Cử tri Ireland hôm thứ Sáu (8/3) đã bỏ phiếu đa số áp đảo phản đối đề xuất sửa đối định nghĩa về gia đình trong hiến pháp.

Cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức vào ngày thứ Sáu (8/3), cũng là Ngày Quốc tế Phụ nữ.

trung cau dan y tai Ireland
Phiếu bầu trưng cầu dân ý hôm 8/3 đang được kiểm đếm tại trung tâm Kiểm phiếu RDS Dublin vào ngày 9 tháng 3 năm 2024. (Nguồn ảnh: Charles McQuillan/Getty Images)

Cử tri được đề nghị lựa chọn mở rộng định nghĩa gia đình từ mối quan hệ dựa trên hôn nhân thành dựa trên hôn nhân và các quan hệ lâu dài khác. Cử tri đã bác bỏ đề xuất này với tỷ lệ 67,7% – 32,3%.

Cử tri cũng được hỏi liệu có nên thay thế cách diễn đạt xoay quanh những bổn phận trong gia đình của người phụ nữ bằng một điều khoản công nhận vai trò của các thành viên gia đình trong lĩnh vực chăm sóc hay không. Cử tri đã bác bỏ đề xuất này với tỷ lệ 73,9% – 26,1%.

Hiến pháp hiện hành của Ireland nêu rõ trách nhiệm của nhà nước là phải “đảm bảo rằng những bậc làm mẹ không nên bị buộc phải vì kế sinh nhai mà tham gia lực lượng lao động khiến bị xao nhãng những trách nhiệm của họ trong gia đình”.

Cả chính phủ của đảng tân tự do trung hữu cầm quyền và các đảng đối lập cánh tả tại Ireland đều lập luận rằng cách diễn đạt về gia đình và phụ nữ trong hiến pháp hiện nay “chứa những lời lẽ lạc hậu và phân biệt đối xử đối với phụ nữ và vai trò của họ trong xã hội”.

Những người vận động cho chiến dịch trưng cầu dân ý sửa đổi phiến pháp lần này cho rằng đề xuất mới sẽ ghi nhận sự chăm sóc gia đình là trách nhiệm cá nhân, không phải là trách nhiệm nhà nước.

Bộ trưởng giao thông Ireland Eamon Ryan sáng thứ Bảy (9/3) đã chấp nhận rằng “tiếng nói của người dân” phải được tôn trọng.

Rõ ràng chúng ta đã thua”, ông Ryan nói, theo Irish Examiner. Ông Ryan nói thêm rằng: “Nhưng quý vị phải tôn trọng tiếng nói của người dân”.

Theo Reuters, phát biểu với báo giới tại Dublin hôm 9/3, Thủ tướng Ireland Leo Varadkar cho hay: “Tôi nghĩ rõ ràng vào giai đoạn này, trưng cầu dân ý về sửa đổi định nghĩa gia đình và sửa đổi điều khoản chăm sóc đã thất bại”. Ông cũng xác nhận rằng các nhà chức trách Ireland đã không thể thuyết phục được đa số công chúng.

Trách nhiệm của chúng tôi là phải thuyết phục đa số người dân bỏ phiếu đồng ý, và chúng tôi rõ ràng đã không làm được vậy”, ông Leo Varadkar nói. Thủ tướng Ireland thừa nhận rằng cử tri đã đánh cho chính phủ “hai đòn mạnh”.

Trước đó, Thủ tướng Leo Varadkar lập luận rằng việc bỏ phiếu “không” sẽ là “bước lùi” đối với quyền của phụ nữ. Ông cũng chỉ trích “ngôn từ rất lạc hậu và rất phân biệt giới tính đối với phụ nữ” trong bản hiến pháp hiện hành của Ireland.

Phó Thủ tướng Ireland Micheal Martin cũng lên tiếng bày tỏ sự thất vọng của ông đối với kết quả trưng cầu dân ý. Nhưng ông nhấn mạnh rằng, chính phủ “hoàn toàn tôn trọng” kết quả này.

Những người ủng hộ định nghĩa về gia đình hiện tại ghi trong hiến pháp cho rằng đề xuất mở rộng định nghĩa này có thể mở đường cho việc công nhận tục đa thê tại Ireland.

Những người bảo vệ hiến pháp hiện hành lập luận rằng việc loại bỏ ngôn từ tuyên bố trách nhiệm gia đình của phụ nữ ghi trong hiến pháp là đồng nghĩa loại bỏ những sự bảo vệ cho các bậc làm mẹ không bị ép phải tham gia công việc bên ngoài gia đình thay vì có thể tập trung vào việc nuôi dạy con cái.

Theo Breitbart News, bình luận về thất bại của chính phủ trong cuộc trưng cầu dân ý vừa qua, nhóm vận động Gia đình Đoàn kết đã gọi cuộc bỏ phiếu này là “chiến thắng lịch sử cho các giá trị gia đình”.

Nhóm vận động Gia đình Đoàn kết tuyên bố:

Trong Ngày Quốc tế Phụ nữ, cuộc trưng cầu dân ý đề xuất định nghĩa lại gia đình trong Hiếp pháp Ireland đã thất bại to lớn. Đất nước chúng ta đã thể hiện sự cam kết đối với hiểu biết truyền thống về gia đình là dựa trên hôn nhân.

Cuộc bỏ phiếu này có giá trị như là khoảnh khắc trọng yếu trong lịch sử Ireland, đánh dấu sự chấm hết cho một kỷ nguyên bị thống trị bởi quan điểm tự do cấp tiến. Quyết định này của cử tri Ireland gửi một thông điệp mạnh mẽ về tầm quan trọng của việc gìn giữ những giá trị nền tảng trong bối cảnh những thay đổi xã hội sâu rộng.

Chiến thắng này không chỉ là một sự bác bỏ một đề xuất trưng cầu dân ý cụ thể; mà nó là một tuyên bố bởi người dân Ireland rằng hạt nhân của xã hội – gia đình dựa trên hôn nhân – phải luôn được bảo vệ và coi trọng. Nó [Chiến thắng này] nhấn mạnh khao khát tập thể về việc duy trì tính toàn vẹn của các giá trị xã hội vốn từ lâu đã là nền tảng của đất nước chúng ta.

Hiến pháp Ireland hiện hành được thông qua vào năm 1937 và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi Giáo hội Công giáo, cũng như phản ánh những quan điểm bảo vệ truyền thống về các vấn đề xã hội.

Tuy nhiên, dưới sự nổi lên của xu hướng dân chủ cách tả cấp tiến trong thập kỷ qua, Ireland cho đến nay đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính và hủy bỏ luật cấm phá thai gần như hoàn toàn vốn là những vấn đề đi ngược lại với các giá trị đạo đức truyền thống và niềm tin Công giáo.

Hải Đăng