Hôm thứ Tư (ngày 27/9), Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, cơ quan tuyên truyền của nhà nước Trung Quốc, đã tham gia vào làn sóng chế nhạo Quốc hội Canada khi gọi chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau là “trò cười của thế giới” vì đã đứng dậy tung hô một ông cụ 98 tuổi từng là quân nhân Đức Quốc xã.

Yaroslav Hunka
Ông Yaroslav Hunka được đón chào long trọng như một anh hùng “chống Nga” ở Quốc hội Canada vào hôm thứ Sáu tuần trước khi Tổng thống Zelensky có mặt ở đó. (Ảnh chụp màn hình video)

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo viết: “Kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc, không một quốc hội hay chính trị gia của nước nào từng vinh danh các cựu chiến binh Đức Quốc xã trong một sự kiện chính thức, vì rõ ràng đó là hành động vi phạm giá trị cơ bản nhất của nhân loại trong thế giới ngày nay. Nhưng Canada đã làm điều đó.”

“Tâm lý của người phương Tây bị mắc kẹt quá sâu trong Chiến tranh Lạnh, và họ đã lạc lối trong cơn cuồng loạn trên con đường đánh bại hoàn toàn đối thủ.”

Tờ báo này cáo buộc các chính trị gia Canada có thói quen “tìm kiếm sự chú ý” trên trường quốc tế và cho rằng ông Trudeau “hầu như không có ý thức đối với sự công bình về mặt đạo đức và lịch sử”. Cơ quan này cũng chế nhạo cá nhân ông Trudeau vì đã đáp lại sự lên án này bằng cách cảnh báo các nhà quan sát hãy cẩn thận với “thông tin sai lệch về Nga” thay vì nhận trách nhiệm về việc hoan nghênh một quân nhân Đức Quốc xã.

Vụ việc xảy ra hôm thứ Sáu (22/9) khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến thăm Quốc hội Canada. Ottawa đã lên tiếng ủng hộ các nỗ lực quân sự chống lại cuộc chiến do Nga khởi động vào tháng 2/2022 của ông Zelensky. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần mô tả cuộc xâm lược này là một “chiến dịch đặc biệt”, cần thiết để “phi phát-xít hóa” Ukraine. Ông Zelensky đã kịch liệt bác bỏ việc gọi chính quyền được bầu cử một cách dân chủ của mình là chế độ “Đức Quốc xã”, và các nhà quan sát phương Tây cũng đã viện dẫn nguồn gốc của chính nhà lãnh đạo này khi ông là người Do Thái.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Canada Anthony Rota đã làm phức tạp thêm mọi chuyện trong chuyến thăm của ông Zelensky tới văn phòng lập pháp, bằng cách mời ông Yaroslav Hunka, một người Canada gốc Ukraina đến sự kiện với tư cách khách mời danh dự.

Ông Rota phát biểu: “Ông ấy (ông Yaroslav Hunka) là một anh hùng Ukraine, một anh hùng Canada, và chúng tôi biết ơn vì tất cả sự phục vụ của ông ấy.” Sau lời phát biểu, Thủ tướng Trudeau, Tổng thống Zelensky cùng tất cả những người khác trong phòng họp đã long trọng đứng dậy hoan hô ông cụ 98 tuổi này, trong khi ông Hunka là người từng phục vụ trong Sư đoàn Waffen-SS Galicia do Đức Quốc xã thành lập.

Trước phản ứng ngày càng gia tăng về vụ bê bối này, ông Rota đã tuyên bố rằng ông không có thông tin gì về việc ông Hunka phục vụ cho Đức Quốc xã và cam kết sẽ “nhận hoàn toàn trách nhiệm về những hành động [của mình]”. Ông đã từ chức vào đầu tuần này.

