Cuộc phản công bắt đầu từ hồi đầu tháng 6 của Ukraine đến nay đang như thế nào? Reuters làm một báo cáo tổng kết ngắn hôm Thứ Sáu.

Nga Ukraine
(Nguồn: Ivan Marc/ Shutterstock)

Nửa sau của năm ngoái, 2022, quân Ukraine đã tiến hành thành công một cuộc phản công và lấy lại được một phần đất mà Nga chiếm đóng kể từ khi chiến tranh nổ ra vào 2/2022. Chiến tuyến từ đó được định lại, và nó dài khoảng 1.000 km. Phía Nga đã chiếm 41,5 ngàn km2 (kể cả Crimea sáp nhập năm 2013) tức là hơn 1/5 tổng số diện tích Ukraine vốn có.

11 16893060080851074865194
So sánh vùng Nga chiếm được vào tháng 3/2022 và tháng 7/2022. (Nguồn ảnh: Viện nghiên cứu Chiến lược ISW)

Cuối năm ngoái, đồng minh phương Tây hậu thuẫn đã kỳ vọng rằng với những vũ khí tối tân, xe tăng và tên lửa tầm xa, được đổ vào Ukraine, thì có thể sẽ tiếp tục giành được chiến thắng mới.

Sau hơn nửa năm dồn lực, cuộc phản công đã được mở ra hồi đầu tháng 6, với mục tiêu là trục xuất quân Nga khỏi lãnh thổ, khôi phục biên giới như năm 1991. Hoặc ít nhất thì cũng cắt đứt hành lang trên bộ, nối phần đất liền của Nga tới Crimea, cho phép Nga kiểm soát vùng biển Azov và Biển Đen.

Giới chức Kiev phát biểu trên các chương trình truyền hình trong nước rằng họ sẽ quay lại Crimea, và trò chuyện trên truyền hình rằng sẽ xử lý những kẻ phản bội ở đó như thế nào. Sau đảo chính Euromaidan ở Kiev, điều mà phương Tây gọi là phong trào dân chủ, thì Crimea đã ly khai, và sau đó sáp nhập vào Nga. Kiev gọi đó là sự phản bội.

Tuy nhiên, những thành quả đạt được của chiến dịch phản công cho đến nay vẫn còn rất nhỏ. Nếu tính theo diện tích đất thì chỉ khoảng hơn 1% những gì mà Nga đang chiếm, mà hầu hết những phần mà Ukraine đòi lại được đó là các ngôi làng nhỏ, không thực sự có tính chiến lược.

Có nhiều nhận định cho rằng chiến dịch phản công đã kết thúc, mặc dù phía Ukraine chưa hề thừa nhận điều ấy.

Về nguyên nhân, một điều có thể thấy rõ là quân Nga đã thành công tổ chức được hệ thống các vành đai phòng thủ cực mạnh, phối hợp với các bãi mìn, gồm cả mìn chống tăng. Đại tá Mỹ về hưu Douglas Macgregor nói đây là đội hình phòng thủ mạnh nhất mà ông từng chứng kiến.

Một nguyên nhân nữa cũng thấy rõ là chiến thuật của phương Tây đã bị phá sản khi đặt toàn bộ phương án tác chiến lên vũ khí tối tân như xe tăng. Chỉ hơn 1 tuần đầu tiên chiến đấu, quân Ukraine đã tiêu hao 20% xe thiết giáp, xe tăng, và vũ khí hạng nặng. Sau đó chính Kiev phải nghĩ cách thay đổi chiến thuật tác chiến.

Ban đầu phương Tây cho rằng xe tăng hiện đại là điểm mạnh so với Nga, vốn đang dùng các xe được sản xuất từ thời những năm 70 của thế kỷ trước, cho nên với xe tăng làm mũi nhọn, thì quân Ukraine có thể thành công chọc thủng phòng tuyến của Nga. Nhưng bất ngờ là xe tăng đã không thành công như vậy, khi Nga có các vũ khí rẻ tiền hơn như Lancet (UAV tự sát) để đánh trả.

Ngoài ra còn có các “nguyên nhân” căn cứ theo những gì mà nội bộ giữa Kiev và phương Tây đổ lỗi cho nhau. Kiev nói rằng phương Tây luôn luôn chậm trễ trong việc gửi vũ khí và đặc biệt là đạn dược. Còn phương Tây tỏ ý nghi ngờ về khả năng chiến đấu của quân Ukraine cũng như vấn đề tham nhũng có thể ảnh hưởng đến chiến tranh.

Thời tiết đang trở nên ẩm ướt, khiến mặt đất trở nên lầy lội và khó di chuyển đối với các thiết bị hạng nặng, mặc dù nhiệt độ đóng băng cuối cùng sẽ làm cứng mặt đất và cải thiện khả năng cơ động khi mùa Đông đến.

Vào ngày 31/10, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thừa nhận rằng nuôi dưỡng hy vọng thành công là không thực tế. Tổng tư lệnh Ukraine, Tướng Valery Zaluzhny, cũng nói về sự “bế tắc” trong cuộc chiến.

Chiến tuyến phía Nam, đoạn gần Kherson

Trong nhiều tháng sau khi con đập Kakhovka khổng lồ biểu tượng thủy điện của thời Liên Xô bị nổ tung vào đầu tháng 6 —một thảm họa mà cả hai bên tham chiến đều đổ lỗi cho nhau— chiến tuyến dọc theo sông Dnepr chạy về phía Tây Nam vào Biển Đen hầu như không nhúc nhích.

Nhưng vào giữa tháng 10, một số blogger quân sự Nga đưa tin lực lượng Ukraine đã hình thành một đầu cầu nhỏ ở bờ đông. Vào thời điểm đó, Nga cho biết họ đã ngăn cản nỗ lực của Ukraine vượt qua Dnepr. Kiev chưa cung cấp chi tiết về bất kỳ hoạt động nào.

Chiến tuyến phía Nam

Bản đồ chiến trường sử dụng thông tin nguồn mở để theo dõi tiến độ giao tranh cho thấy vào đầu tháng 6, Nga đã tăng cường thêm quân cho các vị trí dọc mặt trận phía Nam.

Ngay sau đó, binh lính Ukraine đã chọc thủng tuyến phòng thủ đầu tiên ở phía Nam thị trấn Velyka Novosilka trong bước đột phá đầu tiên được biết đến của cuộc phản công. Reuters đưa tin từ làng Neskuchne giải phóng ngày 13/6.

Trong những tháng tiếp theo, Ukraine đã đạt được nhiều tiến bộ hơn nữa ở cùng khu vực và cả ở phía Nam thị trấn Orikhiv, cách xa hơn về phía Tây khoảng 80 km.

Ukraine đã báo cáo họ gặp phải phản kháng gay gắt khi tiến về phía trước, trong đó các bãi mìn rất khó giải quyết. Những tiến bộ chậm chạp vẫn còn cách tận 80–90 km so với bờ Biển Azov, nơi quân Kiev đặt mục tiêu ban đầu sẽ phải chiếm được, nếu muốn cắt đứt hành lang trên bộ của Nga.

Chiến tuyến phía Đông, gần trấn Avdiivka

Trấn Avdiivka bị tàn phá, gần thành phố Donetsk do Nga nắm giữ, đã chứng kiến ​​nhiều giai đoạn bị bắn phá và giao tranh ác liệt trong suốt cuộc chiến.

Dân số trước chiến tranh từ 30.000 người đã giảm xuống còn khoảng 1.500 người khi dân thường chạy trốn khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa, pháo kích và không kích cũng như các trận chiến trên bộ gia tăng trong những tuần gần đây.

Các lực lượng Nga đã bắt đầu bao vây thị trấn, giống như họ đã làm với thành phố Bakhmut xa hơn về phía Bắc vào đầu năm 2023, và trong khi Ukraine tuyên bố sẽ bảo vệ Avdiivka thì các tuyến tiếp tế ra vào đang chịu áp lực.

Chiến tuyến phía Đông, đoạn gần trấn Bakhmut

Vào cuối tháng 5, nhóm lính đánh thuê Wagner của Nga tuyên bố đã chiếm được Bakhmut. Chiếm Soledar cùng Bakhmut là chiến thắng duy nhất của Nga có được từ khi chiến tuyến được định hình từ năm ngoái.

Sau đó, trong lần phản công này, Ukraine đã cam kết nguồn lực đáng kể để tìm cách giành lại lãnh thổ xung quanh Bakhmut, và đã tiến tới vùng ngoại ô phía Nam và phía Tây của thành thị trấn.

Chiến tuyến phía Đông, từ Kupiansk, kéo dài tới phía Bắc

Phần còn lại của mặt trận, chạy về phía Bắc tới biên giới với cho tới vùng Belgorod của Nga, đã không di chuyển đáng kể trong nhiều tháng, mặc dù Kiev đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể các cuộc tấn công của Nga gần thành phố Kupiansk do Ukraine nắm giữ vào mùa Thu này.

Tấn công vào phía sau chiến tuyến

Phương Tây đã cung cấp cho quân Ukraine các vũ khí như tên lửa tầm xa, cho phép tấn công thẳng vào phía sau chiến tuyến của Nga. Đã có không ít lần UAV được Ukraine điều động tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga, thậm chí tới Moskva.

Những đợt tấn công như thế này thường rất khó có thể nói được chúng sẽ có ảnh hưởng gì tới toàn cục cuộc chiến, mặc dù Ukraine tuyên bố họ đánh vào cơ sở quân đội bên trong Nga. Trong khi đó, những hình ảnh và bằng chứng cho thấy nhiều nạn nhân và nhà cửa bị phá chính là của dân thường.

Các nhà phân tích quân sự và chính quyền ở Kiev cho biết, Ukraine đã làm hư hỏng nặng một tàu đổ bộ lớn và một tàu ngầm tấn công của Nga vào đợt 13/9 ở Biển Đen chỉ hơn một tuần sau, một cuộc tấn công bằng tên lửa của Ukraine đã tấn công trụ sở hải quân ở Sevastopol.

Sử dụng tên lửa ATACMS tầm xa do Mỹ cung cấp vào giữa tháng 10, lực lượng Ukraine đã lần đầu tiên phá hủy các sân bay gần Luhansk ở phía Đông Ukraine và ở Berdiansk trên Biển Azov, cả hai đều nằm dưới sự kiểm soát của Nga.

Nhật Tân