New York Times đã minh họa sự chiếm đóng nhanh chóng của Taliban từ đầu tháng 5, sau khi chính quyền Biden tuyên bố rút quân.

timeline
Những thay đổi trên bản đồ Afghanistan trong 3 tháng về sự chiếm đóng của Taliban.
Ghi chú: Màu cam đậm – Taliban quản lý; màu vàng nhạt – vùng tranh chấp; màu trắng – chính phủ quản lý (Đồ họa minh họa: NY Timess)

Chỉ một tháng trước, Tổng thống Biden đã bảo vệ quyết định chấm dứt sự can dự của Mỹ ở Afghanistan. Ông nói rằng việc Taliban tiếp quản khó có thể xảy ra.

“Tôi có tin tưởng Taliban không? Không,” ông Biden nói vào thời điểm đó. “Nhưng tôi tin tưởng vào năng lực của quân đội Afghanistan, những người được đào tạo tốt hơn, trang bị tốt hơn và có năng lực hơn.”

Nhưng trong bảy ngày qua, tuần mang tính chất quyết định nhất trong hai thập kỷ chiến tranh, đội quân mà ông Biden kỳ vọng đó đã sụp đổ. Các thành phố quan trọng lần lượt rơi vào tay Taliban. Cảm giác hoảng sợ dâng lên khắp nơi. Người Mỹ, những người trong nhiều năm huấn luyện lực lượng Afghanistan và chiến đấu cùng họ để ngăn chặn Taliban, bắt đầu sơ tán hầu hết nhân viên đại sứ quán ở thủ đô Kabul.

Quyết tâm của Taliban nhằm tái chiếm đất nước đã có một số khởi đầu triển vọng vào đầu năm nay, khi các sĩ quan ở các tiền đồn khu vực nông thôn đầu hàng. Sau ngày 1/5 khi ông Biden tuyên bố về quyết định rút quân, chiến dịch của Taliban ngày càng tăng tốc như “hổ mọc thêm cánh”.

Khi Taliban đẩy mạnh tấn công các thành phố trên khắp đất nước khi ngày rút quân của Mỹ gần kề, hầu hết các lực lượng chính phủ đã kiệt sức, rối loạn và tháo chạy. Nhiều thành phố sụp đổ mà không cần một tiếng súng.  

Chính phủ Afghanistan sau cùng chỉ kiểm soát hai thành phố lớn: Kabul và Jalalabad ở phía đông. Vào đêm thứ Bảy, thành phố lớn cuối cùng ở phía bắc của đất nước, Mazar-i-Sharif, đã rơi vào tay quân nổi dậy. Hai tỉnh nữa là Uruzgan ở phía nam và Zabul ở miền trung Afghanistan cũng trên đà sụp đổ.

Thời chính quyền Trump, hồi tháng 2 năm 2020, Taliban đã đồng ý một thỏa thuận với Hoa Kỳ. Trong đó, Taliban đồng ý đàm phán với chính phủ Afghanistan về hình thức của một chính phủ chia sẻ quyền lực và một lệnh ngừng bắn lâu dài. Nó cũng cam kết cắt giảm bạo lực, đình chỉ các cuộc tấn công gây thương vong hàng loạt ở các thành phố và không tấn công quân Mỹ khi họ rút đi.

Tuy vậy, theo đánh giá của tình báo Mỹ và Lầu Năm Góc, trong khi Taliban đã kiềm chế không tấn công quân đội Mỹ và giảm đáng kể các cuộc tấn công gây thương vong hàng loạt, nhiều cam kết khác đã không được đáp ứng, đặc biệt từ khi chính quyền Biden lên nắm quyền.

Taliban đã củng cố quyền kiểm soát các đường cao tốc chính, đánh thuế người lái xe ô tô. Tổ chức này cũng đã chiếm giữ một số cửa khẩu và chiếm đoạt thuế quan. Taliban cũng đã tăng cường chiến dịch ám sát đối với các quan chức chính phủ, các nhà hoạt động nhân quyền và xã hội dân sự, sĩ quan cảnh sát, nhà báo và các học giả tôn giáo.

Nhận xét về điều này, cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo cho rằng dù Mỹ đã giảm lực lượng của họ ở Afghanistan từ hồi dưới thời Trump, nhưng Taliban đã không trỗi dậy như hiện tại.

Ông Pompeo cho biết, kế hoạch của cựu TT Trump rút khỏi Afghanistan sẽ bao gồm việc không để Taliban tiếp quản. Ông nói thỏa thuận mà chính quyền Trump đạt được với Taliban là “rút quân có điều kiện” và cho phép Hoa Kỳ hành động nếu cần thiết.

“Chúng tôi đã nói rõ rằng nếu họ không tuân theo cam kết đó … chúng tôi sẽ không cho phép họ phớt lờ bất kỳ thỏa thuận nào mà họ đã ký, chúng tôi sẽ nghiền nát họ”, ông Pompeo nói.

Cựu Ngoại trưởng cho biết Taliban trở nên “hung hăng” và “không biết sợ” là kết quả mới nhất của việc chính quyền Biden không đưa ra các biện pháp răn đe hiệu quả.

Lê Xuân (t/h)

Xem thêm: