Mỹ, Anh, Đức và các quốc gia khác đã bắt đầu điều động máy bay quân sự đến sân bay quốc tế Kabul từ thứ Hai để sơ tán công dân của họ sau khi Taliban tiếp quản Afghanistan, nhưng Nhật Bản là nước G7 duy nhất không điều máy bay của riêng mình, mà đã nhờ qua một nước khác.

Embed from Getty Images

Các sự kiện diễn ra sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan đã buộc Nhật Bản phải xem xét lại những lỗ hổng trong chiến lược an ninh của mình, khi các nhà lập pháp đưa ra điểm tương đồng giữa sự phụ thuộc kéo dài nhiều năm của Tokyo vào quân đội Mỹ và việc quân đội Afghanistan không có khả năng tự lực.

Hôm thứ Ba, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết 12 nhân viên Đại sứ quán Nhật Bản tại Afghanistan đã được sơ tán đến Dubai trên một chiếc máy bay quân sự từ một “quốc gia thân thiện” mà sau đó được tiết lộ là của Vương quốc Anh. 

Trước đó, Nhật Bản cũng đã cân nhắc việc tự mình di tản. Bộ trưởng Ngoại giao Toshimitsu Motegi hôm 12/8 đã chỉ thị việc lên kế hoạch sơ tán nhân viên đại sứ quán. Các đề xuất ban đầu bao gồm việc gửi một máy bay của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) tới Kabul.

SDF đã sơ tán nhân viên đại sứ quán khỏi Nam Sudan vào năm 2016. Luật của Nhật cho phép SDF bảo vệ và vận chuyển công dân Nhật Bản trong các trường hợp khẩn cấp ở nước ngoài.

Nhưng với tình hình ở Afghanistan đang xấu đi nhanh chóng, người ta lo ngại rằng việc rà soát và các cuộc thảo luận với Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền có thể mất quá nhiều thời gian.

Một quan chức Bộ Ngoại giao cho biết: “Có thể dễ dàng mất một tuần để hoàn tất quy trình, vì vậy chúng tôi đã chọn phương án khác [nhờ vả nước ngoài] để đưa các nhân viên ra khỏi đất nước nhanh hơn.”

 

Kể từ khi Taliban mất quyền lực vào năm 2001, Nhật Bản đã đóng góp khoảng 700 tỷ yên (6,38 tỷ USD) cho các nỗ lực tái thiết do Mỹ dẫn đầu ở Afghanistan. Nhật Bản cũng thực hiện các sứ mệnh tiếp nhiên liệu cho các tàu của Mỹ ở Ấn Độ Dương cho đến năm 2010. Tuy nhiên, Tokyo vẫn chậm phản ứng trước sự tiến công của Taliban vào Kabul, đặc biệt là khi so sánh với các quốc gia như Đức, vốn đã quyết định triển khai máy bay quân sự vào Chủ nhật để sơ tán công dân.

Các quyết định an ninh của Nhật Bản trong nhiều năm đều có sự tham gia của Hoa Kỳ. Ví dụ, chiến lược phòng thủ của SDF chủ yếu tập trung vào việc cầm cự cho đến khi quân đội Mỹ đến, đó là lý do tại sao người ta quan tâm nhiều đến việc liệu Mỹ có bảo vệ quần đảo Senkaku – mà Trung Quốc tuyên bố là Điếu Ngư – theo Điều 5 của Hiệp ước an ninh Nhật – Mỹ hay không. Luật của Nhật Bản đã đặt ra nhiều giới hạn đối với những gì lực lượng Nhật Bản có thể tự mình thực hiện, ngay cả đối với những việc như sơ tán công dân của chính họ.

Mỹ đã giảm bớt sự can dự của mình vào Trung Đông kể từ khi cuộc cách mạng đá phiến biến nước này thành nước xuất khẩu ròng dầu thô. Nhưng Nhật Bản vẫn phụ thuộc vào Trung Đông với gần 90% lượng dầu thô của mình, có nghĩa là nước này sẽ cần phải xây dựng một cách tiếp cận mới để hỗ trợ sự ổn định trong khu vực.

Trong khi đó, một số phương tiện truyền thông Trung Quốc đã đưa ra đe dọa rằng những gì đang xảy ra ở Afghanistan hôm nay có thể xảy ra ở Đài Loan vào ngày mai, rằng người dân Đài Loan sẽ bị bỏ mặc khi Bắc Kinh thống nhất bằng vũ lực.

Theo tờ Nikkei, việc Mỹ rút khỏi Afghanistan phản ánh sự chuyển hướng ưu tiên của Washington đối với Trung Quốc và không phải là dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ sẽ rút khỏi Đông Bắc Á. Tuy nhiên, khả năng quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc sẽ làm giảm tương đối ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.

Mặc dù quan hệ đồng minh của Nhật Bản với Hoa Kỳ sẽ tiếp tục củng cố các chính sách an ninh của Tokyo trong tương lai, nhưng những diễn biến gần đây đã làm dấy lên cuộc tranh luận tại Nhật Bản rằng, giống như Afghanistan, có lẽ Nhật đã phụ thuộc quá nhiều vào sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ.

Lê Xuân (theo Nikkei)

Xem thêm: