Các cuộc khảo sát toàn cầu mới cho thấy “Uy tín quốc tế” của Trung Quốc đã xấu đi nhanh chóng trong 4 năm qua, đặc biệt là ở các nước phương Tây. Tại đại đa số các quốc gia, nhiều người đã chọn Hoa Kỳ là siêu cường ưa thích của họ hơn là chọn Trung Quốc, khiến hy vọng trở thành lãnh đạo toàn cầu của Bắc Kinh tan biến.

shutterstock 792494194
Các cuộc khảo sát toàn cầu mới cho thấy vị thế toàn cầu của Trung Quốc giảm mạnh. (Ảnh: rawf8/ Shutterstock)

Khảo sát: Vị thế toàn cầu của Trung Quốc giảm mạnh

Hãng The Guardian của Anh đưa tin, cuộc thăm dò “Dự án Chủ nghĩa toàn cầu YouGov-Cambridge” do nhà thăm dò ý kiến ​​trực tuyến toàn cầu “YouGov”“Dự án Chủ nghĩa Toàn cầu Cambridge” (Cambridge Globalism Project) cho thấy kể từ cuộc khảo sát đầu tiên vào năm 2019, vị thế toàn cầu của Trung Quốc Đại Lục đã giảm mạnh. Tỷ lệ số người tin rằng Trung Quốc đóng vai trò tích cực trên thế giới đã giảm xuống “gần một nửa”.

Tỷ lệ ủng hộ Trung Quốc đã giảm trong 4 năm qua, như Ba Lan từ 46% xuống 24%, Pháp từ 36% xuống 17%, Đức từ 30% xuống 13%, Đan Mạch từ 32% xuống 11%, Ý từ 41% xuống 24 %, Vương quốc Anh từ 35% xuống 11%, Ấn Độ từ 44% xuống 23% và Hoa Kỳ từ 27% xuống 18%.

Quan điểm về Trung Quốc trở nên tiêu cực hơn một phần do đợt bùng phát COVID-19 (virus viêm phổi Vũ Hán). Hơn 80% số người được hỏi tin rằng dịch bùng phát ở Trung Quốc, một tỷ lệ đáng kể (ít nhất 40% ở nhiều quốc gia) nghi ngờ virus có nguồn gốc, hoặc được tạo ra từ phòng thí nghiệm.

Tình trạng vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc cũng trở thành tiêu điểm thu hút sự chú ý của công luận, như Pháp (từ 39% lên 45%), Đức (từ 46% lên 53%), Đan Mạch (từ 45% lên 53%), Tây Ban Nha (từ 21% lên 30%) và Hy Lạp (từ 18% lên 29%).

Gần đây, Chính sách mới của Hiệp hội Cấy ghép Tim Phổi Quốc tế (ISHLT) đã cấm hoàn toàn việc xuất bản các tài liệu nghiên cứu về cấy ghép nội tạng từ Trung Quốc.

Tuyên bố gần đây từ ISHLT cho biết: “Những bằng chứng đầy đủ cho thấy, Chính phủ Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc – ĐCSTQ) vẫn đang tiếp tục hỗ trợ việc thu hoạch nội tạng từ các tử tù một cách độc lập và có hệ thống.

Ngày 24/10 trước Hạ viện Quốc hội ở Tokyo, luật sư nhân quyền người Canada David Matas chỉ ra rằng học viên Pháp Luân Công và người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương là nạn nhân chính của việc mổ cướp nội tạng của ĐCSTQ.

Theo kết quả khảo sát, tỷ lệ người tin rằng chính quyền Trung Quốc (ĐCSTQ) đã “giam giữ hàng trăm nghìn công dân Trung Quốc trong các trại tập trung, mà không có các thủ tục pháp lý công bằng và thỏa đáng” trong năm nay cao hơn năm trước.

Trước đó, Daily Mail từng đưa tin, tại Tân Cương, cực tây của Trung Quốc, chính quyền ĐCSTQ xây dựng 347 cơ sở lớn tương tự như trại giam giữ. Các cơ sở này có sức chứa 1.014.883 tù nhân. Con số này tương đương với cứ mỗi 25 người ở khu vực này thì có 1 người bị giam giữ.

Cuộc khảo sát cho biết, tại đại đa số các quốc gia, nhiều người chọn Mỹ hơn Trung Quốc, là siêu cường ưa thích của họ, khiến hy vọng trở thành lãnh đạo toàn cầu của Bắc Kinh tan biến.

Ở Nigeria, 77% người được hỏi chọn Hoa Kỳ là siêu cường, trong khi chỉ 15% chọn Trung Quốc. Khoảng cách này là 69% so với 9% tại Ấn Độ, 48% so với 23% tại Mexico, 59% so với 11% tại Brazil, và 45% so với 19% tại Hy Lạp.

Vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ cũng được chào đón hơn đáng kể. 62% người Đức được hỏi bày tỏ họ ưa thích Hoa Kỳ hơn so với Trung Quốc cho vị thế bá chủ chính trị thế giới trong năm 2022, năm 2019 tỷ lệ này là 43%. Số người được hỏi giữ quan điểm này ở Anh tăng từ 52% lên 67%.

Nếu ĐCSTQ xâm lược Đài Loan bằng vũ lực, nhiều quốc gia sẵn sàng ủng hộ Đài Loan

Về vấn đề eo biển Đài Loan, trong cuộc khảo sát này, khoảng một nửa số quốc gia được khảo sát tin rằng “nếu Trung Quốc (ĐCSTQ) thôn tính Đài Loan bằng vũ lực, các quốc gia khác cần hỗ trợ Đài Loan”, như Vương quốc Anh (51%), Úc (62 %), Hoa Kỳ (52%), Thụy Điển (55%), Đan Mạch (51%), Ấn Độ (51%), Nhật Bản (55%), Kenya (63%) và Nigeria (60%).

Tại các quốc gia khác có số người ủng hộ ít hơn một nửa, hầu hết cũng đều nghiêng về việc ủng hộ hỗ trợ Đài Loan. Tỷ lệ ủng hộ việc hỗ trợ Đài Loan so với tỷ lệ không tán thành tại Pháp là 38% so với 22 %, tại Đức là 43% so với 27%, tại Tây Ban Nha là 38% so với 22% và tại Ba Lan là 40% so với 15%.

Tỷ lệ ủng hộ liên minh do Mỹ đứng đầu cung cấp vũ khí hạng nặng hoặc binh lính cho Đài Loan nhìn chung là thấp. Nhưng trong số 13 quốc gia phương Tây được khảo sát, ít nhất 40% số người được hỏi ở 10 quốc gia, ủng hộ việc cung cấp thông tin tình báo, hoặc cố vấn quân sự, và áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm khắc đối với Trung Quốc.

Ông Rogers de Waal, Giám đốc học thuật của YouGov, nói rằng dư luận này phản ánh 2 trạng thái cảm xúc, một là không muốn đối đầu trực diện với Trung Quốc, hai là ủng hộ ý tưởng muốn bảo vệ Đài Loan.

Theo một cuộc thăm dò 14 quốc gia trong khu vực xuyên Đại Tây Dương do Quỹ Marshall của Đức và Quỹ Bertelsmann công bố gần đây, hầu hết những người được hỏi đều tin rằng một khi ĐCSTQ tấn công Đài Loan bằng vũ lực, tất cả các nước nên có hành động ngoại giao hoặc trừng phạt; nhưng tỷ lệ ủng hộ đối với viện trợ quân sự cho Đài Loan tương đối thấp.

Theo báo cáo, gần 1/4 số người được hỏi ở 13 quốc gia khác, ngoại trừ Hoa Kỳ, cho biết họ không thể đánh giá liệu Trung Quốc là đối tác, đối thủ cạnh tranh hay kẻ địch của quốc gia mình.

Trong đó tại Đức, 43% số người được hỏi cho rằng Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh, 23% cho rằng đây là đối thủ, 22% cho rằng họ không thể đánh giá, và chỉ 12% cho rằng Trung Quốc là đối tác. Tại Hoa Kỳ, 34% người được hỏi coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh, và 32% coi Trung Quốc là đối thủ.

Về chính sách, nhiều người được hỏi ủng hộ lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, nhưng muốn hợp tác nhiều hơn trong lĩnh vực công nghệ mới. Pháp là quốc gia có thái độ diều hâu cứng rắn rõ ràng nhất đối với Trung Quốc, với 66% số người được hỏi bày tỏ sự ủng hộ, tiếp theo là Canada và Hà Lan, cả hai đều ở mức 62%.

Bình Minh (t/h)