Ngày 19/10/2023 đã đi vào lịch sử Ukraine, khi Quốc hội bỏ phiếu thông qua dự luận 8371 cấm Giáo hội Chính thống Ukraine UOC, giáo hội có ảnh hưởng lớn nhất ở nước này.

231020 uoc 01 scaled
Ít nhất 5 triệu tín đồ UOC sẽ phải đối mặt với tình trạng bị đưa ra khỏi vòng pháp luật nếu vẫn kiên trì các hoạt động tôn giáo của mình. (Ảnh cắt từ video)
  • Quốc hội Ukraine ầm ỹ như một quán bia vào thời điểm tranh luận thông qua dự luật cấm UOC:

Theo UOJ, Reuters, Kyiv Post, và nhiều kênh khác đưa tin, dự luật 8371 đã được bỏ phiếu thông qua lần đọc thứ nhất tại Quốc hội Verkhovna Rada Ukraine. Nó sẽ được chính thức thông qua, nếu lại được thông qua lần đọc thứ hai ở Quốc hội và được tổng thống ký thành luật.

Các cảnh trên video cho thấy Quốc hội Ukraine giống như một quán bia chứ không phải một nghị viện, với những tiếng đập bàn đập ghế, những lời nói to tiếng, và những tiếng la ó vang vọng khắp phòng.

Theo UOJ —nhóm phóng viên tôn giáo của Ukraine— những cáo buộc dối trá đến mức trắng trợn được những dân biểu ủng hộ dự luật lớn tiếng trên Quốc hội. Dự luật được thông qua không phải bởi lý trí, không căn cứ trên luật pháp, mà thuần túy là dựa trên những kích động mang tính phong trào.

Ví dụ:

“Chúng ta còn cần những sự thật nào khác để cuối cùng cấm các hoạt động của cơ quan FSB ở Ukraine?”, Dân biểu Oleksandr Aliksiichuk chụp mũ rằng Giáo hội UOC là cơ quan của Liên bang Nga (FSB).

“Tiền đồn cuối cùng của Moscow ở đây là nhà thờ Nga. Và mọi người trong hội trường này đều biết điều đó,”  theo Dân biểu Ihor Guz.

“Luật này nhằm mục đích cuối cùng là quét sạch Ukraine khỏi những kẻ khốn nạn FSB thân Moscow, những kẻ đang làm mọi thứ ở đây vì chiến thắng của Moscow,” theo Dân biểu Ivan Krulko.

“Andrii Sheptytskyi, người xây dựng vĩ đại của nhân dân Ukraine, đã nói 100 năm trước: Nếu không đem tôn giáo Ukraine thoát khỏi ảnh hưởng của kẻ thù, thì sự nghiệp dân tộc sẽ không thể phát triển thành công,” theo Dân biểu Pavlo Bakunets.

v.v.

Tóm lại, việc ban lệnh cấm UOC là dựa trên nhận định về quan hệ vốn kế thừa từ lịch sử với Giáo hội Chính thống Nga. Bất chấp thực tiễn là UOC đã chính thức tuyên bố và nhiều lần nhắc lại rằng họ đã cắt đứt mọi quan hệ với Giáo hội Nga, và họ đã trở thành giáo hội độc lập.

Về luật pháp, theo tuyên bố của SBU —cơ quan an ninh và đặc vụ của Ukraine— sau khi triển khai 1.300 cuộc lục soát, SBU đã mở 68 vụ án các linh mục của UOC. Cuối cùng 19 trong số đó kết án. Trong khi đó, với tổng số 12.500 linh mục, 4.550 tu sĩ, và trên 100 giám mục, thì tổng số nhân sự của UOC là 17.100 người tất cả.

Trong tình trạng bố ráp như vậy dưới chỉ thị “độc lập tinh thần” của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cùng với báo chí và truyền thông đồng loạt lên tiếng bôi nhọ UOC, mà chính quyền chỉ kết án với tỷ lệ 1 phần nghìn, thế thì có thể nói rằng UOC khá là trong sạch, theo bình luận của UOJ.

