Cơ quan quốc phòng của Liên minh Châu Âu (EU) cho biết, các quốc gia thuộc khối này nên mua vũ khí chung để bổ sung kho dự trữ sau khi cung cấp cho Ukraine, đồng thời cảnh báo rằng Mỹ có thể không phải lúc nào cũng có thể bảo vệ châu Âu trước các mối đe dọa.

Ông Jiri Sedivy, giám đốc điều hành của Cơ quan Quốc phòng châu Âu, một cơ quan của EU giúp các chính phủ của khối phát triển khả năng quân sự của họ, nhận định: “Cuộc chiến xâm lược của Nga chống lại Ukraine cho thấy sự thiếu hụt năng lực của chúng ta.”

Ông nói thêm, cơ quan này hiện đang đàm phán với các công ty vũ khí châu Âu về việc thúc đẩy sản xuất, cũng như bàn thảo cùng các quốc gia về việc liên kết với nhau để mua thiết bị và đạn dược.

Ông trình bày với Reuters: “Điều quan trọng là chúng tôi, Liên minh châu Âu, có thể trở nên đáng tin cậy trong việc bảo vệ công dân của mình.” Đồng thời, ông kêu gọi các nước chú ý đến lời kêu gọi đầu tư vào quốc phòng của Mỹ.

“Mỹ chắc chắn sẽ can dự vào châu Á Thái Bình Dương và không thể cung cấp một số phương tiện thiết yếu như máy bay chiến lược, máy bay trinh sát, tên lửa dẫn đường chính xác và hệ thống phòng không,” ông nhấn mạnh.

Ông còn chỉ ra mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố và các quốc gia thất bại ở Trung Đông hoặc Bắc Phi.

Về cơ bản, biện pháp phòng thủ của châu Âu khá rời rạc, khi mà các quốc gia chủ yếu tự trang bị cho quân đội của họ, tích lũy kho các vũ khí và thiết bị không tương thích với nhau.

Cuộc chiến ở Ukraine đã khiến khu vực này phải đối mặt với thách thức lớn nhất, phơi bày những rạn nứt sâu sắc trong cách đối phó với Moscow.

Chi tiêu quốc phòng của châu Âu lần đầu tiên vượt mức 200 tỷ Euro vào năm 2021, tăng 6% so với năm trước, mức cao nhất kể từ khi khu vực này bắt đầu tăng cường chi tiêu quân sự vào năm 2015 sau khi Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine.

Theo một báo cáo năm 2020 của Nghị viện châu Âu, nếu không có sự giúp đỡ của Hoa Kỳ, EU sẽ phải vật lộn để tự bảo vệ mình, thiếu thông tin tình báo, máy bay trinh sát và hệ thống phòng thủ tên lửa tầm trung cũng như tàu đổ bộ và tàu ngầm.

Minh Ngọc (Theo Reuters)