Sau khi Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy bị truất phế do một cuộc bỏ phiếu lịch sử hôm 3/10, một trong những đồng minh thân cận nhất của ông, Dân biểu Patrick T. McHenry của tiểu bang Bắc Carolina đã bước lên bục danh dự và cầm chiếc búa quyền lực để trở thành chủ tịch tạm quyền. Vậy quyền chủ tịch McHenry có quyền hạn thế nào?

Patrick-McHenry
Dân biểu Patrick McHenry trong một buổi họp của Hạ viện vào ngày 19 tháng 3 năm 2019. (Nguồn ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)

Ông McHenry bây giờ là chủ tịch tạm quyền (pro tempore). Pro tempore là một từ Latin có nghĩa là “trong một khoảng thời gian”. Dân biểu đại diện cho tiểu bang Bắc Carolina sẽ ở vào vị thế chưa từng có trong lịch sử Mỹ. Cuộc bỏ phiếu hôm 3/10 phế truất Chủ tịch McCarthy là lần đầu tiên trong lịch sử Hạ viện sa thải một vị chủ tịch.

Khoảnh khắc hôm 3/10 cũng là lần đầu tiên một quy tắc được ban hành sau vụ khủng bố 11/9/2001 chính thức được thực thi tại Hạ viện. Quy tắc này yêu cầu mỗi vị chủ tịch phải nộp một danh sách nhân sự bí mật mà có thể bước ra trở thành chủ tịch Hạ viện tạm quyền trong một sự kiện thảm họa hoặc một sự kiện nào đó khác mà khiến vị chủ tịch đương nhiệm không thể tiếp tục cầm quyền.

Trong danh sách các nhân sự kế nhiệm tạm thời của Chủ tịch McCarthy, cái tên xuất hiện đầu tiên là ông McHenry. Theo quy tắc của Hạ viện, ông McHenry “sẽ làm chủ tịch tạm thời cho đến khi bầu được chủ tịch chính thức hoặc một chủ tịch tạm quyền khác” và chịu trách nhiệm giám sát tiến trình bầu ra vị lãnh đạo thay thế này.

Các quy tắc đó của Hạ viện không chỉ rõ Hạ viện phải tiến hành việc bầu chủ tịch mới nhanh chậm thế nào.

Quyền chủ tịch McHenry cho biết ông dự kiến sẽ tổ chức diễn đàn ứng cử chủ tịch Hạ viện vào thứ Ba tuần tới (10/10), đúng tròn một tuần sau khi ông McCarthy bị phế truất. Điều này có nghĩa là một vị chủ tịch mới sẽ chưa được bầu ra ít nhất là cho đến ngày 10/10.

Trong thời gian chờ có chủ tịch mới chính thức, những hoạt động khác tại Hạ viện, gồm cả công việc lập pháp có lẽ sẽ phải tạm dừng. Các quan chức Hạ viện tin rằng vị chủ tịch tạm quyền chỉ có thể dùng búa quyền lực để điều hành buổi bỏ phiếu bầu chủ tịch mới.

Tuy nhiên, những người khác lập luận rằng với tư cách chủ tịch tạm quyền, ông McHenry có thể thực hành các quyền hạn vượt trên giám sát một cuộc chạy đua ghế chủ tịch, miễn là đa số dân biểu tại Hạ viện chấp nhận điều đó.

Ông Josh C. Huder, chuyên gia cao cấp tại Viện Các vấn đề Chính phủ của Đại học Georgetown nói với The New York Times: “Nếu nhìn từ góc độ quy tắc Hạ viện, thì Chủ tịch McHenry có các quyền của chủ tịch, và ông ta sẽ tiếp tục thực thi các quyền đó tới mức độ mà đảng chiếm đa số sẵn lòng chấp nhận. Nếu ông ta làm điều gì đó quá lố và quá táo bạo, thì họ sẽ kiềm chế ông ta. Và đó thực sự là thứ duy nhất sẽ chi phối thẩm quyền của ông ấy”.

Các quy tắc của Hạ viện rõ ràng không cấm một vị chủ tịch tạm quyền thực thi quyền lực của một vị chủ tịch được bầu.

Hiện cũng không rõ liệu Quyền chủ tịch Hạ viện McHenry có được xếp ở vị trí thứ hai trong danh sách kế nhiệm tổng thống hay không. Thông thường, vị trí chủ tịch Hạ viện sẽ là người kế nhiệm tổng thống thứ hai sau phó tổng thống. Các chuyên gia nói rằng họ không tin quy tắc kế nhiệm tổng thống đó áp dụng với một vị chủ tịch Hạ viện tạm quyền.

Ông Patrick T. McHenry năm nay 47 tuổi, được bầu vào Hạ viện liên bang năm 2004 và đã từng là nhân vật quyền lực thứ ba của Đảng Cộng hòa tại Hạ viện thời Chủ tịch John A. Boehner.

Ông McHenry được cho là đã đóng vai trò quan trọng trong việc giúp đàm phán thỏa thuận về trần nợ công hồi tháng Năm để tránh vỡ nợ. Ông cũng đã ủng hộ dự luật chi tiêu tạm thời vừa được thông qua hôm 30/9 để giữ chính phủ tiếp tục hoạt động.

Một trong những động thái đáng chú ý nhất của ông McHenry sau khi trở thành chủ tịch Hạ viện tạm quyền là ông đã lệnh cho bà Nancy Pelosi phải rời khỏi “văn phòng ẩn náu” đặc biệt tại Điện Capitol.

Xin vui lòng dọn dẹp vào ngày mai, phòng sẽ được thay khóa”, bức thư gửi bà Pelosi hôm thứ Ba (3/10) của ông McHenry viết, cho hay phòng đó sẽ được “dùng cho chủ tịch [mới được chỉ định] sử dụng”.

Bà Pelosi, đảng viên Đảng Dân chủ từng là chủ tịch Hạ viện trước khi ông McCarthy giữ chức này vào tháng 1/2023. Bà là một trong số ít các nhà lập pháp Mỹ có được “văn phòng ẩn náu” trong Điện Capitol.

Nghị sỹ Mỹ dùng phòng ẩn náu riêng tư này để chuẩn bị bài phát biểu, để họp riêng, để ngủ, hay dùng cho bất kỳ mục đích riêng tư cá nhân nào. Có các loại phòng khác nhau, từ phòng xa hoa rộng rãi ở tầng trên, cho đến phòng nhỏ chật hẹp ở tầng hầm; thường là tùy theo đẳng cấp của nghị sỹ. Phòng này là khác với văn phòng làm việc thông thường của nghị sỹ.

Bà Pelosi gọi hành động của ông McHenry là “sự xa rời truyền thống rõ ràng”. Bà nói: “Với tất cả những quyết định quan trọng mà Ban lãnh đạo mới của Đảng Cộng hòa phải giải quyết, mà tất cả chúng ta đều háo hức chờ đợi, một trong những hành động đầu tiên mà Chủ tịch mới Pro Tempore thực hiện là ra lệnh cho tôi ngay lập tức rời khỏi văn phòng của mình ở Điện Capitol”.

Xuân Thành