Newshman – quan chức quan trọng một thời của Nhà Trắng – gần đây đã có bài viết cho rằng để gây ảnh hưởng hiệu quả nhất đối với giới lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Mỹ phải nhắm vào “điểm yếu nhất” của họ: Vạch trần khối tài sản khổng lồ không rõ nguồn gốc của các lãnh đạo cấp cao nòng cốt.

Grant Newsham
Chuyên gia an ninh Mỹ Grant Newsham – đại tá Thủy quân lục chiến đã nghỉ hưu. (Nguồn: NTD)

Kêu gọi của chuyên gia Mỹ

Ngày 3/8, chuyên gia an ninh Mỹ Grant Newsham (đại tá Thủy quân lục chiến đã nghỉ hưu) đã công bố bài đăng trên Fox News cho hay, cuối cùng Mỹ đã nhận ra mối đe dọa do ĐCSTQ gây ra và đang cố gắng thực hiện một số hành động.

Bài viết chỉ ra Washington đang tăng cường khả năng phòng thủ, xây dựng lại Hải quân Mỹ, phát triển vũ khí siêu thanh và cải thiện hệ thống phòng thủ tên lửa, bổ sung kho đạn dược và tên lửa, phát triển các căn cứ và tổ chức mới ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm cả các đồng minh và đối tác.

Hiện nay Mỹ đã đẩy mạnh hạn chế xuất khẩu cho Trung Quốc các công nghệ quan trọng dùng trong quân sự và dân sự, vì những công nghệ này có thể được ĐCSTQ sử dụng cho mục đích quân sự chống lại Mỹ. Mỹ cũng đang cố gắng loại bỏ những phụ thuộc nguy hiểm vào Trung Quốc như dược phẩm, đất hiếm và các khoáng sản chiến lược khác.

Quốc hội và Chính phủ Mỹ vẫn đang thảo luận thêm về các hạn chế đối với đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc, các biện pháp kiểm soát kinh tế này là hướng đi cần thiết để kiềm chế ĐCSTQ.

Tuy nhiên, chuyên gia Newshman cho rằng còn một “lá bài” hiệu quả khác mà Mỹ đã bỏ qua: Gây áp lực cá nhân lên ông Tập Cận Bình và những lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ liên quan đến nguồn tài sản bất minh của họ. Ông cho rằng chỉ khi nào sinh mạng, của cải, hạnh phúc của nhóm người này bị đe dọa thì họ mới có khả năng thay đổi hành vi.

Ông chỉ ra điểm yếu lớn nhất của họ chính là nguồn tài sản khổng lồ họ sở hữu không rõ nguồn gốc, việc phanh phui số tài sản khổng lồ đó có thể làm suy yếu nghiêm trọng trên diện rộng vị thế và uy tín của ĐCSTQ trong xã hội Trung Quốc.

Năm 2013 khi ông Tập lên nắm quyền đã thúc đẩy trấn áp quan chức tham nhũng, vì hiểu mối nguy hiểm cho chế độ từ vấn nạn tham nhũng. Dù vậy cách trấn áp của Tập Cận Bình là nhằm vào các đối thủ của ông ta. Do đó, các cấp cao nhất của ĐCSTQ, đặc biệt là Tập Cận Bình và những thân tín của ông ta vẫn có thể bị tấn công vì khối tài sản khổng lồ không rõ nguồn gốc của họ, đặc biệt là số tiền mặt, bất động sản, doanh nghiệp… của họ ở nước ngoài.

Công dân Trung Quốc bình thường một năm chỉ được nhận và chuyển ngoại tệ tương đương 50.000 USD, như vậy có thể lập luận các căn hộ ở New York và Los Angeles mà quan chức ĐCSTQ sở hữu là những nguồn tài sản bất hợp pháp.

Vì vậy, cách để gây áp lực cho ông Tập và thế lực quan chức cấp cao thuộc phe ông ta trong ĐCSTQ là đưa họ vào thế “phải giải trình” nguồn gốc khối tài sản khủng của họ (phần lớn đã được chuyển ra nước ngoài, trớ trêu là khối tài sản đó lại nằm ngoài tầm kiểm soát của chính ĐCSTQ).

Bài viết cho biết, khoảng năm 2012 các phóng viên của New York TimesBloomberg đã phanh phui được nhiều chi tiết về khối tài sản của các lãnh đạo cấp cao ĐCSTQ, bao gồm khối tài sản của gia đình ông Tập Cận Bình, khiến họ rất tức giận nhưng cũng rất lo sợ. Họ gây áp lực lên New York Times Bloomberg khiến Bloomberg phải thỏa hiệp hoàn toàn, còn New York Times thỏa hiệp ở mức độ thấp hơn, nhưng sau này cả hai tờ báo lớn đã không còn muốn chạm vào đề tài này.

Sau đó vài năm thì các quan chức ĐCSTQ một lần nữa phải làm mọi cách để áp chế báo cáo “Hồ sơ Panama”, trong đó có bằng chứng cho thấy nhiều quan chức cấp cao Trung Quốc có liên quan đến các công ty bí mật ở nước ngoài.

Bài viết cho rằng nếu truyền thông Mỹ và một số ít nhà báo điều tra có thể làm được điều này (ít nhất một lần), thì cộng đồng tình báo Mỹ và Bộ Tài chính chắc chắn có nhiều khả năng hơn để làm được như vậy.

Cuối cùng, chuyên gia Newshman cho rằng chính giới Mỹ đã phớt lờ điểm nhạy cảm này, trong khi ĐCSTQ đang không ngừng lớn mạnh hơn, giờ là lúc Quốc hội Mỹ nên nhắm vào điểm yếu nhất này để gây áp lực lên cá nhân lên Tập Cận Bình và các thân tín.

Chuyện ai cũng biết nhưng vẫn xem là bí mật

shutterstock 1722557671
Logo của Ngân hàng UBS tại trung tâm thành phố Zürich, Thụy Sĩ. (Ảnh: DreamerAchieverNoraTarvus / Shutterstock)

Một năm trước có bài báo thu hút chú ý của công luận tựa 100 người Trung Quốc gửi 7800 tỷ nhân dân tệ vào ngân hàng Thụy Sĩ? Họ là ai?”. Sau đó có bài viết đã lên tiếng “bác bỏ tin đồn” và “đính chính” số liệu, nhưng bài viết đã làm dấy lên những cuộc thảo luận sôi nổi và nghi ngờ của cư dân mạng về tài sản ở nước ngoài của giới quyền quý  ĐCSTQ.

Ngày 3/8/2022, cựu Viện trưởng Viện Khoa học Tài chính của Bộ Tài chính Trung Quốc là Jia Kang đã đăng lại một bài viết trên Weibo, nói rằng theo tin tức do Ngân hàng Thụy Sĩ công bố cho thấy 100 người Trung Quốc sở hữu khoản tiền gửi tổng cộng 7800 tỷ nhân dân tệ tại Ngân hàng Thụy Sĩ. Theo số liệu trên, số tiền tiết kiệm trung bình tại Ngân hàng Thụy Sĩ của mỗi người giàu Trung Quốc này là 78 ​​tỷ nhân dân tệ (10,8 tỷ USD).

Một số cư dân mạng chỉ ra: “Những người giàu nhất Trung Quốc không phải là doanh nhân”, “Những người giàu hàng đầu Trung Quốc không phải là doanh nhân như Jack Ma và Vương Kiến Lâm, cũng không phải những minh tinh giải trí. Không dám nói họ là ai, vì sợ bị bỏ tù”…

Ở Trung Quốc, mặc dù không phải chuyện bí mật trong vấn đề giới quyền quý chức sắc ĐCSTQ cất giấu khối tài sản khổng lồ ở các trung tâm tài chính nước ngoài như Ngân hàng Thụy Sĩ, nhưng số tài sản cụ thể ở nước ngoài của họ vẫn là bí mật hàng đầu của ĐCSTQ.

Theo dữ liệu do Ngân hàng Thụy Sĩ công bố năm 2019, tiền gửi của người Trung Quốc tại Ngân hàng Thụy Sĩ có tổng trị giá hơn 1000 tỷ USD; vài năm trước, WikiLeaks đã tiết lộ rằng các quan chức cấp cao của ĐCSTQ có khoảng 5.000 tài khoản tại các ngân hàng Thụy Sĩ, trong số đó 70% là cán bộ cấp trung ương.

Năm 2019 một doanh nhân giàu có Trung Quốc chạy qua Mỹ là Quách Văn Quý (Guo Wengui) đã tung tin rằng, cháu trai Giang Chí Thành (Jiang Zhicheng) của ông Giang Trạch Dân (đã chết) có tài sản ít nhất 500 tỷ USD, gia đình Giang Trạch Dân kiểm soát khối tài sản ở nước ngoài ít nhất 1000 tỷ USD.

Tháng 8/2021 nhà công nghiệp Hồng Kông Viên Cung Di (Yuen Gong-yi) đã tiết lộ, ước tính tối thiểu thì tổng số tài sản ở nước ngoài của các quan chức cấp cao ĐCSTQ cũng khoảng 10.000 tỷ USD.