đa số phiếu trong cuộc bầu cử vòng 1, thì người này mới có thể trở thành tổng thống mà không cần trải qua vòng bầu cử thứ hai. Nếu không ứng viên nào giành đa số phiếu, thì hai người đạt số phiếu cao nhất vòng 1, sẽ phải bước vào cuộc bầu cử vòng 2 quyết định. Bầu cử Pháp vòng 2 năm nay được lên lịch diễn ra vào ngày 24/4.

Chưa điều gì được quyết định!” ông Macron nói với người ủng hộ, kêu gọi tất cả cử tri ủng hộ ông vào ngày 24/4 để ngăn chặn ứng viên cánh hữu Le Pen lên cầm quyền nền kinh tế lớn thứ hai của Liên minh châu Âu (EU).

Tổng thống Macron nhấn mạnh: “Kế hoạch duy nhất đáng tin cậy để giúp gia tăng sức mua, là phương án của chúng tôi”.

Trong khi đó, bà Le Pen nói rằng bà là người phản đối sự yếu nhược của nước Pháp hiện nay và sẽ đoàn kết một quốc gia vốn đang rệu rã vì giới tinh anh.

Những gì sẽ được cân nhắc vào ngày 24/4 là sự lựa chọn của xã hội, là sự lựa chọn của nền văn minh”, bà Le Pen nói với người ủng hộ. Khi bà Le Pen nói: “Tôi sẽ đưa nước Pháp truyền thông hơn trở lại”, đám đông đồng thanh hô lớn: “Chúng ta sẽ chiến thắng”.

Gần một tháng trước, ông Macron dường như đã đứng trước cơ hội tái cử dễ dàng khi các cuộc thăm dò đều cho thấy ông nhận được số phiếu cao nhờ vào hiện trạng tăng trưởng kinh tế mạnh, phe đối lập bị chia rẽ và vai trò nổi bật của ông trong việc cố gắng ngăn chặn cuộc chiến tranh Nga- Ukraine.

Tuy nhiên, đương kim tổng thống Pháp đã phải trả giá do tổ chức chiến dịch tranh cử muộn và ông đã né tránh các cuộc thị sát ở các tỉnh thành, chỉ tổ chức một cuộc vận động lớn ở bên ngoài Paris. Điều này góp sức cho bà Le Pen nhanh chóng thu hẹp khoảng cách trong các cuộc thăm dò gần đây.

Bà Le Pen trong nhiều tháng qua đã tổ chức các cuộc vận động ở nhiều thị trấn, làng bản trên khắp nước Pháp. Bà tập trung vào các vấn đề chi phí cuộc sống đang gây ảnh hưởng tới hàng triệu người và khiến họ hướng sự tức giận vào giới chức cầm quyền.

Khảo sát của Ifop dự đoán cuộc đua tay đôi giữa ông Macron và bà Le Pen sẽ rất sít sao với chiến thắng 51-49 nghiêng về đương kim tổng thống.

Những hãng khảo sát khác đưa ra dự đoán ông Macron sẽ thắng cách biệt hơn, với khả năng giành được hơn 54% phiếu ủng hộ. Nhưng tất cả các cuộc khảo sát đều cho thấy, ông Macron khó có thể thắng áp đảo bà Le Pen như trong cuộc bầu cử năm 2017, khi đó ông đạt được 66,1% phiếu bầu.

Thậm chí khảo sát của Atlas Politico thực hiện tuần trước chỉ ra rằng bà Le Pen sẽ vượt qua ông Macron với chênh lệnh nhỏ: 50,5%– 49,5%.

Các hãng truyền thông ủng hộ ông Macron đang nỗ lực mô tả cuộc chạy đua ghế tổng thống Pháp năm nay là cuộc trưng cầu dân ý về khủng hoảng Ukraine. Họ vẽ chân dung bà Le Pen là người ủng hộ Tổng thống Nga Vladimir Putin và cuộc chiến xâm lược của Moscow vào Kyiv. Tờ Daily Beast của Mỹ thậm chí đã gọi bà Le Pen là “kẻ phát-xít” và là “nữ fan cuồng của Putin”.

Dù vậy, chiến lược đó của truyền thông đang cho thấy kết quả không như ý trong các cuộc bầu cử tại Hungary và Serbia hồi tuần trước. Trong cả hai cuộc bầu cử này, các nhà lãnh đạo đương nhiệm đều tái đắc cử bất chấp họ bị truyền thông bôi nhọ là những chính trị gia không ủng hộ Ukraine.

Hải Đăng (T/h)