Đầu tháng này, Abdul Rahim, sống tại Pinrang, Nam Sulawesi, Indonesia, tuyên bố rằng mình đã tiêm 14 mũi vắc-xin COVID-19 của hãng Sinovac thay cho những người không muốn tiêm chủng. Cùng với 2 mũi vắc-xin trước đó, Rahim đã tiêm tổng cộng đến 16 liều vắc-xin. 

Indonesia
(Ảnh minh họa: Marco Lazzarini/Shutterstock)

Rahim cho hay mình đã được trả khoảng 7 – 56 USD cho mỗi mũi tiêm từ những người muốn có giấy chứng nhận tiêm chủng nhưng không muốn tiêm vắc-xin. Indonesia đã yêu cầu người dân xuất trình giấy chứng nhận tiêm vắc-xin khi đi du lịch hay đến những nơi công cộng như trung tâm mua sắm, quán cà phê và nhà hàng.

Cảnh sát địa phương và Bộ Y tế Indonesia cho biết rằng họ đang tiến hành điều tra xem Rahim có vi phạm quy định về pháp luật về bệnh truyền nhiễm của nước hay không. Theo luật, bất kỳ ai “làm ảnh hưởng đến việc thực hiện kiểm soát đại dịch” sẽ có thể bị phạt tù đến 1 năm và phạt tiền.

Cảnh sát Sulawesi đã triệu tập một số người mà Rahim nói rằng đã thay mặt họ để đi tiêm hộ. Ba người bị triệu tập sau đó đã thừa nhận họ không muốn tiêm chủng vì sợ kim tiêm và lo lắng về tác dụng phụ.

Trước đó, giới chức y tế New Zealand đã mở cuộc điều tra về vụ việc một người đàn ông tiêm 10 mũi vắc-xin ngừa COVID-19 chỉ trong 1 ngày. Người này được cho là đã nhận tiền để đi tiêm vắc-xin thay cho những người khác nhằm lấy được giấy chứng nhận tiêm chủng.

Hiện vẫn chưa rõ các hậu quả tiềm ẩn của việc tiêm 10 mũi vắc-xin trong 1 ngày, dù cho nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ từ vắc-xin được cho là tăng đáng kể khi tăng liều lượng. Bà Astrid Koornneef, người quản lý chương trình tiêm chủng và vắc-xin COVID-19 tại Bộ Y tế New Zealand, đã lên tiếng kêu gọi “những người đã tiêm nhiều liều vắc-xin hơn khuyến cáo” nên kiểm tra càng sớm càng tốt.

Theo SCMP,

Phan Anh

Xem thêm: