Các hoạt động ám sát kiểu khủng bố mà tình báo Ukraine nhằm vào những nhân vật nổi tiếng của Nga có thể gây tổn hại cho cả phương Tây và Ukraine, và điều đó khiến phương Tây không hài lòng.

231113 uca 02
Darya Dugina, người Nga, phóng viên, nhà hoạt động, một nhân vật công chúng ủng hộ Tổng thống Putin của nước mình, bị đặt bom xe đánh chết lúc cô mới 30 tuổi vào 15/12/2022. (Ảnh ghép từ nguồn Wikipedia)

Mới hôm Thứ Tư tuần trước, lại một vụ đánh bom xe nữa nhắm vào người Nga. Lần này cơ quan tình báo của Ukraine nhanh chóng chủ động nhận trách nhiệm.

Mark Galeotti đăng một bài phân tích trên The Times (Anh) với tiêu đề: Căng thẳng giữa tình báo của phương Tây và của Ukraine,” trong đó ông phân tích rằng phong cách Ukraine dùng hình thức khủng bố để ám sát các nhân vật có tiếng của Nga, kỳ thực đang làm mất mặt cả bản thân Ukraine lẫn những quốc gia phương Tây đang hậu thuẫn cho Kiev, và điều ấy khiến phương Tây không hài lòng.

Ngoài ra, cách làm việc thiếu minh bạch của tình báo Ukraine cũng khiến các đồng nghiệp phương Tây của họ khó chịu.

231113 uca 01
Bài “Căng thẳng giữa tình báo của phương Tây và của Ukraine” đăng hôm 11/11 của giáo sư Mark Galeotti, một nhân vật bình luận có tiếng người Anh về chủ đề Nga.

Vụ ám sát hôm Thứ Tư tuần trước

Mikhail Filiponenko —người trước đây từng có vai trò chủ chốt trong việc dẫn đến cái gọi là Cộng hòa Nhân dân Lugansk ly khai chính quyền Kiev năm 2014 (trong bối cảnh toàn vùng Donbass ly khai sau đảo chính 2014) và sao đó sáp nhập vào Liên Bang Nga— đã bị đánh bom ám sát và mất mạng hôm Thứ Tư tuần trước (8/11).

Ngay lập tức trong cùng ngày, theo BBC báo cáo, GUR (cơ quan tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine) đã cho thông báo trên mạng xã hội: “Một hoạt động đặc biệt để loại trừ Filiponenko đã được thực hiện…”

Phía Nga bấy giờ ra thông báo, “… thiết bị nổ đặt ở gầm xe đã phát nổ, giết chết Mikhail  Filiponenko. Chúng tôi đã mở án điều tra tội phạm.”

“Đúng, vụ này là chúng tôi làm,” theo Andriy Cherniak, đại diện của tình báo quân đội Ukraine (GUR), đã xác nhận với Politico trong buổi phỏng vấn sau khi vụ việc diễn ra.

Vụ này không được coi là vụ ám sát lớn, nhưng mà, nó nói lên diễn biến của hoạt động ám sát theo phong cách giống khủng bố như thế này do tình báo của Ukraine làm ra. Giáo sư Galeotti viết trong báo cáo trên The Times rằng người Mỹ và Anh không hài lòng về cách làm này của Kiev.

Phương Tây trợ giúp Kiev về tình báo từ 2014

Kể từ khi chính quyền Kiev cũ được cho là thân Nga bị lật đổ năm 2014 trong sự vụ Euromaidan, và một chính quyền Kiev mới được lập nên tại đây ngay sau đó, thì phương Tây đã tiến hành các hoạt động trợ giúp cho tình báo Ukraine — cho cả SBU (cơ quan tình báo có tiền thân là tổ chức KGB khét tiếng thời Xô Viết) và GUR (cơ quan tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine), theo bài báo của The Times miêu tả.

