Chính phủ Mỹ khả năng sẽ phải đóng cửa kỹ thuật vào ngày 1 tháng 10 do các đảng phái tại quốc hội liên bang chưa thể thông qua được gói ngân sách cho năm tài khóa mới. Nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra đánh giá về tác động của việc đóng cửa chính phủ đối với GDP, tăng trưởng kinh tế, hệ thống tài chính và các dịch vụ của chính phủ.

Chỉ còn vài ngày nữa là đến hạn duyệt khoản chi tiêu cho chính phủ liên bang, tuy nhiên các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã không thông qua được dự luật chi tiêu ngắn hạn, làm tăng nguy cơ đóng cửa chính phủ. Trừ khi một dự luật chi tiêu được Quốc hội và Tổng thống Joe Biden thông qua, nếu không chính phủ Hoa Kỳ dự kiến ​​sẽ đóng cửa lúc 12:01 sáng ngày 1 tháng 10 (giờ miền Đông nước Mỹ). 

Các chuyên gia kinh tế đang đánh giá hậu quả của việc chính phủ đóng cửa và tác động của nó đối với nền kinh tế nói chung, từ sự gián đoạn của thị trường tài chính đến sự gián đoạn của các dịch vụ liên bang hàng ngày.

“Mặc dù mỗi lần đóng cửa đều có quy mô và phạm vi toàn chính phủ, nhưng chúng thường diễn ra trong một bối cảnh riêng”, ông Chris Marangi, Giám đốc Thông tin công ty Gabelli Funds, cho biết.

Trong trường hợp này, Hoa Kỳ đang phải đối mặt với rất nhiều trở ngại cùng một lúc: xung đột lao động, khí hậu cực đoan gia tăng, kinh tế tăng trưởng chậm, lạm phát tăng trở lại và việc khởi động lại thanh toán các khoản vay cho sinh viên.

Đóng cửa chính phủ và GDP 

Các ước tính về mức độ ảnh hưởng của việc đóng cửa chính phủ đến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là rất nhỏ, chủ yếu là do các khoản trợ cấp An sinh xã hội và Trợ cấp khuyết tật sẽ tiếp tục được phân bổ và Dịch vụ Bưu chính vẫn hoạt động. Ngoài ra, các nhân viên chính phủ thiết yếu sẽ tiếp tục làm việc, các công chức dân sự sẽ được tạm nghỉ và được truy lĩnh lương cho những ngày nghỉ khi lệnh đóng cửa kết thúc. Tuy nhiên, các nhân viên hợp đồng liên bang không được đảm bảo rằng họ sẽ được trả lương gia hạn hồi tố sau khi chính phủ mở cửa trở lại.

Ông Alec Phillips, nhà kinh tế chính trị Hoa Kỳ tại ngân hàng Goldman Sachs, dự đoán rằng việc chính phủ đóng cửa sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế 0,15 điểm phần trăm cho mỗi tuần đóng cửa. Con số này sẽ tăng lên 0,2 điểm phần trăm mỗi tuần khi các tác động tư nhân được tính vào phương trình tính toán.

“Tăng trưởng sẽ tăng với mức tích lũy tương tự trong quý tiếp theo sau khi mở cửa trở lại”, ông Phillips viết trong một ghi chú.

Với một số ước tính cho thấy tăng trưởng chậm lại trong quý 4, các nhà kinh tế của tập đoàn ING cảnh báo rằng việc chính phủ đóng cửa kéo dài có thể khiến nền kinh tế bị thu hẹp lại trong ba tháng cuối năm 2023, dự báo mức giảm tới 0,2 điểm phần trăm. Họ lưu ý rằng nếu chính phủ đóng cửa kéo dài vài tháng và không được giải quyết cho đến đầu tháng 12, tốc độ tăng trưởng GDP sẽ bị cắt giảm tới 1 điểm phần trăm.

Các nhà kinh tế của ING đã viết trong một báo cáo nghiên cứu tổng hợp: “Với kỳ vọng cho mức tăng trưởng hàng năm trong quý 4 là 0,4%, việc đóng cửa này có thể gây ra rủi ro GDP tiêu cực trong quý”.

Theo Giám đốc tài chính công ty tư vấn chiến lược EY-Parthenon, ông Gregory Daco, mỗi tuần chính phủ đóng cửa sẽ khiến nền kinh tế Mỹ thiệt hại khoảng 6 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng GDP quý 4 giảm 0,1 điểm phần trăm.

“Lực cản tăng trưởng phản ánh việc giảm lương, cho tạm nghỉ đối với những nhân viên liên bang, sự chậm trễ của chính phủ trong chi tiêu đối với hàng hóa và dịch vụ, và dẫn đến nhu cầu đầu cuối giảm”, ông Daco viết. “Điều quan trọng là, tác động kinh tế của bất kỳ đợt đóng cửa chính phủ nào trong vòng một quý sẽ được bù đắp một phần bằng việc trả lương hồi tố cho những người lao động nghỉ phép và việc nối lại hoạt động kinh tế.”

Tuy nhiên, một nhóm các nhà phân tích tại công ty nghiên cứu Danske Research cho rằng việc chính phủ đóng cửa “không có khả năng tự nó làm chệch hướng nền kinh tế”. Các nhà phân tích cho biết trong một lưu ý rằng chi tiêu và tiền lương bị trì hoãn sẽ có ảnh hưởng ngay lập tức đến nền kinh tế quốc gia, nhưng hầu hết điều này sẽ đảo chiều khi chính phủ mở cửa trở lại.

Các nhà phân tích của công ty cho biết việc không tăng trần nợ là một vấn đề nghiêm trọng hơn, có thể ảnh hưởng đến uy tín tín dụng của Hoa Kỳ và trong bối cảnh kinh tế chung hơn là việc đóng cửa.

