“Đã đến lúc phải dạy cho họ một bài học,” Đại sứ Erdan nói hôm 25/10 khi tuyên bố Israel sẽ ngừng cấp thị thực cho những đại biểu của LHQ, sau trận đấu khẩu kịch liệt ở Hội đồng Bảo an trước đó. Ông Erdan đổ lỗi tấn công của Hamas cho sự “bất lực” của LHQ, và Tổng Thư ký LHQ Guterres là “mất sạch đạo đức” vì cho rằng hành động của Hamas là do “người Palestine bị chủ đích trở thành nạn nhân của 56 năm chiếm đóng và áp bức.”

Gilad Erdan
Đại sứ Gilad Erdan của Isrel. (Ảnh chụp màn hình video)

Phát biểu trên Army Radio (Phát thanh Quân đội) hôm Thứ Tư 25/10, Đại sứ của Israel tại Liên Hợp Quốc Gilad Erdan nói:

“Vì lời lẽ của ông [Guterres], chúng tôi sẽ từ chối thị thực cho các đại biểu của LHQ. Chúng tôi đã từ chối thị thực cho Martin Griffiths, Phó tổng Thư ký về Nhân đạo của LHQ.

Đã đến lúc phải dạy cho họ một bài học.”

Lời lẽ của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres trong cuộc họp Hội đồng Bảo an hôm Thứ Ba cũng khá dài. Theo Al Jazeera (Qatar) phân tích, đoạn nhạy cảm là khi ông Guterres cho rằng “việc tấn công của Hamas không phải là xuất phát từ không đâu” và nói rằng đó là hậu quả của việc “người Palestine là bị chủ đích trở thành nạn nhân của 56 năm chiếm đóng và áp bức.”

Theo Al Jazeera tường thuật tại chỗ ở cuộc họp, lời lẽ của ông Guterres là “lối tiếp cận vấn đề một cách cân bằng” và đã nhận được nhiều lời ca ngợi từ các quốc gia khác nhau trên thế giới.

Tuy nhiên việc này đã khiến Israel “tức giận”. Ví dụ như theo phóng viên Al Jazeera tường thuật, Ngoại trưởng Israel Eli Cohen đã “tức giận đến nỗi ông ta hủy bỏ cuộc họp mặt với ông Tổng Thư ký LHQ vốn đã lên lịch vào buổi chiều Thứ Ba cùng ngày.”

Phóng viên bình luận rằng “đây là lối phản ứng rất là hiếm gặp đối với ông Tổng Thư ký.”

Xung đột Israel Hamas

Các tay súng Hamas bất ngờ từ Gaza vượt qua đường biên để xông vào Israel hôm 7/10. Israel báo cáo 1.400 người Israel bị tàn sát, hầu hết là dân thường, và hơn 220 người Israel bị bắt cóc về Gaza làm con tin.

Israel gọi đó là hành động khủng bố giống ngày 11/9/2001 ở Mỹ, và tuyên bố tình trạng chiến tranh. Từ ngày 8/10 đến nay, Israel đã phong tỏa toàn diện Dải Gaza, chặn các nhu yếu phẩm, và liên tục oanh tạc. Y tế Gaza cho hay 5.800 người Palestine đã mất mạng, hầu hết là dân thường.

Israel trong nhiều ngày qua tuyên bố họ đã huy động toàn lực quân đội, gồm cả quân dự bị, cùng xe tăng và thiết giáp đã tới đường biên Gaza, và sẵn sàng tiến hành tấn công trên bộ vào bất cứ lúc nào.

Israel đã bác bỏ các đề xuất ngừng bắn hoặc tạm ngừng bắn để cho các hoạt động viện trợ nhân đạo. Israel hiện nay được hậu thuẫn mạnh mẽ bởi Mỹ, mặc dù Mỹ đưa ra các lời khuyên Israel hãy tôn trọng luật pháp quốc tế.

LHQ cùng các cơ cấu hoạt động nhân đạo đã nhiều lần lên tiếng về thảm trạng sinh tồn của dân chúng ở Dải Gaza. Trước mắt, LHQ kêu gọi Israel mở cửa khẩu cho các xe chở hàng cứu trợ —hiện đang có hàng trăm xe chờ đợi ngoài cửa khẩu Rafah— có thể tiến nhập Gaza.

Trước sức ép của LHQ, Israel đã mở cửa cho vài chục xe tải chở hàng cứu trợ. Nhưng đó “chỉ là giọt nước bỏ biển” hoàn toàn không đủ, theo LHQ, khi mỗi ngày cần ít nhất 100 xe tải. Ngoài ra, Israel không cho chất đốt, như xăng dầu và khí đốt, được đưa vào. UNRWA (một tổ chức nhân đạo của LHQ) tuyên bố họ có thể buộc phải ngừng hoạt động trong hôm nay vì không có chất đốt họ sẽ không làm gì được, vì xe cũng không có xăng mà chạy.

