Cuba và Trung Quốc đã ký một kế hoạch hợp tác để thúc đẩy các dự án xây dựng trong khuôn khổ chương trình cơ sở hạ tầng Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) ở nước ngoài của Bắc Kinh. Đây là một sáng kiến gây nhiều tranh cãi vì đã khiến không ít quốc gia tham gia phải chịu gánh nặng nợ nần.

Embed from Getty Images

Tàu Hải quân Trung Quốc Type 054A (mã hiệu NATO: Jiankai II) khinh hạm 548 Yiyang (R) neo đậu tại cảng Havana vào ngày 10/11/2015 (Ảnh minh họa: Getty Images)

Đại sứ quán Trung Quốc tại Cuba đã công bố thỏa thuận trên trang web của họ hôm 26/12, thông báo rằng thỏa thuận đã được ký hai ngày trước đó bởi ông He Lifeng, người đứng đầu cơ quan kế hoạch kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, cùng Phó Thủ tướng Cuba là ông Ricardo Cabrisas.

Thỏa thuận này thực hiện một biên bản ghi nhớ mà hai quốc gia đã ký vào năm 2018, khi Cuba đồng ý trở thành một quốc gia tham gia BRI.

Hãng tin Agencia Cubana de Noticias cho hay, theo thỏa thuận, hai quốc gia sẽ hợp tác với nhau trong các dự án tại một số lĩnh vực chính, bao gồm truyền thông, giáo dục, y tế và công nghệ sinh học, khoa học và công nghệ và du lịch.

Đại sứ quán Trung Quốc cho hay, họ đã đề xuất thời gian biểu và lộ trình để thực hiện các dự án, nhưng không tiết lộ chi tiết.

Trung Quốc bắt đầu sáng kiến BRI vào năm 2013 trong nỗ lực xây dựng mạng lưới thương mại trên bộ và hàng hải lấy Bắc Kinh làm trung tâm, thông qua việc tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng khắp Đông Nam Á, châu Phi, châu Âu và châu Mỹ Latinh. Những năm gần đây, các nhà phê bình đã lên án Bắc Kinh sử dụng chiến thuật “ngoại giao bẫy nợ” để thu hút các quốc gia tham gia vào sáng kiến ​​của mình.

Nhiều quốc gia đã phải từ bỏ chủ quyền sử dụng cơ sở hạ tầng của mình sau khi không trả được nợ cho Trung Quốc. Ví dụ, China Merchants Port Holdings hiện đang điều hành Cảng Hambantota của Sri Lanka theo hợp đồng thuê 99 năm, sau khi quốc gia Nam Á này chuyển các khoản nợ 1,4 tỷ USD thành vốn chủ sở hữu vào năm 2017. Việc chiếm giữ cảng đã cho phép Bắc Kinh có được chỗ đứng quan trọng ở Ấn Độ Dương.

Chính quyền Trung Quốc cũng tìm cách hợp tác với các quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên – chẳng hạn như các nước đã tham gia BRI tại châu Phi là Ghana và Zambia – hòng tiếp cận những nguyên liệu thô này để thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc.

Dường như như Trung Quốc hiện đang ‘để mắt’ đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Cuba. Một nhà nghiên cứu Trung Quốc đã nói với Global Times hôm 26/12 rằng, thỏa thuận BRI rất tốt đẹp, bởi Trung Quốc và Cuba “có sự bổ sung mạnh mẽ về kinh tế”.

Nhà nghiên cứu này nhận định, “Cuba giàu tài nguyên khoáng sản và dầu mỏ, và là nguồn cung cấp quặng niken chính cho Trung Quốc.” Cuba sở hữu một trong những mỏ niken lớn nhất thế giới.

Trên thực tế, Trung Quốc là đối tác năng lượng quan trọng của Cuba. Các công ty Trung Quốc đã cung cấp tuabin gió cho các trang trại gió của Cuba và giám sát việc xây dựng nhà máy điện sinh khối đầu tiên của Cuba tại Ciro Redondo.

Tổ chức American Security Project có trụ sở tại Hoa Kỳ, trong một bài báo được xuất bản hồi tháng 3, đã cảnh báo về sự phụ thuộc năng lượng của Cuba vào Trung Quốc.

Ngoài ra, lực lượng bán quân sự Trung Quốc cũng hỗ trợ đào tạo “chống khủng bố” cho lực lượng quân đội và cảnh sát Cuba, sau đó lực lượng này chịu trách nhiệm trấn áp những người biểu tình chống chính phủ.

Điều đáng quan ngại là tham vọng của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở Cuba. Trong phiên điều trần tại Thượng viện hồi tháng 3, ông Craig Faller, một đô đốc đã nghỉ hưu và là cựu tư lệnh Bộ Chỉ huy Miền Nam Hoa Kỳ, đã cảnh báo, Bắc Kinh tìm cách “thiết lập cơ sở hạ tầng hậu cần và căn cứ toàn cầu ở bán cầu của chúng ta, để tạo dựng ​​và duy trì sức mạnh quân sự [của họ] ở khoảng cách lớn hơn”.

Ông Faller nói với các nhà lập pháp tại phiên điều trần, Trung Quốc đang muốn “gây áp lực toàn diện” để đạt được tham vọng của mình. Ông nhấn mạnh: “Tôi coi bán cầu này như là tiền tuyến của sự cạnh tranh. Ảnh hưởng của chúng ta [ở bán cầu này] đang bị xói mòn.… Nhưng điều quan trọng là chúng ta vẫn đang tham gia vào đó.”

Trong một cuộc họp báo sau phiên điều trần, ông Faller mô tả ảnh hưởng của chế độ Trung Quốc là “ngấm ngầm”, “ăn mòn” và “tham nhũng”.

Ông tiếp tục: “Một số ví dụ cho điều đó như, họ theo đuổi nhiều thỏa thuận cảng, các khoản vay đòn bẩy chính trị, ngoại giao vắc-xin hòng phá hoại chủ quyền và an ninh mạng của [các quốc gia], còn khai thác các nguồn tài nguyên như đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là đánh bắt IUU).”

Một tháng sau cảnh báo của ông Faller, Dân biểu Dân chủ Stephanie Murphy (tiểu bang Florida) đã đề xuất dự luật yêu cầu một số cơ quan liên bang của Hoa Kỳ, bao gồm Bộ Ngoại giao, cùng gửi một báo cáo cho Quốc hội. Báo cáo sẽ đánh giá ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe.

Một trong những vấn đề mà báo cáo sẽ xem xét là mối quan hệ của Trung Quốc với Cuba và Venezuela. Một vấn đề khác là nỗ lực của Trung Quốc trong việc khai thác tài nguyên thiên nhiên trong khu vực.

“Điều quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ là phải hiểu những gì Trung Quốc đang làm trong khu vực, và xây dựng chiến lược hiệu quả nhằm chống lại hành vi hung hăng của Trung Quốc, đồng thời buộc Đảng Cộng sản Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về các hành động của mình,” dân biểu Murphy khẳng định.

Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: