Hôm 20/7 Giám đốc William Burns của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tiết lộ tại Diễn đàn An ninh Aspen, mạng lưới điệp viên do CIA tuyển dụng ở Trung Quốc đã chịu tổn thất nặng nề hơn một thập niên trước, hiện CIA đang nỗ lực để xây dựng lại mạng lưới này.

10020654804 3f0a392daa b
Giám đốc CIA (Ảnh: UNHCR / Jean-Marc Ferré / Flickr)

Một thất bại tại Trung Quốc

Công khai thừa nhận một thảm họa tình báo hơn một thập niên trước, ông Burns cho biết điệp viên CIA ở Trung Quốc bắt đầu biến mất vào năm 2010 vì sự cố phản bội của một sĩ quan CIA và sự gián đoạn liên lạc bí mật.

“Chúng tôi đã đạt được tiến bộ (trong việc xây dựng lại mạng lưới gián điệp), chúng tôi đang cố gắng để đảm bảo khả năng AI rất mạnh của chúng tôi bổ sung tốt cho thông tin mà chúng tôi có thể có được thông qua các phương pháp khác”, ông Burns nói.

Từ năm 2010 – 2012, 30 nhân viên CIA mới ở Trung Quốc đã bị Bộ An ninh Nhà nước Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt giữ, điều này đã cản trở khả năng của Mỹ trong việc theo dõi quá trình xây dựng quy mô lớn về quân sự thông thường và hạt nhân của Trung Quốc.

Hầu hết các điệp viên mất tích đều đã bị cầm tù, nhưng tình báo Mỹ đã biết được ít nhất một trường hợp hành quyết hàng loạt trong sân của một tòa nhà chính phủ ở Bắc Kinh.

Năm 2019 có nguồn tin tình báo Mỹ cho biết, đường dây liên lạc an toàn được sử dụng để liên lạc với các điệp viên được tuyển dụng có thể đã bị phía ĐCSTQ xâm nhập. Một chuyên gia tham gia điều tra là Kelton nói rằng hoạt động tình báo của ĐCSTQ lần đó là một cuộc tấn công bí mật chưa từng có vào Mỹ, gây ra thiệt hại đáng kể, bao gồm đánh cắp các bí mật nhạy cảm của chính phủ, thương mại và công nghiệp tại Mỹ.

Hoạt động tình báo của ĐCSTQ nhắm vào Mỹ đã nhiều lần thành công, bao gồm cả việc tuyển dụng các nhà khoa học hạt nhân để lấy bí mật của mọi đầu đạn được triển khai trong kho vũ khí hạt nhân của Mỹ. Kho vũ khí tên lửa và đầu đạn hạt nhân của ĐCSTQ đang mở rộng (tăng gấp 3 lần).

“Lỗ hổng” luôn tiềm tàng

Các nguồn tin tình báo cho biết, trong khoảng thời gian từ năm 2010 – 2013, CIA nhận thấy chất lượng thông tin tình báo trên mạng lưới đặc vụ của họ đã giảm sút. Nhiều đặc vụ là các quan chức ĐCSTQ đã nghỉ hưu, họ đồng ý làm gián điệp cho CIA và cung cấp thông tin một số hoạt động của ĐCSTQ.

Một nhóm tình báo đặc nhiệm đã xem xét hai khả năng gây tổn thất đó: Một là hệ quả của điệp viên làm việc cho ĐCSTQ trong CIA, hai là “sự cố kỹ thuật”.

Cuối cùng FBI và CIA Mỹ đã xác định rằng cựu đặc vụ CIA Jerry Chun Shing Lee – một công dân Mỹ gốc Hoa (còn có tên là Zen Cheng Li) – có thể đã gây ra vụ tổn thất của hệ thống đặc vụ Mỹ tại Trung Quốc hơn một thập niên trước.

Lee có thông tin về danh tính của nhiều quan chức CIA và danh tính của những người cung cấp thông tin cho họ, cũng như chi tiết về các hoạt động và phương pháp thu thập thông tin tình báo nhạy cảm của Mỹ. Tháng 4/2019, Lee đã nhận tội và bị kết án 19 năm tù.

Cũng có suy đoán rằng do hệ thống liên lạc mạng được những đặc vụ mới sử dụng không kết nối đúng cách với hệ thống siêu an toàn dùng trong liên lạc đặc vụ. Mạng lưới liên lạc đặc vụ này được các sĩ quan nằm vùng của CIA xây dựng trong nhiều năm.

Mạng lưới đặc vụ của CIA tại Liên Xô và Nga cũng bị tổn hại trong những năm 1980 và 1990. Các nhà phê bình quy kết lỗ hổng an ninh này xuất phát từ sau vụ sa thải chuyên gia phản gián James Angleton vào năm 1975, thì hệ thống phản gián vốn độc lập của CIA bị giải tán, trở thành một phần của nhiều bộ phận tổ chức.

Về thông báo gần đây của Microsoft rằng tài khoản email của Chính phủ Mỹ đã bị tấn công, ông Burns nói rằng Chính phủ Mỹ lần đầu tiên phát hiện ra vụ hack này từ phía Trung Quốc và đã gửi cảnh báo tới Microsoft.

Mỹ cần biện pháp ứng phó hiệu quả hơn

Người đứng đầu bộ phận an ninh mạng tại Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ, ông Joyce cho biết tại Diễn đàn An ninh Aspen rằng vụ tấn công gần đây vào các dịch vụ đám mây của Microsoft và rò rỉ email của Chính phủ Mỹ là một mối đe dọa gián điệp truyền thống điển hình, điều đó sẽ tiếp tục xảy ra trong tương lai. Mỹ phải thúc đẩy bảo vệ và phản công.

Trong số các quan chức chính phủ quan trọng của Mỹ được biết là đã bị tin tặc tấn công có email có cả Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Burns, Trợ lý Ngoại trưởng Conda và Bộ trưởng Thương mại Raimondo.

Nhà chức trách Mỹ cho biết đây là hoạt động tấn công có chủ đích sử dụng mật khẩu bảo mật bị rò rỉ để giả mạo quyền truy cập vào một số hộp thư Microsoft Outlook mục tiêu. Chủ tịch Smith của Microsoft cho biết tại diễn đàn rằng cuộc tấn công cho thấy khả năng của tin tặc Trung Quốc đã được nâng cao.

Cả hai cũng cho biết vụ xâm nhập được công bố vào tháng 5 có quy mô lớn hơn, khi đó tin tặc đã cài đặt phần mềm độc hại trên cơ sở hạ tầng quan trọng và một số hệ thống quân sự chưa được phân loại bảo mật.