Thủ tướng Ấn Độ Modi có chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ từ ngày 21 – 24/6. Tổng thống Biden trải thảm đỏ và đón tiếp ông Modi với nghi thức ngoại giao cao nhất, bao gồm một buổi tiếp đón trọng thể và tổ chức tiệc chiêu đãi cấp nhà nước. Trước chuyến thăm, ông Modi ca ngợi mức độ tin cậy lẫn nhau chưa từng có giữa Ấn Độ và Mỹ.

Biden Modi
Tổng thống Mỹ Biden và Đệ nhất phu nhân chào đón nồng nhiệt Thủ tướng Modi tại Nhà Trắng. (Ảnh chụp màn hình video)

Ông Modi đã thực hiện một số chuyến thăm Mỹ kể từ khi trở thành thủ tướng Ấn Độ vào năm 2014, nhưng đây là chuyến thăm chính thức cấp nhà nước đầu tiên của ông. Tại sao ông Biden lại gửi lời mời cấp cao như vậy tới ông Modi? Có phân tích cho rằng lý do là Ấn Độ ngày càng có ý nghĩa chiến lược hơn đối với Mỹ.

Dù giới chức Mỹ cho biết chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ không liên quan gì đến việc đối đầu với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hay gửi thông điệp tới Trung Quốc, nhưng tờ WSJ cho rằng những nỗ lực của chính quyền ông Biden nhằm lôi kéo Ấn Độ trong các vấn đề như quốc phòng và công nghệ, mục tiêu là nhằm vào việc kiềm chế ảnh hưởng kinh tế và quân sự của ĐCSTQ đang ngày càng mạnh. Đây là lý do ông Biden chào đón ông Modi với phép lịch sự ngoại giao cao nhất, đưa Ấn Độ xích lại gần Mỹ.

Ông Modi cũng được mời phát biểu trước Quốc hội Mỹ trong chuyến thăm này, như vậy ông trở thành nhà lãnh đạo thế giới thứ 3 phát biểu hai lần trước Quốc hội Mỹ.

Đối đầu với ĐCSTQ là động lực cơ bản của hợp tác Mỹ-Ấn

Là nước đông dân nhất thế giới và nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, vai trò nổi bật về kinh tế và địa chính trị ngày càng tăng của Ấn Độ khiến nước này trở thành nước mà chính quyền Mỹ không thể bỏ qua. Tuy nhiên, theo tờ Guardian, quan điểm phổ biến từ giới chuyên gia đều rằng tin mục tiêu đối đầu với ĐCSTQ mới là động lực cơ bản thúc đẩy quan hệ Mỹ – Ấn ngày càng sâu sắc.

Quan hệ Mỹ-Trung đang xấu đi, hai đảng trong Quốc hội Mỹ đồng ý rằng Ấn Độ là đối trọng địa chính trị và thậm chí là kinh tế quan trọng đối với sự thống trị của ĐCSTQ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tờ WSJ dẫn lời phó chủ tịch Matt Kroenig của Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết: “Trong nhiệm vụ quan trọng nhất của Mỹ ngày nay là kiềm chế ĐCSTQ, có lẽ Ấn Độ là nước quan trọng nhất”. Ông Kroenig cho biết hợp tác với Ấn Độ có lý do chiến lược quan trọng đối với Mỹ.

Sau khi ông Biden nhậm chức, ông đã tăng cường liên lạc với các nước thành viên của “Đối thoại Tứ giác An ninh” (Quad). Quad bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ, và một trong những mục đích là bao vây ĐCSTQ về mặt địa lý.

Ấn Độ là một đồng minh quan trọng trong câu lạc bộ chống Cộng sản Trung Quốc này. Nhiều thập niên qua, Ấn Độ là nước duy nhất có xung đột công khai với Trung Quốc. Kể từ tháng 6/2020 đã nhiều lần nổ ra xung đột biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ, thậm chí đã có thương vong, khiến quan hệ hai nước không ngừng xấu đi. Báo cáo đánh giá của Cảnh sát Biên giới Ấn Độ về tình hình an ninh tại các khu vực tranh chấp dọc biên giới Ấn Độ-Trung Quốc, cho rằng đi cùng việc ĐCSTQ xây dựng ngày càng nhiều cơ sở hạ tầng quân sự ở đó thì nguy cơ xung đột vũ trang giữa quân đội hai nước tại những khu vực tranh chấp sẽ chỉ tăng lên.