Lưu ý rằng Ukraine có tình hình rất đặc thù, vì quốc gia này vốn chính là có một lượng rất lớn người gốc Nga. Chính SBU —cơ cấu đặc vụ của Ukraine— đã tuyên bố họ có 98% nhân viên “phản bội” trong nội bộ SBU sau sự kiện đảo chính Euromaidan 2014 và tiếp đó là Crimea đòi ly khai và sau đó sáp nhập vào Liên bang Nga.

Tháng 7/2022, Tổng thống Zelensky nói rằng 650 vụ án hình sự được khởi xướng theo tội phản quốc và cộng tác nước ngoài, nhắm vào các nhân viên của văn phòng công tố, cơ quan điều tra, và các công chức thực thi pháp luật khác.

Điều này dẫn tới Dân biểu Yevhen Shevchenko thắc mắc: “[Ukraine] chúng ta có nhiều người phản bội trong SBU và cảnh sát hơn là trong UOC. Vậy làm sao bây giờ? SBU và cảnh sát có nên bị cấm luôn không?”

Dân biểu Mykola Knyazhytskyi, người ủng hộ dự luật cấm UOC, nói: “Danh sách tội ác của các linh mục Moscow mà SBU bắt đầu ghi lại vào tháng 12/2022 đã khiến cả nước choáng váng. Quy mô của họ đã gây sốc cho Ukraine.”

Tuyên bố này đã được nhóm UOJ bình luận rằng đúng là gây sốc, nhưng mà là sốc ngược lại. Bởi vì UOC quá trong sạch nếu so với chính SBU và các cơ quan thực thi pháp luật của Ukraine.

Quá trình bầu phiếu thông qua dự luật cấm UOC ở Quốc hội vào ngày 19/10 về căn bản không phải là lấy luật pháp làm cơ sở. Trên thực tế không có bằng chứng để thiết trí một cơ sở như vậy, theo phân tích của UOJ.

Theo UOJ báo cáo, 267 lá phiếu thông qua ở Quốc hội là kết quả của những vận động. Trong đó thậm chí có cả tình tiết thủ lĩnh nhóm “S-14” khét tiếng từ thời Euromaidan đã công khai dọa tấn công những dân biểu nào mà dám phản đối dự luật cấm UOC. Những ai dám không ủng hộ dự luật này, sẽ bị chụp mũ là kẻ thù của nhân dân, là đứng về phía quân Nga xâm lược.

Đây là một thông điệp đe dọa rất ghê gớm. Ai dám đứng ra, vì hễ đứng ra thì liền bị coi là kẻ thù của nhân dân đúng vào lúc chiến tranh đang diễn ra?

Ngay trong Quốc hội ngày 19/10, thông điệp đe dọa này cũng được nói thẳng ra công khai:

“Hàng chục triệu người dân Ukraine sẽ xem những cái tên nào bỏ phiếu gì trong vài phút nữa. Và những ai không nhấn nút này thì có thể tự coi mình là người ủng hộ Moscow!”, Dân biểu Ihor Guz nói.

“Thật xấu hổ cho bạn [những người không bỏ phiếu cấm UOC]. Tất cả người Ukraine sẽ biết tên của bạn, trên khắp đường phố ở các thành phố, làng mạc, v.v.”, đại biểu Solomiya Bobrovska nói.

Bên cạnh những đe dọa và chụp mũ như vậy, UOJ báo cáo rằng các tuyên truyền dối trá và vu khống chống UOC (Ukrainian Orthodox Church — Giáo hội Chính thống Giáo Ukraine) đã được triển khai rất mạnh trên truyền thông.

Thập chí một bộ phim mang tên “Giáo hội không có Chúa Kitô” do chính dân biểu Mykola Knyazhytskyi đứng ra làm, đã được tung ra vào những ngày trước hôm bỏ phiếu ở Quốc hội.

Một chiêu nữa là truyền thông Ukraine luôn luôn cố ý gọi sai tên của UOC. Luôn luôn gọi là UOC-MP, trong đó MP nghĩa là Tòa thượng phụ Moscow. Hoặc là gọi luôn UOC là “Giáo hội Nga”, linh mục của UOC là “linh mục Nga”, nhà thờ của UOC là “nhà thờ Nga”, v.v.

