Gần đây, khi phóng viên Reuters hỏi về bài đăng châm biếm mà Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản đăng trên mạng xã hội về sự biến mất của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, câu trả lời của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ rất mang tính ngoại giao. Ông Matthew Miller nén cười và nói rằng Đại sứ Rahm Emanuel luôn phát biểu một cách “màu mè”, mặc dù từ chối cho biết liệu bình luận của ông Emanuel có nhận được sự “đồng thuận” của Bộ Ngoại giao Mỹ hay không.

shutterstock 1390547912
Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel. (Ảnh: White Cat Photo / Shutterstock)

Ông Emanuel được xem như chiến binh chính trị huyền thoại ở Washington vì từng phục vụ qua 3 thế hệ tổng thống của đảng Dân chủ, ông đã viết trên nền tảng truyền thông xã hội X (Twitter) rằng những vụ mất tích bí ẩn gần đây của các quan chức cấp cao Trung Quốc giống với tình tiết trong cuốn tiểu thuyết “Và rồi chẳng còn ai” (And then there were none) bán chạy nhất của nhà văn Agatha Christie, kể về cái chết bí ẩn của những vị khách tại một biệt thự ở Anh.

“Đầu tiên Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương biến mất, sau đó là chỉ huy Lực lượng Tên lửa biến mất, và bây giờ là Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc đã không xuất hiện trước công chúng trong hai tuần. Ai sẽ chiến thắng trong cuộc đua thất nghiệp này? Thanh niên Trung Quốc hay nội các của Tập Cận Bình?”, Emanuel viết.

Hôm thứ Năm tuần trước, ông Emanuel suy đoán trong một bài đăng khác rằng ông Lý Thượng Phúc có thể đã bị giam giữ.

“Ở đó có thể đã trở nên chật chội”, ông viết.

Đã qua hơn hai tuần không thấy ông Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc xuất hiện trước công chúng. Reuters hôm thứ Sáu (15/9) dẫn theo 10 nguồn tin hiểu tình hình cho hay rằng quan chức quốc phòng cao nhất do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ định đang bị điều tra.

Trước đó hồi tháng 7, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương cũng bị thay thế sau hơn một tháng không xuất hiện trước công chúng. Ông Tần Cương mới nhậm chức được 7 tháng.

Có phải chỉ là quan điểm cá nhân?

Mặc dù trên mạng xã hội rất phổ biến những lời mỉa mai cay nghiệt, nhưng điều đó gần như chưa từng xảy ra trong thế giới ngoại giao cần phát ngôn cẩn trọng, bình luận của các đại sứ luôn được dò xét kỹ lưỡng.

Vì vậy, điều tự nhiên là các bài đăng của ông Emanuel đặt ra câu hỏi, liệu chúng có phản ánh quan điểm của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hay không. Ông Emanuel đã quen biết ông Biden nhiều năm, có thể truy tới từ Nhà Trắng thời Tổng thống Obama.

Chuyên gia về Trung Quốc là Grace Glazer tại Quỹ Marshall Đức của Mỹ, cho biết: “Tôi đoán là Chính phủ Trung Quốc coi những bình luận của Đại sứ Emanuel là tín hiệu có sức nặng và có chủ ý. Tôi nghi ngờ tình hình thực tế như vậy”.

Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc [tại Mỹ] cho biết Bắc Kinh đã lưu ý đến bình luận của Đại sứ Emanuel, “Chúng tôi hy vọng rằng Mỹ ngừng trò bôi nhọ Trung Quốc, thay vào đó hãy làm nhiều điều hơn nữa có lợi cho việc tăng cường hiểu biết, tin cậy và hợp tác giữa hai nước”.

Một nguồn tin quen thuộc với những diễn biến trong chính quyền Tổng thống Biden cho biết, bình luận của Đại sứ Emanuel có thể không nằm trong “cách tiếp cận đã được thống nhất”. Nguồn tin cho biết: “Đại sứ Emanuel không bị ràng buộc bởi các quy tắc giống các đại sứ và quan chức cấp cao khác. Tôi nghi ngờ một số bình luận công khai của ông ấy đã khiến Nhà Trắng khá khó chịu, nhưng mối quan hệ của Emanuel với tổng thống thực sự khiến không thể đụng chạm tới ông ấy”.

Nguồn tin cho biết thêm: “Có thể có một số người coi các dòng tweet và bình luận của ông ấy là những thông tin hữu ích, nhưng theo tôi biết thì không có chiến lược có chủ ý nào cả”.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã không bình luận ngay lập tức liệu dòng tweet của ông Emanuel về ông Lý Thượng Phúc có hay không phản ánh nhận thức của Chính phủ Mỹ, hay đó chỉ là quan điểm cá nhân. Đại sứ quán Mỹ tại Nhật Bản từ chối bình luận.

Đại sứ Mỹ “chống Trung Quốc”

Đại sứ Emanuel, 63 tuổi, từng là trợ lý cho cựu Tổng thống Bill Clinton và làm Chánh Văn phòng Nhà Trắng cho cựu Tổng thống Barack Obama. Trong các cương vị đó, ông được biết đến như một người thực thi hiệu quả và có biệt danh là “Rahmbo”. Ông đã tranh cử thành công chức thị trưởng Chicago vào năm 2010, nhưng quyết định không tái tranh cử vào năm 2019 trong bối cảnh tranh cãi về quyết định không công bố đoạn phim về vụ bắn chết thiếu niên da đen Laquan McDonald. Thành viên Đảng Dân chủ này nổi tiếng hiếu chiến với việc sử dụng ngôn ngữ đầy màu sắc và đôi khi tục tĩu.

Một quan chức cấp cao của Nhật Bản nói với Reuters, tại Nhật, mối quan hệ lâu dài của ông ở phương Tây được Chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida – vốn mong muốn tăng cường quan hệ với Washington – coi là một lợi thế.

Đối với Trung Quốc, ông Emanuel nổi tiếng là đại sứ chống Trung Quốc – Chủ nhiệm Sun Yun của Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson cho biết, đồng thời nói thêm rằng Bắc Kinh tin tư cách đại sứ tại Nhật Bản của ông Emanuel không cho phép ông đóng một vai trò nào trong quan hệ Mỹ-Trung vốn rất căng thẳng mấy năm gần đây.

Ông Emanuel có quan hệ thân thiết với Tổng thống Biden cũng như trong vòng thân cận của Biden – một trường hợp thân thiết hiếm có giữa tổng thống đối với một đại sứ. Tất cả điều này cho thấy Chính phủ Mỹ khó có thể kiềm chế vị đại sứ Nhật Bản của họ. Một quan chức chính quyền Mỹ cho biết: “Ông ấy đã phát triển mối quan hệ cực kỳ thân thiết với người Nhật để thúc đẩy liên minh và lợi ích của Mỹ”.