Các cơ quan tình báo Phương Tây, đặc biệt là của Mỹ và Anh, theo tờ báo miêu tả, đã đầu tư vào chính quyền Kiev rất nhiều, chứ không phải chỉ dừng lại ở việc chia sẻ thông tin tình báo.

Ví dụ, năm 2015 người Mỹ đã tiến hành trợ giúp để nâng cao năng lực toàn diện của GUR. Trong đó có các hoạt động trao đổi nhân sự, cung cấp thiết bị nghe lén, thậm chí cho tiền để GUR xây dựng trụ sở mới. CIA đã cung cấp cho GUR khả năng để tiến hành giám sát và liên lạc cả đến vùng Donbass.

Từ thời đó, các cơ quan tình báo của Ukraine —SBU và GUR— đã sử dụng năng lực mà CIA đầu tư để tiến hành các vụ ám sát nhằm vào những nhà lãnh đạo của Donbass nào mà thân với Nga.

Kể từ khi chiến tranh Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, thì sự tham gia của tình báo phương Tây còn tăng mạnh hơn nữa. Theo tờ báo miêu tả, đặc biệt là tình báo từ phía Anh cung cấp, đã tăng mạnh đáng kể.

Bấy giờ, các thông tin tình báo mà phương Tây đưa cho Kiev đã giúp đỡ quân Ukraine rất nhiều. Đặc biệt cho phép Kiev biết được các hoạt động pháo kích và vị trí của hệ thống chỉ huy của Nga.

Theo bài báo của Galeotti, sự phát triển này cũng là 2 chiều. Do đặc điểm gần gũi có từ lịch sử và do vị trí vật lý giữa Ukraine và Nga, cho nên nhiều thông tin tình báo do Ukraine cung cấp cũng có những giá trị cao cho phương Tây.

“Các điều kiện [thuận lợi của Ukraine] có nghĩa là chúng tôi đúng là cũng cần học từ những người Ukraine nhiều thứ nhất định, mà có liên quan đến báo cáo thông tin tình báo,” một nguồn tin từ Phòng Ngoại giao Anh quốc cho hay.

Căng thẳng giữa tình báo của phương Tây và Ukraine

Bên cạnh những thuận lợi thì cũng có những căng thẳng. Đặc biệt là thời gian gần đây. Tờ báo trích dẫn nguồn của Washington Post —một bài báo cáo mà Galeotti cho rằng đã được viết theo chỉ đạo của Chính phủ Mỹ— nói rằng có những căng thẳng đang gia tăng giữa Kiev và các nước đang cung cấp nguồn lực cho họ.

Thứ nhất, phương Tây lo ngại về tính trong sáng của các cơ quan tình báo Ukraine, đặc biệt là SBU.

Tờ báo trích dẫn lời một nhà ngoại giao Châu Âu hiện đang làm việc ở Kiev, nói: “Chúng tôi nhìn nhận rằng bây giờ là thời chiến cho nên an ninh phải được đặt lên hàng đầu. Nhưng chúng tôi lo ngại rằng SBU đang lợi dụng cái cớ này để đảm bảo [Ukraine] không bao giờ có được một sự chỉnh đốn đạt tới một nền dân chủ thích hợp.”

Vào tháng 7 năm ngoái, Tổng thống Ukraine Volodymyr đã cách chức người đứng đầu SBU Ivan Bakanov, và tuyên bố sẽ tiến hành thanh tẩy cơ quan này. Nhưng phương Tây cảm thấy không được thuyết phục. SBU đã được ông Zelensky sử dụng như một công cụ mạnh mẽ để đàn áp các tiếng nói đối lập trong nước, để trấn áp giáo hội tôn giáo với lịch sử lâu đời và có sức ảnh hưởng nhất Ukraine. Thời gian gần đây, chính ông Zelensky phảng phất như đang tìm cớ để không tiến hành bầu cử.

Thứ hai, phương Tây cho rằng chiến dịch do tình báo Ukraine tiến hành ám sát các nhân vật nổi tiếng ủng hộ Nga, trên thực tế đang có tác dụng phản ngược lại kỳ vọng của Kiev, và đồng thời gây bất lợi cho phương Tây.

Những nhà báo, những blogger, những ông chủ quán ăn, những quân nhân giải ngũ, v.v. đã bị ám sát bằng các hình thức giống khủng bố như đánh bom xe, đưa quà có cài chất nổ, v.v.

Phía Kiev kỳ vọng rằng cách làm này sẽ khiến Nga mất đi sự ủng hộ, vì những người ủng hộ Nga sẽ lo lắng bị trừng phạt một cách đáng sợ, chẳng hạn như sẽ bị sát thủ lén bắn chết khi bản thân đã về hưu và đang đi xe đạp thể dục.

Nhưng trên thực tế, những người bị hại, dù rằng lập trường chiến tranh là mâu thuẫn với Kiev, nhưng kỳ thực họ là đấu tranh cho lợi ích của tổ quốc và nhân dân của chính họ.

Cho nên thời gian qua cho thấy, cách làm này của Kiev rốt cuộc là phản tác dụng. Không có hiệu quả làm thay đổi kết quả chiến tranh, mà lại tạo ra cái cớ để truyền thông Nga chỉ trích.

Hơn nữa, Nga luôn luôn miêu tả rằng các hoạt động tình báo của Kiev là có bóng dáng của phương Tây hậu thuẫn đằng sau. Trên thực tế thì người Nga cũng là tin tưởng như vậy.

Người phát ngôn điện Kremlin, Dmitry Peskov, nhiều lần nói Nga “đã biết từ lâu” rằng các cơ quan an ninh của Ukraine là “dưới sự giám sát chặt chẽ” của Mỹ và phương Tây.

Các hoạt động mà Ukraine đứng sau tiến ám sát người ở trong lãnh thổ Nga và các hoạt động tấn công vào lãnh thổ của Nga, nếu cứ tiếp diễn thế này, thì sẽ đẩy Nga vào tình huống buộc phải tiến hành trả đũa đối với phương Tây.

Điều này đã từng được giáo sư John Mearsheimer của Đại học Chicago (Mỹ) phân tích rằng Kiev chính là thông qua cách này để kéo Mỹ lún sâu hơn vào chiến tranh Ukraine, như thế sẽ đem lại lợi ích cho chính quyền ở Kiev.

Tờ The Times dẫn lời Adam Smith, một quan chức nội vụ Mỹ, cảnh báo rằng cách làm của Kiev là “vượt quá giới hạn, và sẽ khiến chúng ta phải tham gia vào cuộc chiến.”

Theo tờ The Times, thì kỳ thực phương Tây là bị nghi oan. Phương Tây không biết về các hoạt động đó. Tình báo của Ukraine không “minh bạch” (transparent) các kế hoạch của mình. Kiev cũng không nguyện ý và sẵn sàng trả lời các đồng nghiệp phương Tây!

Sự thiếu minh bạch của tình báo Ukraine, không những khiến phương Tây khó chịu, mà còn đôi lúc gây tranh cãi trong chính nội bộ của phương Tây. Tờ báo cho rằng có những lúc người của phương Tây có các ý kiến đúng-hay-sai khác nhau về cùng một việc mà Ukraine làm, đặc biệt là về một số hoạt động chuyên môn của SBU và GUR làm ra.

Ukraine cũng khó chịu với phương Tây

Đương nhiên, như tờ báo viết, thì vấn đề này trong con mắt quan chức Ukraine và trong cái nhìn của tình báo Ukraine thì là một bức tranh khác hẳn.

“Các quốc gia đang tiêu diệt kẻ thù của họ ở phía bên kia thế giới bằng UAV đều khó có thể phàn nàn về cách làm của chúng tôi,” một sỹ quan tình báo đã nghỉ hưu của Ukraine càu nhàu, và cho rằng Ukraine có quyền bất chấp tất cả để làm những gì họ cần, vì đây là chiến tranh.