The Guardian dẫn lời giám đốc Milan Vaishnav của Chương trình Nam Á tại Tổ chức Hòa bình Quốc tế Carnegie, cho biết: “Washington hy vọng sẽ thiết lập một khuôn khổ răn đe mở rộng để cố gắng kiềm chế Trung Quốc (ĐCSTQ)… Ấn Độ đã trở thành một phần quan trọng của khuôn khổ này”.

Nhận thấy tiến bộ công nghệ của Ấn Độ tụt hậu so với Trung Quốc, ông Modi rất hoan nghênh thiện ý mới của Mỹ sẵn sàng chia sẻ cho Ấn Độ các nguồn tài nguyên mạng và công nghệ tiên tiến. Chuyến thăm Mỹ của ông Modi sẽ hoàn tất một thỏa thuận mang tính bước ngoặt: cho Công ty General Electric của Mỹ sản xuất động cơ máy bay chiến đấu phản lực ở Ấn Độ, qua đó tạo động lực hơn cho Ấn Độ về lĩnh vực máy bay quân sự. Tờ Guardian cho biết đây sẽ là lần đầu tiên Mỹ và Ấn Độ tiến hành hợp tác kỹ thuật quân sự như vậy, vấn đề gửi một thông điệp rõ ràng tới ĐCSTQ.

Liên minh địa chính trị nhằm kiềm chế ĐCSTQ này khiến cho hợp tác an ninh và quốc phòng giữa Mỹ và Ấn Độ lên đến mức độ chưa từng có. Tại khu vực Himalaya gần biên giới Trung Quốc, chia sẻ thông tin tình báo và các cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Ấn Độ đã gia tăng.

Reuters cho biết, Ấn Độ cũng sẽ có quyền tiếp cận các công nghệ quan trọng của Mỹ mà Mỹ hiếm khi chia sẻ với các nước không phải đồng minh.

Với căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, một quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Biden muốn các công ty Mỹ giảm rủi ro khi kinh doanh tại Trung Quốc, thay vào là hội nhập tốt hơn vào nền kinh tế Ấn Độ. Apple đang dần chuyển sản xuất từ ​​Trung Quốc sang Ấn Độ. Trong chuyến thăm Mỹ của ông Modi, ông cũng sẽ gặp gỡ các giám đốc điều hành doanh nghiệp Mỹ để họ có thể mang lại nhiều đầu tư hơn cho Ấn Độ.

Các quan chức chính quyền ông Biden mô tả chuyến thăm là một thời điểm đột phá giữa Mỹ và Ấn Độ, cũng là cơ hội để Mỹ nắm bắt tiềm năng kinh tế “chưa được khai thác” của Ấn Độ.

Giới chức Mỹ cho biết, chuyến thăm của ông Modi sẽ đạt được một loạt thỏa thuận mới về quốc phòng, công nghệ và khí hậu. Trong bối cảnh Mỹ cố gắng chuyển các chuỗi cung ứng quan trọng ra khỏi Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ đang xem xét các cách để thúc đẩy phát triển công nghệ ở Ấn Độ.

Hôm thứ Ba (20/6), cố vấn Jake Sullivan về an ninh quốc gia của Tổng thống Biden cho biết, “Chúng tôi hy vọng cuộc gặp sẽ phản ánh thực tế rằng hai nước và nhân dân hai nước Mỹ và Ấn Độ có mối quan hệ tự nhiên, mối quan hệ này đang trở thành một trong những mối quan hệ quan trọng nhất của thế kỷ 21”.

Thương mại giữa Mỹ và Ấn Độ đã đạt mức kỷ lục 191 tỷ USD vào năm 2022, biến Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ.