Theo quan điểm của Dân biểu Oleksandr Dubinskyi trình bày trên mạng xã hội, thì ông cho rằng cuối cùng dự luật cấm UOC sẽ gặp phải phản đối từ EU. Tại sao? Tại vì dự luật cấm một cơ cấu tôn giáo có gốc gác lâu đời cả nghìn năm như thế, mà lại không có cơ sở luật pháp, thì đang đi ngược lại giá trị cốt lõi của EU.

Reuters đưa tin rằng nhà phân tích Volodymyr Fesenko cho rằng luật cấm UOC có thể được thách thức tại Tòa án Nhân quyền Châu Âu. Tuy nhiên, nhà phân tích cho rằng để tránh rắc rối, thì Giáo hội UOC nên đổi tên. Nghĩa là, với một cái tên mới hoàn toàn, thì sẽ tránh khỏi những dị nghị về các mối quan hệ có từ lịch sử với Giáo hội Chính thống Nga.

Quan hệ với Giáo hội Nga là kế thừa từ lịch sử.

Chính thống Giáo, một nhánh của niềm tin Kitô, được truyền sang phương Đông từ cả nghìn năm về trước.

Chính thống Giáo (Orthodox) đã trở thành nhánh lớn của Kitô giáo và chủ yếu truyền ra ở phương Đông, khác với Công giáo (Catholics) phát triển ở châu Âu và sau đó truyền ra các nơi khác trên thế giới. Kế thừa quan hệ trong lịch sử vốn có từ thế kỷ 17 (thời Sa hoàng), hoạt động của Giáo hội Chính thống Ukraine UOC là như một phân hệ của Giáo hội Chính thống Nga.

Sau khi chiến tranh Ukraine nổ ra tháng 2/2022, UOC đã tuyên bố cắt đứt mọi quan hệ với Giáo hội Chính thống Nga.

Tuy nhiên giới chức Kiev vẫn tiếp tục nhắc lại những quan hệ có từ trước đó mỗi khi nhắc tới UOC.

UOC nhiều lần giải thích và đưa ra các bằng chứng. Ví dụ rất nhiều nhà thờ của UOC đã trở thành nạn nhân của các vụ oanh tạc do Nga tiến hành. Các linh mục của UOC cũng là nạn nhân. Những giáo dân của UOC cùng những người thân của họ đang chiến đấu chống Nga trên chiến trường. UOC chủ động tham gia các hoạt động ủng hộ các chiến binh Ukraine. Các học sinh của trường thần học của UOC chủ động tham gia các đợt hiến máu phục vụ chiến tranh, v.v. Tất cả đều là các việc làm và các sự kiện có thể thấy được.

Việc giới chức Kiev chụp mũ UOC còn có nguyên nhân khác nữa, đó là họ muốn đưa một giáo hội khác, giáo hội OCU thay cho vị trí của UOC.

Tháng 12/2018, tổng thống Ukraine bấy giờ là ông Petro Poroshenko đã hậu thuẫn dẫn tới sự thành lập giáo hội mới, mang tên OCU.

Ông Petro Poroshenko trở thành tổng thống là sau sự kiện Euromaidan Kiev năm 2014, lật đổ tổng thống tiền nhiệm Viktor Yanukovych.

Phe ủng hộ ông Poroshenko nói rằng tổng thống tiền nhiệm Yanukovych là tổng thống thân Nga, cản trở quá trình gia nhập EU/NATO của Ukraine, cho nên đảo chính lật đổ ông ta là một việc làm đúng đắn. Ông Yanukovych vẫn luôn nói ủng hộ tiến trình gia nhập EU/NATO, nhưng mà quả thực những năm đó ông đã có nhận một số tài trợ từ Nga, và tiến trình gia nhập EU/NATO đúng là bị trì trệ.

Phe ủng hộ ông Yanukovych cho rằng Ukraine bị kẹp giữa các thế lực lớn, cho nên nhiều việc nói thì dễ mà làm thì khó. Việc đảo chính 2014 được coi là không thích đáng, và ông Poroshenko không xứng là tổng thống hợp hiến.

