Hôm Thứ Hai (28/8), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Kathleen Hicks công bố chương trình mang tên Replicator của Bộ dự kiến sẽ có “hàng ngàn” các thiết bị vũ trang tự trị (autonomous) kiểu như UAV tự hoạt động nhờ các chương trình trí tuệ nhân tạo AI. Được miêu tả như một nỗ lực của Mỹ để đối phó với nguy cơ tiềm ẩn của Trung Quốc, chương trình dự kiến tập trung vào vũ khí tự trị “nhỏ, thông minh, rẻ, và nhiều”, mà trong đó phản ánh các kinh nghiệm được rút tỉa từ chiến trường Ukraine.

Kathleen Holland Hicks
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Kathleen Holland Hicks 2023. (Nguồn ảnh: Wikipedia)

Được Politico miêu tả như một chương trình “đầy tham vọng”, Replicator sẽ do bà Hicks dẫn đầu, người miêu tả việc này như một vụ “đặt cược” của Bộ Quốc phòng vào đầu tư công nghệ mới có tính cải tổ mạnh mẽ đường lối vũ trang.

“Ngành công nghiệp đã sẵn sàng. Cuộc chơi cũng sẵn sàng thay đổi phong cách. Chúng ta phải thúc đẩy điều đó từ trên xuống và chúng ta cần đặt cho nó một mục tiêu cứng rắn,”  bà Hicks nói. “Nghịch lý lớn của sự đổi mới quân sự là bạn sẽ phải đặt cược lớn, và bạn phải thực hiện những lần đặt cược đó.”

Tuy không nói rõ cụ thể về vũ khí đó là gì, nhưng bà cho biết Chính phủ Mỹ sẽ mua sắm từ các nhà thầu quân sự hàng ngàn các hệ thống tự trị (autonomous) trong vòng 18 đến 24 tháng tới.

Theo New York Times, Lầu Năm Góc dự kiến đầu tư vào các loại vũ khí tự trị cả ở môi trường trên không (như UAV), trên bộ, và trên biển hay sông hồ (như USV), những loại vũ khí ít tốn kém hơn, dễ chế tạo lượng lớn hơn, dễ sử dụng để triển khai rộng hơn, và có thể chế tạo nhanh chóng để có thể duy trì trong các cuộc chiến dai dẳng.

Đây là rút tỉa từ kinh nghiệm trong chiến tranh Ukraine 18 tháng qua khi Mỹ và các đồng minh NATO đưa vào chiến trường Ukraine các xe tăng đắt tiền, để rồi bị thiệt hại nặng nề khi Nga đáp trả bằng các UAV rẻ tiền như Lancet, dùng như các UAV tự sát, ‘đổi mạng’ với xe tăng và thiết giáp.

Hệ thống phòng không đắt tiền của Mỹ và đồng NATO cũng tỏ ra bất lực, khi chi phí của tên lửa phòng không đắt hơn nhiều so với UAV của Nga. Hơn nữa, thời gian để sản xuất và triển khai ra chúng cao hơn nhiều thời gian sản xuất và triển khai so với UAV của Nga.

Mỹ giải thích cho cuộc chạy đua vũ trang của chương trình Replicator ấy là nó còn có một mục tiêu nữa, đó là để đối phó với nguy cơ ngày càng tăng từ phía Trung Quốc, quốc gia mà theo Mỹ miêu tả là đang đe dọa xâm lược Đài Loan dẫn tới đụng độ quân sự đối đầu với Mỹ. Mà Trung Quốc có thể có tiềm năng sản xuất vũ khí theo phong cách nhanh-nhiều-rẻ hơn cả Nga.

“Chúng ta sẽ chống lại lực lượng đông đảo của PLA [Quân đội Trung Quốc] bằng lực lượng của chính mình,” bà nói trong bài phát biểu hôm 28/8 của mình, và thừa nhận rằng đây là một nhiệm vụ có tính thử thách cao.

“Tiền không phải là vấn đề lớn,” bà Hicks nói. “Mà [làm thế nào có thể] bắt đầu sản xuất và vận hành ở quy mô lớn mới là điều quan trọng.”

New York Times chỉ ra rằng Lầu Năm Góc đã liên tục có những nỗ lực về công nghệ quân sự từ năm 2015 cho đến nay.

Tờ báo dẫn lời bình luận của Blake Resnick, giám đốc điều hành của Brinc Drone, rằng con số “hàng ngàn” vũ khí của chương trình dường như quá nhỏ. Theo một ước tính hồi tháng 5/2023, quân Ukraine đang mất đi 10.000 UAV hàng tháng trong cuộc chiến tranh tiêu hao với Nga.

Trong công bố của bà Hicks Bộ Quốc phòng, theo New York Times đưa tin, chưa nói rõ cụ thể về thiết bị vũ khí là gì, và cũng không nói rõ về nguồn kinh phí cho chương trình này là sẽ lấy từ khoản ngân sách nhà nước nào.

Như Trí thức VN đã đưa tin, đã có những phỏng đoán về phát triển AI và vũ khí tự trị sẽ thúc đẩy chạy đua vũ trang, đẩy công nghệ sát nhân sang một đẳng cấp mới.