Israel bác bỏ yêu cầu của LHQ, và tình trạng lâm vào bế tắc. Vụ đấu khẩu giữa Israel và LHQ làm trầm trọng thêm tình hình.

Bế tắc ở Hội đồng Bảo an kéo dài thời gian

Tuần trước, dự thảo nghị quyết của Nga đề xuất, và sau đó là dự thảo nghị quyết của Brazil đề xuất đều đã bị phủ quyết ở Hội đồng Bảo an LHQ bởi Mỹ, quốc gia hậu thuẫn Israel.

Nghị quyết của Brazil đề xuất ngừng bắn tạm thời để các hoạt động nhân đạo có thể tiến hành. Đề xuất của Nga cũng tương tự.

Israel nói rằng ngừng bắn sẽ giúp cho phiến quân Hamas hồi sức, cho nên họ phản đối đề xuất này.

Đại sứ của Mỹ tại LHQ nói rằng Mỹ phủ quyết là để bảo vệ “quyền tự vệ” của Israel.

Sau đó Mỹ đề xuất một dự thảo của Mỹ, mà theo Ngoại trưởng Mỹ Anthony miêu tả là trong đó đã “tích hợp các phản hồi có ý nghĩa thực chất của các bên.”

Theo AFP báo cáo sau khi đã xem nội dung dự thảo nghị quyết do Mỹ đề xuất, như Al Jazeera đưa tin, thì nội dung dự thảo nêu ra quyền tự vệ như “quyền lợi thừa kế của các quốc gia”, đồng thời cũng kêu gọi các bên hành động phù hợp với luật pháp quốc tế. Nó cũng ủng hộ hoạt động cứu trợ nhân đạo có thể tiến hành, nhưng không thực sự kêu gọi ngừng bắn hoàn toàn.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói “Không một thành viên nào của Hội đồng —không một dân tộc hay cả một quốc gia— có thể hoặc sẽ chấp nhận dung túng cho kẻ tàn sát người dân của mình.”

Theo báo cáo của Reuters, trong phiên bản ban đầu của dự thảo của Mỹ, chỉ có phần bảo vệ quyền tự vệ của Israel, mà hoàn toàn không có kêu gọi tạm ngừng bắn. Nhưng sau khi có sức ép các phía, Mỹ đã chỉnh lại, kêu gọi tạm ngừng bắn cho hoạt động nhân đạo.

Nga —quốc gia thường phủ quyết các đề xuất của Mỹ kể từ khi chiến tranh Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022— tuyên bố rằng Nga sẽ phủ quyết dự thảo do Mỹ đề xuất lần này. Nga phủ quyết với lý do muốn đưa một giải pháp khác thay thế.

“Cả thế giới đang mong đợi từ Hội đồng Bảo an lời kêu gọi ngừng bắn nhanh chóng và vô điều kiện,” Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia nói với Hội đồng Bảo an. “Mà đó chính là điều không có trong dự thảo của Mỹ. Vì vậy, chúng tôi không thấy nó có ý nghĩa gì và chúng tôi không thể ủng hộ nó.”

Ngay cả Ai Cập, thường vẫn là đồng minh của Mỹ, và tỏ ý ủng hội dự thảo này, nhưng có phê bình kín đáo.

“Chúng tôi ngạc nhiên vì nỗ lực dự thảo này không chứa đựng kêu gọi ngừng bắn để ngăn ngừa tình huống trở nên tồi tệ hơn, điều mà có thể đưa tình hình khu vực trở nên nguy hiểm,” Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry nói.

Jordan và đại biểu của Chính phủ Palestine —cơ cấu đối đầu với thế lực Hamas— thì cho rằng sự trì trệ mãi không ra được nghị quyết nào của Hội đồng Bảo an là điều “không thể chấp nhận được.”

“Hội đồng Bảo an phải có chủ kiến rõ ràng để đảm bảo hơn hai triệu người Ả Rập và Hồi giáo [đang sống ở Gaza] thấy được luật pháp quốc tế sẽ được áp dụng,” Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi nói.

Nga và Jordan là hai trong các quốc gia đang tiến hành thúc đẩy một cuộc họp vào Thứ Năm ở Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc.

Hội đồng Bảo an, nơi có 15 thành viên, nhưng một số thành viên thường trực (gồm Nga và Mỹ) là có quyền phủ quyết dễ dẫn tới bế tắc không giải được. Đưa vấn đề lên Đại Hội đồng là hy vọng có thể có được một nghị quyết được thông qua.

Nghị quyết của Đại Hội đồng tuy không có tính bắt buộc phải tuân thủ, nhưng nó có ý nghĩa về dư luận và tính biểu tượng.

Nhật Tân