Thứ Năm (28/9), Đài Loan đã công bố chiếc tàu ngầm tự chế tạo đầu tiên của mình, một cột mốc quan trọng trong dự án tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe của quốc đảo trước hải quân Trung Quốc. Tuy nhiên, con tàu này vẫn chưa được đưa vào phục vụ trong 2 năm tới.

tau ngam dau tien do Dai Loan tu dong moi
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (thứ hai từ phải sang) nhận một mô hình tàu ngầm trong khi đứng trước một chiếc tàu ngầm thật đầu tiên do Đài Loan tự đóng mới. Buỗi lễ ra mắt tàu ngầm này diễn ra ở công ty đóng tàu CSBC Corporation tại thành phố Cao Hùng vào ngày 28 tháng 9 năm 2023. (Nguồn ảnh: SAM YEH/AFP via Getty Images)

Quốc đảo Đài Loan đã biến dự án tàu ngầm nội địa trở thành một phần quan trọng trong lộ trình đầy tham vọng nhằm hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của mình, trong bối cảnh Bắc Kinh đang tiến hành các cuộc tập trận quân sự gần như hàng ngày để khẳng định chủ quyền với Đài Loan. Các quan chức Mỹ cũng đã cảnh báo rằng Trung Quốc có thể có đủ khả năng về mặt quân sự để tiến hành một cuộc xâm lược trong vòng vài năm tới.

Hôm 28/9, Tổng thống Thái Anh Văn, người khởi xướng kế hoạch này khi bà nhậm chức vào năm 2016, đã chủ trì lễ ra mắt chiếc tàu ngầm đầu tiên trong số 8 chiếc tại thành phố cảng Cao Hùng, thuộc phía nam Đài Loan.

“Trước đây, việc phát triển một chiếc tàu ngầm trong nước được coi là một nhiệm vụ bất khả thi. Nhưng hôm nay, chiếc tàu ngầm do người dân nước ta thiết kế và sản xuất đã được đặt ngay trước mắt chúng ta”, bà Thái phát biểu, đồng thời cho biết thêm rằng sự kiện này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng cường sức mạnh “chiến tranh phi đối xứng” của hải quân.

Đài Loan từ lâu đã theo đuổi chiến lược chiến tranh phi đối xứng, nhằm mục đích xây dựng một lực lượng phòng thủ linh hoạt hơn để đối mặt với kẻ thù lớn hơn và có nguồn lực tốt hơn.

Ông William Chung, nhà nghiên cứu quân sự thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia Đài Loan, phân tích rằng các tàu ngầm này có thể “hỗ trợ lực lượng hải quân tương đối nhỏ của Đài Loan chủ động chống lại hải quân hùng mạnh của Trung Quốc” bằng cách tiến hành “chiến tranh kiểu du kích với khả năng tàng hình, gây sát thương và bất ngờ”.

Ông William nói thêm rằng tác chiến chống tàu ngầm vẫn là “điểm yếu nhất của hải quân Trung Quốc và đây là cơ hội để Đài Loan khai thác”.

Chiếc tàu ngầm được bà Thái giới thiệu có tên là “Hai Kun” (海鯤), tên một loài cá khổng lồ biết bay trong thần thoại Trung Hoa. Biểu tượng quốc kỳ màu đỏ với hình mặt trời trắng trên nền xanh của Đài Loan được quấn quanh mũi tàu ngầm.

Đứng trước con tàu, bà Thái nhấn mạnh: “Ngay cả khi gặp rủi ro và dù có bao nhiêu thách thức, Đài Loan vẫn phải thực hiện bước tiến này, cho phép chính sách quốc phòng tự lực phát triển và thành công trên đất nước của chúng ta”. Bà cũng khẳng định“lịch sử sẽ mãi mãi ghi nhớ ngày này.”

Bà Thái cho hay “Hai Kun” sẽ bắt đầu hoạt động từ năm 2025, cùng với 2 tàu ngầm khác được mua từ Hà Lan vào những năm 1980. Đài Loan đặt mục tiêu cuối cùng sẽ vận hành một hạm đội gồm 10 tàu ngầm.