Bất luận các phe đúng sai thế nào, thì chính quyền Poroshenko là chính quyền được EU và Mỹ hậu thuẫn, là chính quyền của những người mang tư tưởng chống Nga mạnh mẽ. Tại Ukraine, tư tưởng chống Nga để có một Ukraine độc lập đã từng xuất hiện trong lịch sử.

Khi quân Đức Quốc xã tấn công sang Liên Xô, thì năm 1944, những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine đã có nhóm ngả theo Đức, bởi vì họ tin rằng nhờ sự giúp đỡ của Đức, thì họ sẽ có được Ukraine độc lập khỏi Liên Xô. Họ muốn chống Liên Xô. Mà Đức Quốc xã cũng vì nhìn trúng điểm này, cho nên mới tiếp nhận họ.

Sự kiện Euromaidan dựng lập chế độ Poroshenko, với EU/NATO và Mỹ hậu thuẫn, thì tình huống cũng là một chính quyền Poroshenko với nòng cốt là những người chống Nga.

Giáo hội mới OCU năm 2018, và những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine cho rằng giáo hội của quốc gia là phải là giáo hội độc lập của người Ukraine mới tốt, chứ không nên là UOC có quan hệ với Nga. Đây là đứng ở góc độ của chủ nghĩa dân tộc, chứ không nhất định là đứng ở góc độ phát triển tín ngưỡng.

Công cuộc nâng đỡ OCU như một giáo hội phù hợp với tinh thần của chủ nghĩa dân tộc, là có lúc thăng lúc trầm, nhưng nó tiếp diễn cho đến ngày nay.

Hiện nay, có cả các hoạt động như cướp nhà thờ của UOC và đưa cho OCU quản lý. Nhóm “S-14” từng tham gia ủng hộ các hoạt động bạo lực của Euromaidan năm 2014, cũng là nhóm tham gia “vận động” bằng đe dọa cho dự luật cấm UOC lần này vào năm 2023.

Tuy nhiên, mặc dù được sự ủng hộ của giới chức Kiev, nhưng giáo hội mới OCU vẫn không sao lấy được trái tim của nhân dân Ukraine.

Thực tế cho thấy các sự kiện tôn giáo do OCU cùng chính quyền Zelensky tổ chức về cơ bản là không có tín đồ Kitô nào xuất hiện. Các hình ảnh và video do chính chính quyền cung cấp đều cho thấy các sự kiện này chủ yếu là các quan chức và binh lính. Hầu như không có tín đồ!

Trong khi đó, các tín đồ Kitô trong nhân dân Ukraine vẫn là cứ đến với giáo hội UOC. Các sự kiện tôn giáo bình thường của UOC là có cả ngàn tín đồ tham dự. Sự kiện lớn thì thậm chí hàng vạn tín đồ.

Hiện nay, diễn biến mới nhất trong xung đột tín ngưỡng này, đó là Thứ Năm ngày 19/10: Quốc hội Ukraine thông qua lần 1 dự luật cấm UOC.

Theo UOJ bình luận, thì UOC từ lâu đã hoàn toàn không có ủng hộ Nga hay quan hệ qua lại. Cái gọi là quan hệ với Nga thuần túy là vu khống để đạt mục đích khác của giới chức Kiev.

Giới chức chính quyền lựa chọn phương án dùng Quốc hội ban hành lệnh cấm, theo UOJ, sẽ chỉ khiến nội bộ dân chúng Ukraine bất ổn, và người được lợi nhất e rằng sẽ chính là Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin.

Theo Reuters báo cáo, trong quá trình giới chức Kiev vận động để Quốc hội Ukraine ban hành lệnh cấm, thì người đứng đầu Giáo hội Chính thống Nga, thượng phụ Kirill của Moscow, đã lên tiếng phản đối.

“Tôi yêu cầu các ngài hãy thực hiện mọi biện pháp để ngăn chặn sự vi phạm to lớn tới quyền tín ngưỡng của Giáo hội Chính thống UOC,” ông Kirill truyền đạt thông điệp ấy tới Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres và một số quan chức khác.

Nhật Tân