Hôm thứ Năm (14/3), Bắc Kinh phản ứng gay gắt trước lệnh cấm của Hoa Kỳ đối với TikTok. Sau đó, ông Nicholas Burns, Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc phản đòn mạnh mẽ.

Nicholas Burns
Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc Nicholas Burns. (Ảnh chụp màn hình video)

Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg hôm thứ Năm (14/3), Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc Nicholas Burns nói thật mỉa mai khi các quan chức Chính phủ Trung Quốc đang sử dụng nền tảng xã hội X để chỉ trích Hoa Kỳ, trong khi họ (Đảng Cộng sản Trung Quốc – ĐCSTQ) lại cấm công dân của mình sử dụng X, Instagram, Facebook và truy cập Google.

Ông Burns cho biết, ứng dụng chia sẻ video TikTok và chip tiên tiến là trung tâm của cuộc cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nhận xét của ông tiếp tục báo hiệu lập trường cứng rắn của chính quyền Biden trong việc kiềm chế tham vọng công nghệ của Trung Quốc.

Ông nói rằng trên nhiều phương diện, công nghệ hiện đang là cốt lõi trong cuộc cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, dù là công nghệ thương mại, như TikTok, hay công nghệ có thể chuyển đổi thành công nghệ quân sự để cạnh tranh với Hoa Kỳ.

Dự luật được Hạ viện Hoa Kỳ thông qua có tên “Đạo luật bảo vệ người Mỹ khỏi các ứng dụng do đối thủ nước ngoài kiểm soát”, yêu cầu công ty ByteDance của Trung Quốc phải từ bỏ ứng dụng video ngắn TikTok trong vòng 6 tháng. Nếu không, họ sẽ phải đối mặt với lệnh cấm của Hoa Kỳ. Dự luật đã được đệ trình lên Thượng viện.

Cuộc tranh luận về việc cấm TikTok đã trở thành một trong những chủ đề mà Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa có thể thống nhất tại Quốc hội. Bởi hai đảng đều có chung mối lo ngại về sự can thiệp của Trung Quốc vào các ngành như giáo dục, kỹ thuật và giải trí ngày càng gia tăng.

Trước cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện, các quan chức an ninh và tình báo Hoa Kỳ đã tổ chức một cuộc họp ngắn dành cho các nhà lập pháp, nêu rõ các rủi ro của ứng dụng này đối với an ninh quốc gia.

Trước đó vào thứ Năm (14/3), ĐCSTQ đã bày tỏ sự không hài lòng với việc Hạ viện Hoa Kỳ thông qua dự luật cấm TikTok, và kêu gọi Hoa Kỳ ngừng “đàn áp vô lý” đối với TikTok.

Trong cuộc họp báo hôm thứ Năm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết: “Dự luật được Hạ viện Hoa Kỳ thông qua đặt Hoa Kỳ ở phải đối diện với nguyên tắc cạnh tranh công bằng và các quy tắc kinh tế và thương mại quốc tế”.

Trong khi đó, từ lâu các ứng dụng của Mỹ đã bị cấm ở Trung Quốc. Bắc Kinh hiện đã chặn hầu hết các nền tảng truyền thông xã hội của Hoa Kỳ, bao gồm Google, YouTube, X, Instagram và Meta. Vì các công ty Hoa Kỳ này từ chối tuân thủ các quy định của Chính phủ Trung Quốc về thu thập dữ liệu và phân loại nội dung được chia sẻ.

CNN đưa tin, ông Brock Silvers, Giám đốc điều hành của công ty cổ phần tư nhân Kaiyuan Capital, cho biết trước lập trường của Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với các ứng dụng xã hội của Hoa Kỳ, dự luật TikTok dường như có khả năng sẽ trở thành luật. Sự không hài lòng của Trung Quốc thật đáng mỉa mai, nếu không nói là đạo đức giả.

Trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, một thẻ hashtag liên quan đến lệnh cấm của TikTok tại Hoa Kỳ đã trở thành chủ đề thịnh hành vào thứ Năm (14/3), với 78 triệu lượt xem và hàng ngàn bài đăng thảo luận.

Ông Alex Capri, nhà nghiên cứu tại Quỹ Hinrich, kiêm giảng viên Trường Kinh doanh Đại học Quốc gia Singapore, cho biết vụ việc đã phơi bày sự mỉa mai và bất bình đẳng trong trao đổi kinh doanh Mỹ-Trung.

Ông nói, trong khi Trung Quốc (ĐCSTQ) cấm hoàn toàn những ứng dụng của Mỹ, thì TikTok lại được hưởng mọi lợi ích từ hệ thống chính trị và pháp lý tự do và cởi mở của Hoa Kỳ.

Hiện tại, TikTok có 170 triệu người dùng ở Hoa Kỳ, nhiều hơn 20 triệu so với năm 2023. Số lượng người dùng TikTok đạt khoảng 1,7 tỷ trên toàn cầu vào năm 2023, với lượng người dùng hoạt động hàng tháng vượt quá 700 triệu.

Khoảng 40% người dùng trưởng thành ở Mỹ sử dụng phần mềm này làm kênh chính để tiếp nhận thông tin, mà không tìm kiếm thông tin trên Google.

Để ngăn dự luật được thông qua, TikTok đã nói với người dùng rằng các quyền của họ theo Hiến pháp Hoa Kỳ đang bị “tước đoạt”.

Trên ứng dụng, TikTok yêu cầu người dùng nhập mã bưu chính (mã zip) của họ, hướng dẫn họ gọi đến văn phòng nghị sĩ của mình, cho các nghị sĩ “biết TikTok có ý nghĩa như thế nào với bạn và yêu cầu họ (nghị sĩ) bỏ phiếu phản đối”.

Kết quả là một lượng lớn người dùng TikTok đã gọi điện, làm tê liệt điện thoại trong văn phòng của một số thành viên Quốc hội, buộc các thành viên Quốc hội phải đình chỉ việc mở điện thoại của họ cho công chúng.

Tuy nhiên, cách làm này của TikTok càng củng cố thêm quyết tâm của các nhà lập pháp.

Mặc dù TikTok đã nhiều lần tuyên bố không liên quan gì đến ĐCSTQ, nhưng nhiều bằng chứng trực tiếp và gián tiếp chỉ ra rằng nền tảng này do ĐCSTQ kiểm soát.

Ở Trung Quốc, tất cả các công ty đều phải tuân thủ luật an ninh, tình báo, phản gián và an ninh mạng do ĐCSTQ đặt ra. Vì vậy, theo quy định của pháp luật, công ty mẹ của TikTok là ByteDance cũng phải ủng hộ ĐCSTQ, để đảng này và các nhà lãnh đạo của họ kiểm soát hoạt động nội bộ của toàn bộ công ty.

Bình Minh (t/h)