Trước chuyến thăm của ông Modi, các quan chức Mỹ đã hết lời ca ngợi quan hệ Mỹ-Ấn Độ, ca ngợi “mối quan hệ đối tác quốc phòng quan trọng”, mô tả đó là “mối quan hệ độc đáo giữa các nền dân chủ lâu đời nhất và lớn nhất trên thế giới”. Còn ông Modi cũng nói trong một tuyên bố trước chuyến thăm, “Lời mời đặc biệt này (của chính quyền Tổng thống Biden) phản ánh sự sôi nổi và sức sống của mối quan hệ đối tác giữa hai nền dân chủ của chúng ta”.

Tăng cường hợp tác để Ấn Độ bớt phụ thuộc vào Nga

Các nước phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng đối với Moscow sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. Ấn Độ do có mối quan hệ lịch sử với Nga (gần 80% quốc phòng và vũ khí của Ấn Độ là do Nga cung cấp) nên đã không tham gia lệnh trừng phạt của phương Tây, nhưng vẫn tiếp tục mua dầu từ Nga. Dù ban đầu Washington phản đối, nhưng Guardian cho biết giới phân tích nhất trí rằng chính quyền Tổng thống Biden hiện đã chấp nhận mối quan hệ sâu xa của Ấn Độ với Nga. Một số người tin rằng điều này thậm chí còn thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Ấn Độ để giúp Ấn Độ giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga.

Chuyến đi của ông Modi tới Mỹ dự kiến ​​sẽ ký kết một thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD để Ấn Độ mua máy bay không người lái Predator từ Mỹ, nhằm tăng cường giám sát ở Ấn Độ Dương và các khu vực biên giới với Trung Quốc.

Chỉ còn chưa đầy một năm nữa là đến cuộc tổng tuyển cử tiếp theo của Ấn Độ, Tổng thống Mỹ đã dành cho ông Modi sự đón tiếp cấp cao chưa từng có, điều này có thể nâng cao uy tín của ông Modi đối với các cử tri trong nước. Ông Modi, người đầy hy vọng sẽ đắc cử nhiệm kỳ 3 làm Thủ tướng Ấn Độ, một phần nhờ các cử tri nhận thấy ông đóng vai trò lớn đưa Ấn Độ trở thành một đối thủ được kính trọng trên trường quốc tế. Và giờ đây, việc một cường quốc phương Tây như Mỹ công nhận ông Modi, có thể ghi thêm điểm cho chiến dịch tranh cử của ông.

Tờ Guardian dẫn lời Giám đốc Tanvi Madan của Chương trình Ấn Độ tại Viện Brookings ở Washington cho biết, Ấn Độ luôn tự xem họ như một cường quốc quốc tế kể từ khi giành được độc lập, nhưng cảm thấy chưa nhận được sự công nhận hay có vai trò tương xứng [trên trường quốc tế]. Ông Modi dường như nghĩ rằng sự công nhận từ Mỹ sẽ không tạo ra sự phản đối trong nước, trái lại sẽ mang tới lạc quan rằng “đây là thời điểm của Ấn Độ”.

Tất nhiên, chuyến thăm của ông Modi cũng đang đối mặt với những thách thức ở Mỹ: bị chỉ trích vì các vấn đề nhân quyền ở Ấn Độ. Trước chuyến thăm Mỹ của ông Modi, Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi Tổng thống Biden có thái độ với Ấn Độ về tình trạng suy thoái nhân quyền của nước này.

Nhưng Giáo sư Avinash Paliwal về quan hệ quốc tế tại Viện SOAS – Đại học London, cho biết Mỹ có thể hợp tác với các nước bán dân chủ hoặc phi dân chủ, vì vậy ông không tin rằng sự suy giảm dân chủ của Ấn Độ làm lung lay mức thân mật ở cấp cao nhất của cả hai chính phủ, sẽ không ngăn cản họ thống nhất để giải quyết vấn đề Trung Quốc.