Ngày 7/9, Hoa Kỳ cáo buộc Moscow phạm tội ác chiến tranh khi cưỡng ép trục xuất người Ukraine sang Nga, đồng thời nêu rõ họ có thông tin về việc các quan chức Nga đang giám sát cái gọi là “hoạt động thanh lọc”.

Embed from Getty Images

“Các hoạt động này nhằm xác định những cá nhân mà Nga cho là không đủ tuân thủ hoặc tương thích với sự kiểm soát của mình,” Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc bà Linda Thomas-Greenfield phát biểu với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Bà cho hay, theo ước tính từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm cả Moscow, chính quyền Putin đã “thẩm vấn, giam giữ và ép buộc trục xuất” từ 900.000 đến 1,6 triệu người Ukraine đến Nga sau khi cuộc xâm lược bắt đầu vào cuối tháng 2.

Chỉ riêng trong tháng 7, Washington có thông tin rằng hơn 1.800 trẻ em đã được đưa từ các khu vực ở Ukraine do Nga kiểm soát sang Nga, bà Thomas-Greenfield nói thêm.

Bà nhấn mạnh: “Việc cưỡng ép di dời hoặc trục xuất những người được bảo vệ từ lãnh thổ bị chiếm đóng sang lãnh thổ của người chiếm đóng… cấu thành tội ác chiến tranh. Vậy tại sao họ lại làm điều này? … [Phải chăng là] để chuẩn bị cho một âm mưu thôn tính.”

Đáp lại, Đại sứ Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia của Nga chỉ trích cuộc họp của hội đồng là một sự lãng phí thời gian và là “một dấu mốc mới trong chiến dịch thông tin sai lệch do Ukraine và những người ủng hộ phương Tây thực hiện.”

Ông khẳng định, những người Ukraine đến Nga “phải làm thủ tục đăng ký chứ không phải là hoạt động thanh lọc.”

Ông Nebenzia yêu cầu hội đồng họp lại trong ngày 8/9 để thảo luận về “các mối đe dọa thực sự đối với hòa bình và an ninh quốc tế do các quốc gia nước ngoài cung cấp vũ khí và quân trang cho Ukraine.”

Trong khi Ukraine nhìn nhận cuộc xâm lược là một cuộc chiến tranh kiểu đế quốc hòng chiếm lấy một nước láng giềng thân phương Tây, Tổng thống Nga Vladimir Putin lại tuyên bố muốn đảm bảo an ninh cho Nga và bảo vệ những người nói tiếng Nga, đặc biệt là ở miền Đông Ukraine, nơi hầu hết các cuộc giao tranh ác liệt đã diễn ra.

Về vấn đề này, người đứng đầu các vấn đề chính trị của Liên Hợp Quốc Rosemary DiCarlo cho rằng, những cáo buộc trục xuất và hoạt động thanh lọc của Nga “cực kỳ đáng lo ngại”. Và những báo cáo như vậy phải được điều tra với sự hợp tác của các cơ quan có thẩm quyền.

Bà cũng kêu gọi cho phép các quan chức Liên Hợp Quốc và Hội Chữ Thập Đỏ được tiếp cận không bị cản trở với tất cả những người bị giam giữ trong chiến tranh Ukraine, “bao gồm quyền tiếp cận những nơi giam giữ tù nhân chiến tranh và dân thường Ukraine” ở Nga.

Đại sứ Liên Hợp Quốc Barbara Woodward của Anh cũng nói với hội đồng, Anh lo ngại rằng “trên thực tế, Nga có thể đang sử dụng việc cưỡng ép trục xuất và di dời trong một nỗ lực nhằm thay đổi cấu trúc nhân khẩu học của các vùng ở Ukraine”.

Quan chức cấp cao về nhân quyền của Liên Hợp Quốc Ilze Brands Kehris lưu ý, Liên Hợp Quốc đã “xác minh rằng các lực lượng vũ trang Nga và các nhóm vũ trang liên kết buộc dân thường phải chịu cái gọi là ‘hoạt động thanh lọc’.”

Bà cũng tiết lộ, các quan chức nhân quyền của Liên Hợp Quốc đã “xác nhận những người đàn ông và phụ nữ được coi là có mối quan hệ nhất định với các lực lượng vũ trang hoặc thể chế nhà nước Ukraine, hoặc có quan điểm thân Ukraine hoặc chống Nga, đều bị giam giữ, tra tấn, đối xử tệ bạc tùy tiện và cưỡng chế di dời.”

Minh Ngọc (Theo Reuters)