Trong một báo cáo công bố hôm thứ Hai (25/3) có tiêu đề “Giải phẫu nạn diệt chủng” (Anatomy of a Genocide), báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về vùng lãnh thổ của Palestine, bà Francesca Albanese cho biết có “cơ sở hợp lý” để nhận định rằng Israel trong cuộc chiến ở Gaza đã “có hành vi tội ác diệt chủng”. Israel cáo buộc báo cáo này là một phần của “chiến dịch nhằm phá hoại việc thành lập một nhà nước Do Thái”.

Embed from Getty Images

Tại Geneva – Thụy Sĩ ngày 26/3, Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về nhân quyền tại các vùng lãnh thổ Palestine, bà Francesca Albanese đã tham dự một sự kiện bên lề của Hội đồng Nhân quyền LHQ. Bà nói trong báo cáo công bố hôm thứ Hai rằng có “cơ sở hợp lý” để nhận định Israel đã thực hiện “hành động diệt chủng” trong cuộc chiến ở Gaza (REUTERS – Denis Balibouse).

Báo cáo viên Albanese – người được Hội đồng Nhân quyền LHQ ủy nhiệm nhưng không đồng nghĩa đại diện cho LHQ – đã trình bày báo cáo trước LHQ tại Geneva vào thứ Ba (26/3). Theo AFP, nhiều nước lên tiếng ủng hộ báo cáo của chuyên gia LHQ, trong đó cho rằng “có cơ sở chính đáng” để tin rằng Israel đã phạm tội “diệt chủng” trong cuộc chiến ở Gaza. Báo cáo cũng đề cập đến vấn đề “thanh trừng sắc tộc”.

Báo cáo cho biết: “Bản chất và quy mô mang tính áp đảo trong cuộc tấn công của Israel vào Gaza cũng như điều kiện sống tàn khốc mà nó gây ra cho thấy: ý định của Israel xem người Palestine như một nhóm người cần tiêu diệt”.

Trong kết luận của mình, bà Albanese đã liệt kê ba loại tội diệt chủng: “Giết hại nhắm vào thành viên trong nhóm [người Palestine]; gây tổn hại nghiêm trọng về thể chất hoặc tinh thần cho các thành viên trong nhóm; và việc cố tình buộc nhóm phải chịu những điều kiện sống nhằm mục đích tiêu diệt toàn bộ hoặc một phần cuộc sống của họ”. Các tội trạng đó tương ứng với 3/5 hành vi diệt chủng được liệt kê trong “Công ước về Ngăn ngừa và Trừng phạt tội ác diệt chủng” (Convention on the Prevention and Punishment of the Crime of Genocide).

Đại diện nhiều nước tán đồng báo cáo

AFP đưa tin rằng hàng chục nhà ngoại giao (chủ yếu đến từ các nước Ả Rập và Hồi giáo, nhưng cũng có từ Mỹ Latin) đã lên tiếng bảo vệ báo cáo của chuyên gia LHQ.

Israel và Mỹ không tham gia vào các cuộc thảo luận.

Đại diện của Pakistan thay mặt cho các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) cho biết: “Chúng tôi ca ngợi lòng dũng cảm của báo cáo viên, báo cáo đã ghi lại ý định thực sự đằng sau hành động của Israel xâm lược ở Gaza không ngừng leo thang dẫn đến tội diệt chủng”.

Đại diện của Ai Cập nhấn mạnh rằng nhóm nước Ả Rập “biết ơn” bà Albanese vì báo cáo của bà, “bà nhắc lại trong đó rằng thế lực chiếm đóng đã phạm tội diệt chủng đối với người dân Palestine”.

Đại diện của Qatar thay mặt Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh nói thêm: “Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của Báo cáo viên đặc biệt trong việc ghi lại những tội ác và vi phạm do sự chiếm đóng của Israel gây ra. Chúng tôi lên án mọi nỗ lực cản trở công việc của bà ấy và chúng tôi kêu gọi bà ấy tiếp tục sứ mệnh”.

Đại diện Nga cho biết đã “nghiên cứu báo cáo cẩn thận” và kêu gọi báo cáo viên “tiếp tục nỗ lực”.

Đối với Trung Quốc, mặc dù thường phản đối việc LHQ ủy quyền cho các chuyên gia độc lập điều tra một số nước, nhưng nước này cũng nói rằng họ “lưu ý đến điều đó [báo cáo của báo cáo viên đặc biệt]”.

Đại diện Liên minh châu Âu cho biết: “Chúng tôi ghi nhận báo cáo của Báo cáo viên đặc biệt. Đối với mọi cáo buộc, EU nhấn mạnh tầm quan trọng của các cuộc điều tra độc lập và đúng đắn”.

Trong báo cáo, bà Albanese nhắc lại những cáo buộc chống lại Israel, cũng nhắc lại lời kêu gọi trừng phạt kinh tế và cấm vận vũ khí đối với Israel.

Israel phản hồi cho biết họ bác bỏ báo cáo này, nói rằng đây là một phần của “chiến dịch nhằm phá hoại việc thành lập một nhà nước Do Thái”. Mỹ cũng tuyên bố: “Không có lý do gì để tin rằng Israel đã phạm tội diệt chủng ở Gaza”.

Cuộc chiến giữa Israel và Hamas diễn ra sau cuộc tấn công khủng bố chưa từng có của Hamas ở miền nam Israel vào ngày 7/10/2023.