Dân biểu Jim Jordan (Đảng Cộng hòa, bang Ohio), thành viên cấp cao Ủy ban Tư pháp Hạ viện, cùng đồng nghiệp Andy Biggs (bang Arizona) mới đây đã gửi thư cho Tổng chưởng lý Merrick Garland yêu cầu ông này giải thích tại sao các công tố viên liên bang lại hủy bỏ hàng loạt các vụ án liên quan tới các nhà nghiên cứu Trung Quốc vốn bị cáo buộc che giấu thân phận quân nhân.

Embed from Getty Images

Vào tháng Bảy, các công tố viên liên bang đã đệ trình nhiều kiến nghị lên tòa án để hủy các cáo buộc tội phạm đối với 6 nhà nghiên cứu Trung Quốc. Các công dân Trung Quốc này trước đó bị cáo buộc che giấu mối quan hệ với các thể chế Trung Quốc hoặc quân đội Trung Quốc. Bộ Tư pháp thời điểm đó nói rằng “những diễn tiến gần đây” trong các vụ án liên quan đến các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã thúc đẩy Bộ phải “đánh giá lại các vụ truy tố”. Bộ cũng khẳng định việc hủy bỏ các vụ án đó được thực hiện “vì lợi ích tư pháp”.

Tuy nhiên, hai dân biểu Jordan và Biggs viết trong thư gửi ông Garland nói rằng, có các thông tin khác nhận định Bộ Tư pháp hủy các vụ truy tố công dân Trung Quốc là vì các lý do khác, chẳng hạn như lý do FBI trước khi chất vấn các nghi phạm đã không nói cho họ biết họ có quyền im lặng để tránh các lời khai trở thành lời tự buộc tội.

Trong thư gửi ông Garland, hai dân biểu Cộng hòa viết: “Hiện không rõ ràng liệu Bộ Tư pháp đã hủy bỏ những [cáo buộc tội phạm này] là vì FBI đã xử lý sai như nhiều thông tin đưa ra hay bởi vì Bộ Tư pháp dưới sự lãnh đạo của ông đang tập trung theo đuổi các mục tiêu chính trị cực tả của Chính quyền Biden-Harris hơn là mưu cầu bảo vệ các lợi ích an ninh quốc gia Mỹ”.

Những hành động này của Bộ Tư pháp làm dấy lên những quan ngại về cam kết của cơ quan tư pháp này trong việc đương đầu với các mối đe dọa an ninh quốc gia [Mỹ] do Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đặt ra”, lá thư viết tiếp.

Hai dân biểu Cộng hòa gửi lá thư nêu trên cho Tổng chưởng lý liên bang Mỹ chỉ vài ngày sau khi Bộ Tư pháp đạt thỏa thuận với Giám đốc Tài chính Huawei, Mạnh Vãn Châu về việc cho phép bà này quay trở lại Trung Quốc sau gần ba năm bà bị cảnh sát Canada bắt giữ theo yêu cầu của các công tố viên Mỹ. Giới chức tư pháp Mỹ cáo buộc bà Mạnh nói dối HSBC khiến cho ngân hàng này vi phạm các chế tài của Mỹ áp lên Iran. Thỏa thuận của Bộ Tư pháp Mỹ với bà Mạnh cũng khiến các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đặt nghi vấn về cách tiếp cận của Chính quyền Biden trong việc đương đầu với các mối đe dọa do chế độ cộng sản Trung Quốc đặt ra.

Trong những năm gần đây, Bộ Tư pháp Mỹ với chương trình hành động được gọi là “Sáng kiến Trung Quốc” đã ráo riết theo đuổi các vụ án nhắm vào chiến dịch gián điệp mở rộng chống Mỹ của chế độ Bắc Kinh. Bộ Tư pháp đặc biệt nhắm đến giới học thuật Mỹ, nơi tập trung nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc được cho là đã che giấu thân phân quân nhân hoặc mối quan hệ với nhà nước cộng sản Trung Quốc khi đến Mỹ.

Năm 2020, Bộ Tư pháp đã mở ít nhất 6 vụ truy tố chống lại các quan chức quân đội Trung Quốc giả danh là các nhà nghiên cứu tại các trường đại học Mỹ. Tuy nhiên, đến tháng Bảy năm nay, Bộ đã xúc tiến rút lại 5 trong 6 vụ án đó.

Một trong những vụ án mà Bộ Tư pháp Mỹ hủy bỏ hồi tháng Bảy có liên quan đến bà Tang Juan, nhà nghiên cứu Trung Quốc làm việc tại Đại học California–Davis. Bà Tang bị cáo buộc đã che giấu mối quan hệ của bà với quân đội Trung Quốc khi khai báo xin thị thực nhập cảnh Mỹ. Bà đã bị bắt vào tháng 7/2020 sau khi đã trốn chạy vào Lãnh sự quán Trung Quốc tại San Franciso một tháng trước đó.

Trong một vụ án khác bị hủy, một nhà nghiên cứu Trung Quốc đã thừa nhận khi trả lời chất vấn sĩ quan FBI Mỹ rằng ông ta nhận lệnh từ cấp trên, giám đốc của một phòng thí nghiệm trường đại học quân đội Trung Quốc, để “quan sát cách bố trí tại trung tâm thí nghiệm của Đại học California–San Franciso và chuyển thông tin về Trung Quốc”.

Trong bức thư gửi Tổng chưởng lý Garland, hai Dân biểu Jordan và Biggs đã yêu cầu người đứng đầu Bộ Tư pháp liên bang trước ngày 11/10/2021 phải cung cấp thông tin chi tiết tại sao Bộ đã quyết định hủy các vụ án liên quan đến các nhà nghiên cứu Trung Quốc. Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa này cũng yêu cầu được nhận thông tin về chương trình “Sáng kiến Trung Quốc”, trong đó có thông tin về nhân viên và nguồn lực của chương trình và họ cũng muốn biết liệu Bộ Tư pháp đã có bất kỳ kế hoạch nào để “cải cách, tối ưu hóa hoặc củng cố bổn phận và trách nhiệm” của Bộ hay chưa.

Lá thư của hai nhà lập pháp nhấn mạnh: “Đặc biệt vào thời điểm khi chính sách đối ngoại thảm họa của Tổng thống Biden đã làm cho các đồng minh xa lánh và khiến người dân Mỹ lo ngại, thì đất nước chúng ta không thể chịu đựng được mối đe do gián điệp Trung Quốc đặt ra”.

The Epoch Times cho biết họ đã liên lạc với Bộ Tư pháp Mỹ để yêu cầu bình luận về lá thư của hai nhà lập pháp Đảng Cộng hòa, nhưng chưa nhận được phản hồi.

Đức Thiện (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: