Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh trong quan hệ với Việt Nam. Sau Tổng thống Mỹ Biden, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng sẽ thăm Việt Nam vào tuần tới. Dữ liệu chính thức cho thấy đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đã bùng nổ trong năm nay, trong khi thương mại của Mỹ chậm lại.

Tap Can Binh Nguyen Phu Trong
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: VGP)

Tổng thống Biden thăm Việt Nam vào tháng 9 năm nay, cùng với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tuyên bố hai nước đã đạt đến quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ở mức cao nhất, ngang hàng với quan hệ Việt Nam với Trung Quốc và Nga, đồng thời triển khai hợp tác cung cấp chip và khoa học công nghệ.

Sau đó, ông Tập Cận Bình đã gặp Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng tại Diễn đàn “Vành đai và Con đường” tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng 10, nói rằng Trung Quốc và Việt Nam “không nên quên ý định ban đầu về truyền thống tình hữu nghị”, hy vọng hai nước có thể xây dựng “cộng đồng chung vận mệnh có ý nghĩa chiến lược”.

Cả Mỹ và Trung Quốc đều đã nâng cấp quan hệ với Việt Nam, nhưng từ góc độ kinh tế thì cho đến nay dường như Trung Quốc chiếm thế thượng phong, một phần vì những căng thẳng gần đây giữa Washington và Bắc Kinh cũng như các lệnh trừng phạt khác nhau do Mỹ dẫn đầu chống lại Trung Quốc đã khuyến khích Trung Quốc đến đầu tư vào Việt Nam.

Theo số liệu thống kê chính thức của Việt Nam, năm nay tính cho đến trước 11 thì tổng vốn đầu tư từ Trung Quốc và Hồng Kông vào Việt Nam đạt 8,2 tỷ USD, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái, đưa Trung Quốc trở thành nguồn đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Ngược lại, tổng vốn đầu tư của Mỹ giảm xuống còn 500 triệu USD từ mức 700 triệu USD năm ngoái, khiến nước này chỉ là nhà đầu tư lớn thứ 10.

Thương mại song phương giữa Mỹ và Việt Nam cũng chậm lại, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ 10 tháng đầu năm nay giảm 15% xuống còn 79,25 tỷ USD, nhập khẩu từ Mỹ cũng giảm tương tự. Trong khi đó xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 5% lên gần 50 tỷ USD, nhưng nhập khẩu lại giảm.

Mặc dù có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ, nhưng vì tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông khiến mối quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc trở nên phức tạp, tâm lý chống Trung Quốc lan rộng trong xã hội Việt Nam, dẫn đến các cuộc biểu tình thường xuyên.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Tư (7/12) chính thức thông báo Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ thăm cấp nhà nước tới Việt Nam từ ngày 12 – 13/12. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết, ông Tập Cận Bình sẽ lần lượt hội đàm với ông Nguyễn Phú Trọng và ông Võ Văn Thưởng, gặp Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Hai bên sẽ thảo luận về định vị mới trong nâng cấp quan hệ Trung Quốc – Việt Nam; thúc đẩy hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước tập trung ở 6 lĩnh vực chính: hợp tác chính trị, an ninh, thiết thực [kinh tế], nền tảng dư luận, vấn đề đa phương [quan hệ quốc tế,], và vấn đề trên biển.

Tờ Nikkei đưa tin, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ thảo luận với lãnh đạo Việt Nam về dự án đường sắt chở hàng ở miền Bắc Việt Nam, nằm trong sáng kiến ​​“Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Đất hiếm – một lĩnh vực cạnh tranh khác giữa Mỹ và Trung Quốc – cũng sẽ nằm trong chương trình nghị sự, Mỹ và Trung Quốc đang tìm kiếm các nước khác để tham gia chuỗi cung ứng của mình.

Ngoài ra, Nikkei dẫn nguồn tin giấu tên cho biết, Trung Quốc không ngừng thúc giục Việt Nam áp dụng tầm nhìn về một “cộng đồng chung vận mệnh”, xem đó là biểu thị tình đoàn kết không chia rẽ. Nhiều nhà phân tích tin rằng Việt Nam sẽ đồng ý cùng tăng cường sáng kiến ​​“Cộng đồng chung vận mệnh” của Trung Quốc, nhằm cân bằng mối quan hệ đối tác của Việt Nam với Mỹ đã được nâng cấp.