“Đây là cuộc chiến sống còn của Ukraine,” ông ta lập luận. “Các đồng minh của Ukraine không nên trói tay trói chân chúng tôi.”

Hiện nay, khi chiến dịch phản công đi vào “bế tắc” hoặc nói cách khác là đã thất bại, thì ngoài phiên bản giải thích được lưu hành ở phương Tây là do quân Kiev chiến đấu không tốt lắm, thì còn một phiên bản. Đó là suốt thời gian qua, phương Tây cố ý chỉ cung cấp vũ khí đủ cho Kiev đánh Nga, nhưng không đủ cho Kiev thắng Nga. Tức là, Mỹ và phương Tây rắp tâm lợi dụng tối đa máu của người Ukraine cho mục tiêu chống Nga mà thôi.

Tờ báo khẳng định rằng phiên bản lý giải cuộc chiến theo cách đó cũng lưu hành ở giới chức Kiev, làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa cơ cấu tình báo của Ukraine và của phương Tây, tạo ra cho quan chức Ukraine cảm giác “bị đâm sau lưng” bởi đồng minh phương Tây.

Thời gian gần đây, như báo chí phương Tây đưa tin, đã xuất hiện một số cuộc nói chuyện mà phía phương Tây gợi ý về một giải pháp hòa đàm với Nga.

Đây là trong tình huống Quốc hội Mỹ đang có những tranh luận bế tắc về việc tiếp tục viện trợ cho Ukraine. Bộ Quốc phòng Mỹ báo cáo, hiện nay ngân sách dành viện trợ cho Ukraine chỉ còn 1 tỷ đô la; và với tốc độ tiêu cả trên 40 tỷ viện trợ quân sự trong thời gian 1 năm rưỡi ở Ukraine, thì 1 tỷ này rất nhanh sẽ dùng hết.

Đồng thời, phía EU cũng đang đối mặt với các tiếng nói phản đối từ một số quốc gia thành viên, như Hungary và Slovakia, chặn việc duyệt ngân quỹ viện trợ cho Ukraine.

Theo tờ The Times, một điểm nữa cũng khiến hai phía không hài lòng, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách của phương Tây, đó là quan chức Kiev đã phản ứng cương cứng và thiếu hợp tác khi các đồng minh phương Tây gợi ý rằng Kiev nên chăng hãy thay đổi một chút cho phù hợp với thời cuộc hiện nay.

“Bất kỳ thay đổi nào cũng sẽ phải mất nhiều tháng mới thấy rõ,” tờ báo dẫn lời một quan chức Ukraine, khi bác bỏ gợi ý của phương Tây rằng Kiev nên thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế. “Dù sao đi nữa, những gì đang xảy ra ở Washington là không liên quan tới chúng tôi. Mọi thứ đó là liên quan tới chính trị Mỹ.”

Theo quan chức này, thì phương Tây phàn nàn vậy thôi, chứ sẽ không ảnh hưởng tới hợp tác và cũng không dẫn tới cắt giảm về hoạt động hợp tác tình báo.

Tờ báo The Times bình luận rằng có thể người Ukraine nói đúng ở một góc độ, rằng hợp tác là vẫn sẽ diễn ra, mặc kệ tình hình diễn biến như thế nào. Dù sao thì mục tiêu là nước Nga vẫn còn đó.

Ví như theo cách nói của một nhà phân tích của Chính phủ Anh rằng tình báo là “một phần vô hình nhưng rất to lớn và rất quan trọng trong chiến tranh.”

Như tờ báo phân tích, phương Tây đang hưởng lợi trong việc có được các cơ quan tình báo như SBU và GUR hợp tác chặt chẽ, vì đây là các chân rết thu thập thông tin, có thể luồn sâu vào trong lãnh thổ Nga.