Thủ tướng Trudeau nói tiếng vỗ tay của ông dành cho Đức Quốc xã đã “gây bối rối sâu sắc cho Quốc hội Canada”, và cảnh báo những người Canada đang phẫn nộ về sự kiện này rằng: “Tôi nghĩ điều thực sự quan trọng là tất cả chúng ta phải thúc đẩy việc chống lại thông tin sai lệch của Nga và tiếp tục sự ủng hộ kiên định rõ ràng của chúng ta dành cho Ukraine.”

Phản ứng với lời kêu gọi “chống lại thông tin sai lệch của Nga” từ ông Trudeau, tờ Hoàn Cầu Thời Báo đã chế nhạo rằng ngoài việc công khai ca ngợi một quân nhân Đức Quốc xã, ông còn có quá khứ trong phong trào vẽ “mặt đen“, một hành động được cho là phân biệt chủng tộc trong đó người da trắng tô da của họ thành đen để chế nhạo những người da sẫm màu.

Hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc chất vấn: “Sự thiếu hiểu biết của các chính trị gia Canada có liên quan gì đến Nga? Lời hùng biện của ông Trudeau chỉ cho thấy ông ấy hầu như không có ý thức đối với sự công bình về mặt đạo đức và lịch sử, bằng chứng là ông có thói quen đổ lỗi thay vì xem xét lại bản thân trước sự lên án mạnh mẽ từ các nhóm Do Thái.”

Mặc dù đề cao đạo đức khi chế giễu việc ca tụng Đức Quốc xã ở Canada, bản thân chính phủ Trung Quốc lại đang thực hiện những cuộc diệt chủng của chính mình mà các nhà ủng hộ nhân quyền đã nhiều lần so sánh với hành động của Đức Quốc xã.

Tại vùng Đông Turkistan bị chiếm đóng, phía tây biên giới hợp pháp của Trung Quốc, nhà độc tài cộng sản Tập Cận Bình đã bắt đầu một chiến dịch ngay sau khi nhậm chức vào năm 2014 nhằm loại bỏ người dân bản địa, nổi bật nhất là người dân tộc Duy Ngô Nhĩ. Chính phủ của ông Tập bắt đầu xây dựng các trại tập trung ở Đông Turkistan vào năm 2017 và được cho là đã giam giữ khoảng 3 triệu người. Những người sống sót cho biết họ phải đối mặt với sự tra tấn cực độ, hãm hiếp tập thể, nhồi sọ, nô lệ và các hành động tàn bạo khác. Bên ngoài các trại tập trung, Trung Quốc đã phát động một chiến dịch triệt sản cưỡng bức nhằm loại bỏ sự phát triển của người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm người Thổ Nhĩ Kỳ khác. Các tài liệu bị rò rỉ từ Đảng Cộng sản Đông Turkistan cho thấy ông Tập đã trực tiếp ra lệnh cho Đảng “phá bỏ dòng dõi” của người dân bản địa trong khu vực.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng là nơi thực hiện một trong những cuộc diệt chủng khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại khi bắt đầu đàn áp môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công từ ngày 20/7/1999, gây ảnh hưởng đến khoảng 100 triệu người. Nhiều nạn nhân bị dội nước nóng đến chết, bị bức thực dã man đến chết, bị tra tấn, hãm hiếp… Tổ chức Điều tra Thế giới về cuộc đàn áp Pháp Luân Công, thông qua việc điều tra bằng cách gọi trên 10.000 cuộc điện thoại, đã thu được 60 băng ghi âm điều tra, 1.628 tư liệu làm chứng cứ, chứng minh: từ năm 1999 đến nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khống chế các trại lao động, nhà tù, trại tập trung trên toàn quốc cùng với quân đội, giới chính trị, tư pháp, y học, giới thương mại, xã hội đen liên kết với nhau để hình thành một mạng lưới giết người lấy nội tạng sống của người tập Pháp Luân Công, bán ra nội tạng, thí nghiệm trên cơ thể sống, buôn bán thi thể, buôn bán cơ thể sống để thu về lợi nhuận kếch sù.