Dự án tàu ngầm nội địa của Đài Loan đã dựa vào chuyên môn và công nghệ từ một số quốc gia. Đây được xem là bước đột phá đối với quốc đảo bị cô lập về mặt ngoại giao này.

Ông Cheng Wen-lon, Chủ tịch Tập đoàn CSBC của Đài Loan, đơn vị đứng đầu trong việc chế tạo tàu ngầm, cho biết công nghệ trong nước đóng góp vào con tàu chiếm khoảng 40%. Ông không đề cập rõ đến sự tham gia của nước ngoài trong bài phát biểu tại Cao Hùng.

Để nhấn mạnh tầm quan trọng trong mối quan hệ an ninh giữa Hoa Kỳ với quốc đảo này dù chưa có quan hệ ngoại giao chính thức, Đại sứ Hoa Kỳ trên thực tế tại Đài Loan, bà Sandra Oudkirk, đã tham dự buổi lễ. Hoa Kỳ cũng được xem là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Đài Loan.

Phát biểu với các phóng viên ở Đài Bắc, Ngoại trưởng Đài Loan Joseph Wu cho biết Đài Loan phải tăng cường phòng thủ trước mối đe dọa ngày càng tăng từ chiến thuật gây áp lực “vùng xám” của quân đội Trung Quốc gần nước này bằng các hoạt động trên không và trên biển.

“Có được một chiếc tàu ngầm mới là một trong những chiến lược đó. Đối với bất kỳ ai thắc mắc về chiến lược tàu ngầm của Đài Loan, tôi sẽ là người ủng hộ mạnh mẽ nhất việc Đài Loan sở hữu tàu ngầm vì điều đó là cần thiết để ngăn chặn chiến tranh xảy ra”, trích lời ông Wu.

Theo người đứng đầu dự án tàu ngầm, Đài Loan hy vọng sẽ triển khai ít nhất 2 tàu ngầm nội địa vào năm 2027 và có thể trang bị thêm tên lửa cho các mẫu sau này.

Chiếc tàu ngầm đầu tiên có giá 49,36 tỷ Đài tệ (khoảng 37,3 nghìn tỷ VND) sẽ sử dụng hệ thống chiến đấu của Lockheed Martin Corp và mang theo ngư lôi hạng nặng Mark 48 do Mỹ sản xuất. Con tàu sẽ bước vào giai đoạn thử nghiệm trên biển vào tháng tới trước khi giao cho hải quân vào cuối năm 2024.

Người đứng đầu chương trình tàu ngầm nội địa, Chỉ huy hạm đội Huang Shu-kuang, nói với các phóng viên vào tuần trước rằng mục tiêu của dự án tàu ngầm là nhằm chống lại mọi nỗ lực bao vây Đài Loan của Trung Quốc và nó cũng sẽ giúp trì hoãn thời gian đến khi lực lượng Mỹ và Nhật Bản đến hỗ trợ phòng thủ cho Đài Loan.

Ông Huang tiết lộ với tờ Nikkei Asia rằng ông đã đích thân tiếp cận các mối liên hệ quân sự ở Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ để được giúp đỡ nhưng không nêu rõ quốc gia nào cuối cùng đã đồng ý.

Ông Drew Thompson, một nhà nghiên cứu cấp cao ngắn hạn tại Đại học Quốc gia Singapore và cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ, nhận định rằng việc một số quốc gia và công ty “không ngại cung cấp các linh kiện cho chương trình phòng thủ ở Đài Loan… cho thấy một sự thay đổi địa chính trị đáng kể”.

Phía Trung Quốc vẫn chưa có phản hồi chính thức. Tuy nhiên trong một bài đăng đầu tuần này, hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc Hoàn Cầu Thời Báo đã chế giễu Đài Loan đang “mơ mộng” và kế hoạch này “chỉ là ảo ảnh”. Tờ báo cũng tuyên bố quân đội Trung Quốc “đã xây dựng một mạng lưới chống tàu ngầm đa chiều khắp xung quanh hòn đảo”.

Vy An (t/h)