Nghĩa là, bất kể chiến tranh sẽ diễn ra thế nào, thậm chí là đàm phán hòa bình sẽ diễn ra trong tương lai gần, thì hoạt động hợp tác về tình báo giữa Ukraine và phương Tây vẫn sẽ tiếp tục và phát triển.

Tờ báo cũng bình luận rằng tuy Ukraine không chia sẻ một cách minh bạch mọi thứ với phương Tây, và điều đó làm phương Tây khó chịu vì chính phương Tây đã dày công đầu tư vào Ukraine như vậy, nhưng mà, cuối cùng thì phương Tây cũng chấp nhận điều đó.

Không ai sẽ mãi mãi chia sẻ mọi thứ với bạn. Cuộc đời này chính là như vậy. Hợp tác tình báo với Ukraine dù sao thì cũng vẫn là có lợi cho phương Tây. Vậy là được rồi.

“Chúng tôi không có bất kỳ bí mật nào đối với CIA,” Tổng thống Zelensky hùng hồn tuyên bố vào tháng 7 vừa qua, tờ báo trích dẫn mang tính tham khảo.

Triệu chứng biểu hiện của sự mệt mỏi

Ngoài chủ đề chính về các hoạt động tình báo, thì bài báo trên The Times cũng nói thoáng qua một chút về chủ đề khác: Những biểu hiện cho thấy sự căng thẳng về tinh thần.

Ví dụ, việc quan chức Ukraine cảm thấy khó chịu khi quan chức phương Tây tỏ ra hiểu biết nhiều hơn Ukraine về cách tiến hành chiến tranh bằng xe tăng hay về tri thức tình báo.

“Cũng giống như chính chúng tôi mới biết được phải dạy cho binh lính NATO cách dùng xe tăng trong chiến tranh như thế nào,” một sỹ quan tình báo về hưu tuyên bố, trong bối cảnh phương Tây cho rằng quân Ukraine dùng xe tăng kém quá nên mới hao phí xe như vậy trên chiến trường. Dù sao thì dòng xe “báo đốm” Leopard cũng từng theo NATO chinh chiến khá nhiều chiến trường trên thế giới rồi. “Rất nhanh các vị sẽ nhận ra rằng [người Ụkraine] chúng tôi sẽ có nhiều điều bí mật chiến tranh về người Nga để dạy cho các vị giống như từng dạy cho các vị về chiến tranh xe tăng.”

Một minh chứng nữa, là vụ gần đây bà Thủ tướng Ý, Giorgia Meloni, đã bị chơi khăm. Có 2 người Nga —biệt danh là Vovan và Lexus— gọi điện tới và đóng giả là quan chức của Liên Minh Châu Phi. Sau đó 2 người này đã đăng đoạn hội thoại này lên mạng Internet.

Trong đó bà Meloni thừa nhận về tình hình chiến tranh Ukraine rằng “Tôi thấy có rất nhiều sự mệt mỏi —nếu phải nói sự thật— thì chúng đến từ mọi phía. Chúng ta đang ở gần thời điểm mà mọi người đều hiểu rằng chúng ta cần một lối thoát.”

Theo bà, “Vấn đề là tìm ra lối thoát mà có thể được chấp nhận bởi cả hai mà không phá hủy luật pháp quốc tế”.

Francesco Talo, trợ lý của bà Meloni, đã từ chức sau khi đứng ra nhận lỗi về vụ bà thủ tướng bị chơi khăm.

Một dẫn chứng nữa mà tờ báo đưa ra là đích thân ông Valerie Zaluzhny, Tổng tư lệnh Quân đội Ukraine, cũng nói về tình trạng “trì trệ” của chiến dịch phản công.

Cuối cùng, tờ The Times, giới thiệu rằng tác giả của bài báo, Giáo sư Mark Galeotti, là tác giả của hơn 20 cuốn sách về nước Nga.

Nhật Tân