Binh sĩ lính thủy đánh bộ Mỹ Lance Hunter Ian Clark, người đã giải cứu em bé qua bức tường rào ở sân bay Kabul hồi cuối tháng 8 khi quân đội Mỹ đang tổ chức sơ tán người dân khỏi Afghanistan, hiện đang bị điều tra vì đã xuất hiện trên sân khấu trong buổi vận động của cựu TT Donald Trump được tổ chức cuối tuần qua tại Perry, bang Georgia. 

Theo tờ Epoch Times đưa tin, đơn vị Viễn chinh Thủy quân lục chiến số 24 (MEU) đã bắt đầu một cuộc điều tra liên quan đến việc hạ sĩ Lance Hunter Clark tham dự sự kiện “Cứu nước Mỹ” của cựu Tổng thống Donald Trump vào cuối tuần trước để xác định xem việc này có vi phạm bất kỳ chính sách nào của Bộ Quốc phòng hay không. 

Hạ sĩ Clark đã được ông Trump gọi lên sân khấu vào thứ Bảy trong cuộc vận động ở Perry. Trên sân khấu, anh nói rằng anh ấy là “người đã kéo đứa bé qua tường”, mô tả khoảnh khắc này là một trong những khoảnh khắc tuyệt vời nhất trong cuộc đời anh.

“Tên tôi là Lance Hunter Clark, và tôi đến từ Warner Robbins, Georgia”, hạ sĩ Clark nói với đám đông. “Tôi là người đã kéo em bé qua tường, và đó chắc chắn là một trong những điều tuyệt vời nhất tôi đã làm được trong suốt cuộc đời mình.”

Clark dường như nghẹn ngào, nói thêm, “Tôi chỉ muốn cảm ơn tất cả sự ủng hộ từ tất cả mọi người. Điều đó thực sự có ý nghĩa và tôi rất vui khi được về nhà lúc này đây.”

Tuy nhiên, phát ngôn viên của MEU nói với The Epoch Times rằng người trong bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội về một lính thủy đánh bộ kéo một em bé qua hàng rào thép gai vào sân bay hôm 19/8 không phải là Clark. Tuy nhiên, có một số em bé khác đã được quân đội Mỹ giải cứu trong 10 ngày di tản hàng loạt tại đây.

Đơn vị không cho biết hạ sĩ Clark có thể đã vi phạm những chính sách nào.

Các chính sách của Bộ Quốc phòng nói rằng các thành viên phục vụ tại ngũ “không nên tham gia vào các hoạt động chính trị đảng phái”.

Điều này bao gồm việc tham gia vào “các hoạt động gây quỹ chính trị của đảng phái, các cuộc mít-tinh, hội nghị” và các sự kiện khác.

Tuy nhiên, những quy tắc đó không áp dụng cho các thành viên không mặc đồng phục, với điều kiện “không can thiệp hoặc có hình thức tài trợ, xác thực hoặc xác nhận chính thức” đối với ứng viên, sự kiện mang tính chính trị.

Ngân Hà (theo Epoch Times)

Xem thêm: