Hôm thứ Bảy (26/3), Trung tướng Không quân Mỹ đã nghỉ hưu David Deptula cảnh báo không nên đánh giá thấp khả năng của các lực lượng Nga khi họ tiếp tục tấn công nhiều khu vực quan trọng ở Ukraine trong bối cảnh cuộc xung đột Nga – Ukraine vẫn đang tiếp diễn.

Embed from Getty Images

Trong một cuộc phỏng vấn, người dẫn chương trình Fox News Neil Cavuto đã hỏi Trung tướng Deptula về ý kiến của ông trước những tuyên bố cho rằng quân đội Nga đã được đánh giá quá cao trong khi họ đã không đạt được các mục tiêu ở Ukraine. Ông Cavuto nhận định, Tổng thống Nga Vladimir Putin thì “tầm thường, quân đội của ông ấy thì lúng túng, và ông ấy không đủ khả năng để mở rộng cuộc chiến đó.”

Cựu trung tướng Mỹ phản hồi: “Tôi nghĩ đó là hình ảnh phản chiếu sự kiêu ngạo điển hình của Hoa Kỳ, điều có thể khiến các nhân viên của Mỹ và NATO có xu hướng cho rằng [Tổng thống] Putin và người Nga nghĩ giống như chúng ta. Tôi không đồng ý với loại quan điểm đó. Chúng ta không nên đánh giá thấp những gì người Nga có khả năng …. những gì họ có thể cố gắng làm.”

Vị trung tướng nghỉ hưu đề xuất một số chiến lược có thể được thực hiện để ngăn chặn các lực lượng Nga đạt mục tiêu của họ, bao gồm khả năng triển khai một số “máy bay chiến đấu tàng hình hiện đại nhất thế giới như [các máy bay chiến đấu] F-22 đến [các quốc gia] vùng Baltic và Romania.”

Trung tướng Deptula nhận định: “Tôi nghĩ các quốc gia vùng Baltic rất dễ bị tổn thương trước chủ nghĩa phiêu lưu tiếp theo của Nga và do vị trí ở gần [Nga] của họ, chúng ta cần phải hết sức thận trọng và cần phải gửi một thông điệp rõ ràng đến [Tổng thống] Putin yêu cầu hãy tránh xa [các quốc gia này]. Tôi nghĩ đến một cách mà chúng ta có thể làm điều đó là xem xét các năng lực [của Nga] và ngừng cố gắng tiến hành chiến lược đếm số quân trên mặt đất.”

Ông lưu ý, nếu Nga đưa ra thêm bất kỳ đe dọa nào nữa, các đơn vị máy bay chiến đấu F-35 có thể được điều đến các quốc gia [Baltic] này như một phần của việc áp dụng một chiến lược khác nhằm giải quyết các năng lực quân sự của Nga.

Ông nhận xét: “Đây là những loại động thái sẽ khiến [Tổng thống] Putin phải thận trọng và gây khó khăn cho những tính toán quyết định của ông ấy. Do đó, bất kỳ một hoặc tất cả các hành động này sẽ giúp lấy lại vị thế của NATO trong sự cân bằng răn đe.”

Trung tướng Deptula cảnh báo, điều quan trọng là phải hiểu mục tiêu thực sự của Tổng thống Putin là sắp xếp lại cấu trúc an ninh của Đông Âu.

Ông giải thích: “Ông ấy [Tổng thống Putin] đã khởi xướng nỗ lực này vào năm 2014, bằng cách sáp nhập bán đảo Crimea [của Ukraine vào Nga] và bây giờ ông ấy đang cố gắng làm điều tương tự với Ukraine. Ông ấy sẽ không dừng ở đó, vì vậy NATO và Hoa Kỳ cần phải suy nghĩ trước.”

Cựu trung tướng không quân Mỹ cũng nhấn mạnh, “dựa trên tình hình thực tế,” NATO và Hoa Kỳ cần cung cấp cho người Ukraine nhiều công cụ hơn để giúp họ bảo vệ đất nước của mình.

Ukraine hiện tại vẫn đang kiểm soát hầu hết lãnh thổ của mình, tuy nhiên các lực lượng Nga đang tiếp tục bao vây các thành phố lớn như Mariupol, Kharkiv, và Chernihiv. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, Tổng thống Putin vẫn chưa đạt được các mục tiêu thực sự của mình trong cuộc chiến với Ukraine.

Tuần trước, trong một cuộc phỏng vấn với CNN, Thiếu tướng Hoa Kỳ James Marks lưu ý, quân đội Nga đang được “lãnh đạo kém” và các binh sĩ không có “tinh thần chiến đấu.”

Ông nhận xét: “Quân đội Nga đã cố gắng hiện đại hóa trong suốt vài thập kỷ qua và họ đã thực hiện khá tốt nhiệm vụ có được các thiết bị và năng lực phù hợp, nhưng họ lại có lãnh đạo kém. Trong bất kỳ tổ chức nào, không có gì tồi tệ hơn sự lãnh đạo tệ hại và đó chính xác là những gì người Nga đang thể hiện.”

Gia Huy (theo Newsweek)