Ông Marangi đồng ý và lưu ý rằng việc đóng cửa kéo dài một tháng sẽ chỉ có tác động khiêm tốn đến nền kinh tế vì tiêu dùng luôn diễn ra đều đặn, ngay cả trong môi trường lạm phát cao, lãi suất tăng, căng thẳng địa chính trị và gián đoạn lao động.

“Tuy nhiên, với quy mô chi tiêu của chính phủ và thực tế là việc đóng cửa không ảnh hưởng đến an sinh xã hội, ngay cả việc đóng cửa kéo dài một tháng cũng chỉ có tác động khiêm tốn đến nền kinh tế”, ông Marangi viết. “Người tiêu dùng Hoa Kỳ — chiếm hơn 2/3 nền kinh tế — đã đưa chúng ta vượt qua thách thức gần đây và tôi không mong điều đó sẽ thay đổi.”

Dữ liệu và Cục Dự trữ Liên bang

Việc chính phủ đóng cửa sẽ dẫn đến hạn chế dữ liệu kinh tế có sẵn cho thị trường tài chính và các nhà hoạch định chính sách công khi Cục Phân tích Kinh tế Hoa Kỳ, Cục Thống kê Lao động và Cục Thống kê Dân số sẽ đóng cửa tạm thời. Điều này có nghĩa là tiêu chuẩn vàng trong thống kê sẽ bị hoãn lại, bao gồm báo cáo việc làm tháng Chín, chỉ số giá tiêu dùng, chi tiêu tiêu dùng và giá bán buôn. Các báo cáo tư nhân như Báo cáo Việc làm Quốc gia ADP và giá thanh toán thành tố chỉ số quản lý mua hàng của Viện Quản lý Cung ứng cũng có thể bị trì hoãn.

Sau cuộc họp chính sách của Ủy ban Thị trường mở Liên bang trong tháng Chín, ông Jerome Powell, Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ nói với các phóng viên rằng các quan chức của cục này “sẽ chỉ phải xử lý” ít dữ liệu kinh tế hơn. Các nhà đầu tư cũng sẽ “nhắm mắt” giao dịch trên thị trường vì họ không có đủ dữ liệu để đánh giá nền kinh tế.

Vì các tín hiệu hiện tại cho thấy tình hình kinh tế đang suy yếu, nên các nhà quan sát kinh tế tin rằng Cục Dự trữ Liên bang khó có thể tăng lãi suất và có thể kết thúc chu kỳ tăng lãi suất hiện tại.

Các chuyên gia kinh tế của ING cho biết: “Do tình trạng nền kinh tế không rõ ràng, điều đó cũng sẽ củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang giữ lãi suất ổn định trở lại vào tháng Mười Một. Điều này sẽ mang lại nhiều thời gian hơn cho sự suy thoái kinh tế mà chúng tôi dự đoán sẽ hiện rõ và lạm phát có thể sẽ tiếp tục ở mức vừa phải, khiến nhiều khả năng chu kỳ tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang đã kết thúc.”

Theo Công cụ theo dõi lãi suất Fed (CME FedWatch Tool), thị trường tương lai đã đang định giá theo mức lãi suất đứng yên tại hai cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) tháng Mười Một và tháng Mười Hai.

Rủi ro thị trường tài chính

Ngoài những lo ngại về dữ liệu, thị trường tài chính có thể gặp phải những thách thức khác.

Về thị trường trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ, đã có những lo ngại về thanh khoản trong năm nay, các nhà đầu tư toàn cầu có thể tránh xa các trái phiếu này trong bối cảnh niềm tin vào Washington giảm sút. Hơn nữa, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC), ông Gary Gensler cảnh báo các doanh nghiệp phát hành nợ mới hoặc IPO (cổ phiếu phát hành lần đầu) sẽ bị ảnh hưởng.

“Tôi có thể nói rằng nếu một công ty quyết định phát hành cổ phiếu ra công chúng hoặc tăng giá chào bán, họ sẽ muốn có hiệu lực trước thứ Sáu (29/9) nếu họ sẵn sàng. Nếu không, họ có thể ở trong một trạng thái tiềm ẩn mà họ không thể tiếp cận thị trường được”, ông Gensler nói với các nhà lập pháp trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện.

Ông nói thêm rằng Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch sẽ duy trì một “đội ngũ nhân viên cốt cán” trong thời gian chính phủ đóng cửa và chỉ có thể ứng phó với các vấn đề quan trọng trên thị trường vốn.

Ông Martin Gruenberg, Chủ tịch Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Hoa Kỳ (FDIC), hồi đầu Chín đã tiết lộ rằng các cơ quan quản lý ngân hàng không thể phản ứng đủ nhanh trước những rủi ro gây ra cho hệ thống tài chính.

“Khi những cú sốc thị trường kết hợp với những điểm yếu này, các tổ chức tài chính phi ngân hàng có thể truyền rủi ro sang các bộ phận khác của hệ thống tài chính và cản trở nghiêm trọng hoạt động tín dụng và trung gian tài chính cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế”, ông Gruenberg nói với ‘Câu lạc bộ Exchequer về Rủi ro ổn định tài chính của Các tổ chức tài chính phi ngân hàng’ vào ngày 20 tháng 9.

Mặc dù các thị trường sẽ phải đối mặt với những nguy hiểm, nhưng ông Marangi lưu ý rằng thị trường chứng khoán thường phục hồi sau khi lệnh đóng cửa chính phủ kết thúc. Ví dụ, chỉ số S&P 500 đã tăng khoảng 10% sau 35 ngày chính phủ đóng cửa giai đoạn 2018-2019.