Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tuyên bố hôm Chủ Nhật (30/7) rằng Moscow sẽ phải sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cuộc phản công đang tiếp diễn của Kyiv thành công.

Ông Medvedev là Tổng thống Nga từ năm 2008 đến 2012, sau đó trở thành Chủ tịch đảng cầm quyền và Thủ tướng. Ông từ chức Thủ tướng vào năm 2020 để điều hành Hội đồng An ninh quốc gia Nga trong vai trò Phó Chủ tịch, dưới quyền ông Putin.

Theo Reuters, ông Medvedev nói trong một thông điệp đăng trên các tài khoản mạng xã hội cá nhân của ông hôm 30/7 rằng Nga sẽ buộc phải dùng đến học thuyết hạt nhân trong trường hợp cuộc phản công của Ukraine thành công.

Hãy tưởng tượng nếu thế tấn công này vốn được NATO hậu thuẫn mà thành công và họ chia tách một phần lãnh thổ của chúng tôi, thì chúng tôi sẽ buộc phải sử dụng vũ khí hạt nhân theo các quy tắc trong sắc lệnh của tổng thống Nga”, ông Medvedev khẳng định.

Đơn giản là sẽ không có lựa chọn nào khác. Vậy nên, những kẻ thù của chúng tôi nên cầu nguyện cho sự thành công của các chiến binh của chúng tôi. Họ [những chiến binh của chúng tôi] đang đảm bảo chắc chắn một vụ nổ hạt nhân sẽ không bị kích hoạt”, ông Medvedev tiếp tục.

Học thuyết hạt nhân mà ông Medvedev đề cập đến trong tuyên bố nêu trên dường như là học thuyết hạt nhân mà trong đó Nga vạch ra quy tắc rằng vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng để đáp trả hành động gây hấn nhắm vào Nga được thực hiện bằng vũ khí thông thường nhưng đe dọa đến sự tồn vong của nhà nước Nga.

Ông Medvedev từ sau khi Nga cho quân tràn sang lãnh thổ Ukraine vào cuối tháng 2/2022 đã đang tự đóng vai là một trong những tiếng nói hiếu chiến nhất trong Điện Kremlin khác hẳn với những phát biểu ôn hòa thời ông còn làm tổng thống hay thủ tướng Nga.

Ông Medvedev rất nhiều lần từ sau khi chiến tranh Nga-Ukraine bùng nổ đã lên tiếng trên truyền thông đe dọa Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân khi cần.

Hồi tháng Một, ông Medvedev đã viết trên Telegram vạch ra các bước tiềm năng có thể “kích hoạt” sự hủy diệt hạt nhân theo lệnh của Tổng thống Putin.

Thất bại của cường quốc hạt nhân trong chiến tranh thông thường có thể kích hoạt sự bùng nổ chiến tranh hạt nhân… Các cường quốc hạt nhân không thể thua trong các cuộc xung đột lớn mà sự sống còn của họ phụ thuộc vào đó”, ông Medvedev viết.

Tới cuối tháng Ba, ông Medvedev nói với các phóng viên Nga rằng mỗi ngày các chuyến hàng vũ khí nước ngoài đến Ukraine cuối cùng sẽ mang ngày tận thế hạt nhân đến gần hơn, theo hãng tin TASS.

Những người chỉ trích Nga đã cáo buộc ông Medvedev đưa ra các tuyên bố cực đoan trong nỗ lực nhằm khuyên can Mỹ và các đồng minh phương Tây dừng tiếp thêm vũ khí cho Ukraine.

Ukraine từ đầu tháng Sáu đã tiến hành cuộc phản công với mục tiêu tiến quân sát tới Crimea, chia tách đất liền Nga với bán đảo này nhằm phá vỡ tuyến tiếp vận hậu cần của Moscow cho chiến trường Ukraine.

Giới chức Kyiv tuyên bố trên truyền thông rằng lực lượng vũ trang của họ đang đạt được một số tiến triển trong nỗ lực giành lại lãnh thổ, mặc dù chỉ với tốc độ chậm hơn mong đợi.

Tuy nhiên, Tổng thống Nga Putin nói hôm thứ Bảy (29/7) rằng trong những ngày gần đây không có thay đổi lớn trên chiến trường và Ukraine đã thiệt hại lượng lớn khí tài quân sự kể từ 4/6, thời điểm cuộc phản công bắt đầu.

Cùng với thời điểm cuộc phản công của Ukraine, Nga đang tăng cường sức mạnh hải quân, dường như với mục tiêu khống chế hoàn toàn Biển Đen. Theo tờ Sputnik, Tổng thống Putin tuyên bố tại lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Hải quân diễn ra hôm 30/7 rằng Nga tự tin thực hiện các mục tiêu quy mô lớn trong chính sách hàng hải quốc gia, kiên trì xây dựng sức mạnh của hạm đội. Riêng trong năm nay, 30 tàu chiến các loại sẽ được đưa vào biên chế.

Ông Putin cho rằng Hải quân Nga luôn là lực lượng bảo vệ bất khả xâm phạm biên giới. Ông nhận định những chiếc tàu này sẽ được giao nhiệm vụ chiến đấu – bao gồm tàu hộ tống tên lửa Mercury treo cờ hải quân St. George – là dấu hiệu cho thấy sự bất khả xâm phạm của truyền thống hải quân Nga, biểu tượng của lòng dũng cảm, can đảm và kiên cường của các thủy thủ quân đội.

Hải Đăng (t/h)